Đồng bằng sông Cửu Long: Đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Phát huy lợi thế các sản phẩm vùng miền

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay vùng ĐBSCL có số lượng sản phẩm OCOP đứng thứ 3 cả nước, với 375 sản phẩm, chiếm 17,3%, trong đó số lượng sản phẩm đạt 3 sao chiếm gần 62,7% và 33% sản phẩm 4 sao. Các địa phương trong vùng đã phát huy lợi thế của các sản phẩm vùng miền, gắn với thế mạnh của vùng như lúa gạo, trái cây, thủy sản, du lịch sinh thái... để lựa chọn, tập trung phát triển các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của từng địa phương. Sản phẩm OCOP của vùng từng bước hình thành chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nhiều sản phẩm OCOP của vùng ĐBSCL đạt chất lượng cao phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu

Nhiều tỉnh thành trong vùng cũng đã đặc biệt chú trọng xét chọn công nhận các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP với chất lượng được kiểm chứng trên thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tại tỉnh Bến Tre, Ðồng Tháp nằm trong số 12 tỉnh, thành phố được Trung ương chọn làm mô hình chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình OCOP của cả nước. Đến nay, Bến Tre có 37 sản phẩm OCOP được trao chứng nhận, trong đó có 25 sản phẩm đạt 4 sao và 12 sản phẩm đạt 3 sao. Ðồng Tháp đã cấp giấy chứng nhận OCOP hạng từ 3 đến 4 sao cho 70 sản phẩm của 30 DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh từ cuối năm 2019. Hay tỉnh Sóc Trăng đến nay cũng đã công nhận 99 sản phẩm OCOP của 52 DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, tính đến nay An Giang có 5 sản phẩm đề xuất 5 sao cấp quốc gia, 11 sản phẩm đạt 4 sao và 38 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2021 An Giang phấn đấu có thêm 20 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên và có 2 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng cấp quốc gia.

Chương trình OCOP đã hỗ trợ người dân trong quá trình tổ chức lại sản xuất và nâng tầm phát triển các sản phẩm có lợi thế tại địa phương, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và bao bì, nhãn hiệu, đẩy mạnh thương mại hóa, tạo giá trị gia tăng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho các chủ thể sản xuất, góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động ở nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

Đặc biệt, sự có mặt của các DN, hệ thống phân phối lớn như: Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Central Retail Việt Nam, các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các hệ thống phân phối của các tỉnh, thành trên cả nước... cũng đã ký kết được nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác với Sở Công Thương của các tỉnh thành trong vùng để đẩy mạnh phân phối, tiêu thụ trong nước và cả xuất khẩu các sản phẩm OCOP.

Đưa sản phẩm OCOP cất cánh vươn xa

Ðể chuẩn hóa các sản phẩm lợi thế theo tiêu chí OCOP, các địa phương trong vùng đã tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, hỗ trợ về khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất. Tập trung triển khai gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, khai thác lợi thế sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp, phát triển thương mại hàng hóa của từng địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều Duyên - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ, các ngành chức năng cần hỗ trợ các địa phương xây dựng sản phẩm đáp ứng tiêu chí OCOP, thường xuyên kiểm tra, giám sát sản phẩm trên thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhiều DN cho hay, để có sản phẩm đạt chuẩn, sản phẩm chế biến chuyên sâu, sản phẩm truyền thống gắn với tiềm năng lợi thế như gạo, trái cây, thủy sản…, ngành Công Thương cũng đã sát cánh cùng các DN, hỗ trợ hình thành các phương án kinh doanh để phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề, nâng cao năng lực phát triển sản phẩm OCOP.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang - ông Lê Trung Hiếu - cho rằng, cần chú trọng tăng cường sự kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác giữa các tỉnh thành trong vùng thực hiện quảng bá, giới thiệu và phát triển các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Thúc đẩy kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các nhà sản xuất và các đầu mối tiêu thụ, định hướng phát triển sản xuất sản phẩm theo nhu cầu phát triển của thị trường. Việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cũng cần tập trung hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác hoàn thành chỉ tiêu chất lượng, nhãn hiệu của từng sản phẩm.

Thanh Thanh