Đề học sinh giỏi Ngữ văn: Học lời ngọn gió chẳng bao giờ vu vơ

Cụm trường trung học phổ thông Quỳnh Phụ (Thái Bình) vừa tổ chức kì thi chọn học sinh giỏi lớp 12, trong đó có môn Ngữ văn. Theo đó, đề thi gồm 2 phần: nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Câu 1. Trong bài thơ Ngụ ngôn của mỗi ngày, nhà thơ Đỗ Trung Quân viết:

Tôi học lời ngọn gió
Chẳng bao giờ vu vơ
Tôi học lời của biển
Đừng hạn hẹp bến bờ

Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về bài học cuộc sống được gợi ra từ những câu thơ trên.

Câu 2. (12,0 điểm)

Giá trị vĩnh hằng của thơ là những vấn đề mang tính nhân văn, thuộc về con người, thuộc về nhân loại. (Trần Hoài Anh - Thanh Thảo và thơ)

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh (sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2020).

Gợi ý đáp án nghị luận xã hội

Giải thích, nêu vấn đề nghị luận: "Gió", "biển" là hiện thân của thiên nhiên tươi đẹp. "Gió" thường thổi theo một hướng tùy theo mùa và thời tiết. Học "lời ngọn gió" dạy "chẳng bao giờ vu vơ" tức luôn có chủ đích, luôn theo một hướng. Con người cần sống có lí tưởng, hoài bão, ước mơ, xác định rõ ràng con đường đi của mình để đạt tới thành công

"Biển" luôn rộng lớn. Học "lời của biển" "đừng hạn hẹp bến bờ" có nghĩa là đừng nên ích kỉ, hẹp hòi, ngược lại mở rộng lòng mình để đón nhận yêu thương và hãy yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ mọi người.

Đoạn thơ vừa là lời tự nhủ vừa là lời khuyên chân thành về cách sống của nhà thơ Đỗ Trung Quân, hãy sống có lí tưởng, ước mơ và có tấm lòng rộng mở..

*Bàn luận: Sống có lí tưởng, hoài bão ước mơ sẽ giúp con người thấy cuộc đời thật ý nghĩa; là động lực để cố gắng, phấn đấu và vượt qua những khó khăn thử thách, đạt tới thành công… (dẫn chứng)

Sống với tấm lòng rộng mở, yêu thương và sẻ chia yêu thương sẽ tạo được niềm vui, hạnh phúc, giúp cho cuộc sống con người, xã hội tốt đẹp hơn… (dẫn chứng)

Phê phán lối sống không lí tưởng, ước mơ, ích kỉ, thực dụng… của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

*Bài học: Cần nhận thức được vai trò, ý nghĩa to lớn của lối sống có lí tưởng, tấm lòng sẻ chia, rộng mở, giúp đỡ mọi người.

Tuổi trẻ là những đam mê, là những khát khao, hãy dám sống là chính mình với những ước mơ, lí tưởng cao đẹp, hãy biết sẻ chia yêu thương, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, dâng hiến cho đời những hoa thơm, trái ngọt.

Gợi ý đáp án nghị luận văn học

Giải thích ý kiến: Giá trị vĩnh hằng của thơ: Giá trị đích thực của tác phẩm làm nên sức hấp dẫn và sức sống trường tồn của tác phẩm trong lòng công chúng

Tính nhân văn: Hệ thống tư tưởng đề cao các giá trị con người, nâng niu và trân trọng vẻ đẹp, khát vọng của con người. Đó có thể là những vấn đề mang tính thời sự, những vấn đề riêng của con người trong một bối cảnh xã hội, lịch sử cụ thể (thuộc về con người), đó cũng có thể là vấn đề mang tính nhân bản, thể hiện bản chất quy luật mọi thời, của con người (thuộc về nhân loại)

Ý nghĩa của nhận định: Điều làm nên giá trị đích thực, bất biến muôn đời của tác phẩm thơ nói riêng, tác phẩm văn học nói chung chính là giá trị nhân văn, những vẻ đẹp, khát vọng muôn đời của con người được gửi gắm trong tác phẩm văn học.

Triển khai vấn đề cần nghị luận: Phân tích chứng minh qua bài thơ "Sóng"

Nhận xét, đánh giá: Ý kiến đã khẳng định được đặc trưng, thuộc tính quan trọng nhất của thơ nói riêng và văn học nói chung về giá trị nhân văn gắn liền với những vẻ đẹp và khát vọng muôn đời của con người được gửi gắm trong tác phẩm. Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh đã thể hiện tài năng, tấm lòng của thi sĩ đối với cuộc đời.

Bài học đối với người cầm bút: Tác phẩm thực sự có giá trị khi nó phản ánh hiện thực cuộc sống bằng cái tâm và tài năng nghệ thuật thực sự của người cầm bút hướng tới con người, vì con người mà sáng tạo.

Bài học cho người tiếp nhận: Bạn đọc cần phải biết trân trọng tấm lòng, tài năng của người nghệ sĩ được thể hiện trong tác phẩm, phát huy giá trị tốt đẹp tác phẩm để lại, gắn bó với cuộc sống, con người qua những trang văn. Bạn đọc qua tác phẩm văn học từ nhận thức đi đến sự tự nhận thức về giá trị nhân văn để hướng tới làm giàu tâm hồn mình, hoàn thiện nhân cách.

Ly Hương