Đại chúng hóa và công cuộc chấn hưng văn hóa

2023 là năm chúng ta kỷ niệm 80 năm ngày Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng ra đời (1943). Đề cương về văn hóa năm 1943 có ba mục đích: Dân tộc hóa, Đại chúng hóaKhoa học hóa.

Một trong ba mục đích quan trọng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 làĐẠI CHÚNG HÓA được bàn đến với một số quan điểm mới và khác nhau. Sau 80 năm bản đề cương quan trọng này ra đời, một số người cho rằng mục tiêu Đại chúng hóa cần phải thay đổi cho phù hợp với thời đại. Họ quan niệm Đại chúng hóa có nghĩa là bình dân hóa các giá trị văn hóa. Trong khi đó, chúng ta đang đòi hỏi các tác phẩm văn học nghệ thuật phải có đỉnh cao, phải ngang tầm thời đại. Đây là một vấn đề phải hiểu một cách khoa học nhất và nhân văn nhất bản chất của mục đích này.

Một cán bộ có chức quyền sẵn sàng nhận hối lộ hàng chục triệu USD là không còn nằm trong phạm vi vật chất nữa mà nằm trong phạm vi “ý thức sống và lòng tự trọng”. Khi con người đánh mất “ý thức sống và lòng tự trọng” thì họ sẽ đánh mất mọi khả năng hướng thiện. Luật pháp có thể chưa làm họ sợ hãi, danh dự không làm họ phải dày vò, sự công bằng không làm họ phải suy nghĩ. Nhà thơ ễn Quang Thiều

Theo cách nhìn của cá nhân tôi thì Đại chúng hóa có nghĩa là phổ cập một giá trị văn hóa cho đông đảo con người trong xã hội. Có hai điều cơ bản vô cùng quan trọng trong việc xây dựng một xã hội hạnh phúc là con người trong xã hội đó phải được hưởng thụ một cuộc sống tự do, dân chủ và phải được hưởng thụ những giá trị văn hóa. Những giá trị văn hóa sẽ khai phóng tư duy và cảm hứng sống của con người. Quan trọng hơn cả là nó thiết lập nền tảng cho các nguyên tắc sống, lý tưởng sống và luôn thúc đẩy con người hướng tới những giấc mơ đẹp đẽ cho tương lai của cá nhân mình, gia đình mình và cộng đồng của mình.

Hiện thực xã hội Việt Nam đang đặt ra những thách thức lớn cho những người quản lý đất nước và mang tính cảnh báo về những nguy cơ đe dọa tới sự phát triển đất nước. Đó là những vấn đề rất đáng lo ngại trong tình yêu và ý thức của người Việt Nam đối với việc bảo vệ thiên nhiên, những vẻ đẹp văn hóa, những giá trị cốt lõi của con người, ý thức về lịch sử dân tộc và khả năng nhận biết và lý giải những thay đổi mang tính sống còn của dân tộc. Tất cả những nguy cơ đó chỉ được hóa giải và cải thiện khi trữ lượng văn hóa được “đời sống hóa” trong một cộng đồng lớn.

Nếu nhìn sâu vào đời sống Việt Nam ở mọi bình diện, chúng ta thấy những lỗ hổng không nhỏ. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng cho thấy một vấn đề vô cùng hệ trọng là ý thức sống cho những điều lớn lao và lòng tự trọng của một con người trước cộng đồng đã và đang bị phá vỡ. Một cán bộ có chức quyền sẵn sàng nhận hối lộ hàng chục triệu USD là không còn nằm trong phạm vi vật chất nữa mà nằm trong phạm vi “ý thức sống và lòng tự trọng”. Khi con người đánh mất “ý thức sống và lòng tự trọng” thì họ sẽ đánh mất mọi khả năng hướng thiện. Luật pháp có thể chưa làm họ sợ hãi, danh dự không làm họ phải dày vò, sự công bằng không làm họ phải suy nghĩ.

Ảnh: Lê Bích

Cách đây khoảng 10 năm, tôi nhìn thấy trên tivi một cán bộ bị kết án vì tham nhũng. Sau khi nghe tuyên án, ông ta đã quay về phía ống kính và cười. Một cái cười còn tệ hại hơn số tiền ông ta chiếm đoạt của Nhà nước. Cái cười ấy là một minh chứng cho một con người đã đánh mất toàn bộ liêm sỉ. Liêm sỉ chỉ mất khi trong con người đó văn hóa không còn tồn tại.

Thế giới đã thay đổi một cách cơ bản và sâu sắc trong nhận thức và hành động. Bởi thế văn hóa không chỉ hạn hẹp trong những gì mang tính truyền thống mà luôn mang tính thời đại trong mọi vấn đề liên quan đến đời sống xã hội. Bởi thế trong tinh thần “chấn hưng văn hóa” bao hàm cả việc mở rộng chiều kích của văn hóa. Vì văn hóa không phải là sự “bất động”. Văn hóa là sự chuyển động không ngừng và luôn cộng vào những giá trị mới. Những vẻ đẹp của đời sống văn hóa của những năm 40 thế kỷ trước vẫn là những vẻ đẹp nhưng nó hòa đồng vào những vẻ đẹp của văn hóa trong đời sống của những năm 20 của thế kỷ 21 và nạp vào nó những tinh thần và tư tưởng của một thời đại mới.

Chính vì vậy mà con người phải có khả năng tiếp nhận những giá trị mới của văn hóa trong thế kỷ 21. Chấn hưng văn hóa không phải chỉ chấn hưng ở một không gian riêng biệt, một nhóm người có tri thức cao của xã hội mà là làm cho văn hóa hòa chảy trong mọi không gian đời sống, trong mọi vùng dân trí khác nhau. Không chỉ ở các thành phố lớn mới có thể hưởng thụ những giá trị hay sản phẩm văn hóa cao cấp mà cả cộng đồng cần hoặc phải được hưởng thụ. Đây chính là tính ưu việt của chính sách hay chiến lược văn hóa của mọi quốc gia. Đây là một chiến lược hoặc có thể gọi là mục tiêu của công cuộc chấn hưng văn hóa. Đấy chính là tính ĐẠI CHÚNG.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Để chấn hưng văn hóa thì điều quan trọng đầu tiên là phải mang những sản phẩm văn hóa tới từng cá nhân trong xã hội. Mỗi thành viên trong xã hội phải được hưởng thụ các sản phẩm của văn hóa ngoài các giá trị đời sống khác. Một con gà dù ở lồng son, ăn kê vàng cũng không thể trở thành con người vì một điều duy nhất là nó không có khả năng tiếp nhận những giá trị văn hóa.

Hưởng thụ những giá trị văn hóa không phải là đặc quyền của một nhóm trí thức hay văn nghệ sỹ mà là quyền của mọi con người. Vì thế mà mục đích “đại chúng hóa” trong đề cương về văn hóa Việt Nam cách đây 80 năm vẫn nguyên giá trị mang tính chiến lược ở mọi thời đại. Đặc biệt ở những thời đại mà con người hướng tới xây dựng một xã hội văn minh và công bằng. Lúc này, giáo dục xuất hiện như một vai trò đặc biệt quan trọng để giúp xã hội có được những nền tảng cơ bản có khả năng tiếp nhận, thấu hiểu giá trị của các sản phẩm văn hóa. Và chỉ khi một người có khả năng tiếp nhận và thấu hiểu giá trị của các sản phẩm văn hóa thì họ mới có cơ hội được hưởng thụ những giá trị của văn hóa một cách đúng nghĩa. Lúc đó văn hóa mới thực sự tác động vào việc hình thành phẩm giá trong một con người và trong cộng đồng.

Việt Nam đang đứng trước chấn hưng văn hóa không phải chỉ chấn hưng ở một không gian riêng biệt, một nhóm người có tri thức cao của xã hội mà là làm cho văn hóa hòa chảy trong mọi không gian đời sống, trong mọi vùng miền dân trí khác nhau. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều