Quy hoạch Quốc gia ngành GTVT thể hiện tầm nhìn và khát vọng phát triển đất nước

Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng

Tăng sức cạnh tranh

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, thực hiện phương châm “Đi trước mở đường” của Ngành, trong giai đoạn 2011 - 2020, đặc biệt là nhiệm kỳ 2016 - 2020 vừa qua, hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư phát triển nhanh, phát huy hiệu quả cao; bộ mặt kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước đã có những chuyển biến hết sức rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác. Việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, trong kỳ đánh giá 2017 - 2018, năng lực và chất lượng kết cấu hạ tầng của Việt Nam liên tục tăng bậc, từ thứ 95/144 (năm 2011) lên thứ 79/137 (năm 2016), trong đó, chỉ số về chất lượng kết cấu hạ tầng đường bộ đứng thứ 92 (tăng 28 bậc), cảng biển đứng thứ 82 (tăng 31 bậc). Chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 xếp hạng 39/160 nước, tăng 25 bậc so với 2016 (năm 2011, Việt Nam xếp hạng 53/155 nước). Trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam xếp hạng 3, sau Singapore (xếp hạng 7) và Thái Lan (xếp hạng 32).

Có được kết quả trên, đầu tiên phải kể đến công tác lập quy hoạch - lĩnh vực tiên phong của Ngành “Đi trước mở đường” được quan tâm, đầu tư để hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển GTVT.

Thực hiện 3 khâu đột phá

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII “Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng là nước đang

Một số dự án trọng điểm quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2030: Cao tốc Bắc - Nam từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Cà Mau (14 đoạn tuyến), Vành đai 4,5 Hà Nội, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Quy Nhơn - Pleiku, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu

Dự án cao tốc ưu tiên đầu tư: Phía Bắc có Chợ Mới - Bắc Kạn, Hòa Bình - Mộc Châu, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Mộc Châu - Sơn La, Phú Thọ - Chợ Bến; miền Trung, Tây Nguyên có Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Vinh - Thanh Thủy; miền Nam có Biên Hòa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh... Các dự án quốc lộ ưu tiên đầu tư QL14E qua Quảng Nam, QL62 qua Long An, QL61C...

Nghiên cứu đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh; nâng cấp đường sắt hiện hữu; xây mới một số tuyến như Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long, Yên Viên - Phả Lại - Đình Vũ... Nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống), Dự án WB6 - GĐ bổ sung vốn (kênh nối Đáy - Ninh Cơ); nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo - GĐ2, phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam; Dự án nâng cấp tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình qua sông Luộc (Hành lang đường thủy số 2); nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Hàm Luông từ ngã ba sông Tiền đến cửa Hàm Luông...; tập trung đầu tư các công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2); đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số “0” vào khu bến cảng container Cái Mép; đầu tư tàu tiếp tế kiểm tra trên biển và khu vực Trường Sa và các đảo xa bờ khu vực phía Nam...

Về hàng không, bên cạnh việc phát triển đội tàu bay hiện đại sẽ tập trung xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, nâng cấp các cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Điện Biên, Cát Bi, Cam Ranh, Chu Lai, Đà Nẵng; xây mới cảng hàng không Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết...

phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Đồng thời, Nghị quyết cũng xác định 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó có đột phá “Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Theo quy định tại Điều 8 Luật Quy hoạch, thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm. Tầm nhìn của quy hoạch cấp Quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm. Do đó, quy hoạch 5 chuyên ngành quốc gia về GTVT được lập cho thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT luôn xác định kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từng bước đồng bộ, hiện đại, bảo đảm ATGT, kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải và kết nối quốc tế, phát huy thế mạnh của từng phương thức vận tải, phát triển vận tải đa phương thức và logistics.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được quy hoạch đảm bảo cân đối hài hòa về địa lý, dân số và quy mô kinh tế, nhu cầu phát triển vùng, miền. Đối với các hành lang vận tải chính, kết cấu hạ tầng các phương thức vận tải phải đảm bảo hài hòa với vai trò, chức năng, lợi thế của từng phương thức; tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính.

Cùng với đó, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, kêu gọi tối đa nguồn lực tư nhân đầu tư, ưu tiên nguồn lực nhà nước đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách, góp vốn trong các dự án đầu tư theo hình thức PPP. Tính toán tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011 - 2020 theo các quy hoạch chuyên ngành GTVT là 2,4 - 2,5 triệu tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2030, để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển ngành GTVT phải tăng lên hơn gấp đôi. Thực tế nhu cầu cần rất nhiều vốn nhưng ngân sách nhà nước có hạn và nguồn vốn xã hội hóa cũng không nhiều nên việc quy hoạch tới đây sẽ cố gắng làm sao để giải quyết và chủ động về nguồn vốn đầu tư phát triển.

Ngoài ra, quy hoạch lần này chủ động tiếp cận, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xây dựng, quản lý, khai thác nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

cơ sở huy động vốn xây dựng hạ tầng giao thông

Nhu cầu vốn để phát triển hạ tầng giao thông là rất lớn, mục tiêu xây dựng đến năm 2030, hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT đáp ứng được nhu cầu vận tải với tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 4,4 tỷ tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,82%/năm, khối lượng hàng hóa luân chuyển nội địa đạt 534 tỷ tấn.km, tốc độ tăng trưởng bình quân là 7,0%/năm. Khối lượng vận chuyển hành khách đạt 10,46 tỷ lượt khách. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 7,33%/năm, khối lượng hành khách luân chuyển nội địa khoảng 403 tỷ khách.km, tốc độ tăng trưởng bình quân là 7,28%/năm. Thời gian tới, Ngành tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia lớn, quan trọng, thiết yếu, có tính chất kết nối vùng miền, kết nối các phương thức vận tải, khu vực có tiềm năng phát triển và giải quyết các ách tắc, quá tải tập trung vào một số công trình đột phá, hiện đại như hệ thống đường bộ cao tốc đạt khoảng 5.000 km. Đến năm 2050, phát triển mạng lưới GTVT đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, đảm bảo cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Như vậy, tổng nhu cầu vốn đầu tư (chưa bao gồm chi phí bảo trì hạ tầng) cho ngành GTVT giai đoạn 2021 - 2030 là 1.845 nghìn tỷ đồng. Tổng nhu cầu vốn theo khả năng cân đối nguồn lực là 1.150 nghìn tỷ đồng (ngân sách nhà nước khoảng 552 nghìn tỷ đồng). Bên cạnh đó, quỹ đất cho ngành GTVT giai đoạn này cần 226.367 ha, trong đó đường bộ cần 152.304 ha, đường sắt 14.990 ha, đường thủy nội địa 5.557 ha, hàng hải 33.586 ha, hàng không 19.930 ha.

Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, để thực hiện mục tiêu này, Ngành sẽ tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp cơ bản. Thứ nhất, về cơ chế, chính sách cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp lý về các luật, bộ luật về Hàng hải, Đường sắt, Đường thủy nội địa, Đầu tư, Quản lý, Sử dụng tài sản công, Phí và lệ phí, Đất đai, Khoáng sản để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư. Tiếp đó, cần rà soát, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư để huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và thí điểm các cơ chế chính sách đặc thù để huy động nguồn lực thúc đẩy tiến trình đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông...

Thứ hai, huy động vốn đầu tư: Tập trung nguồn lực để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông bằng ngân sách nhà nước hàng năm đạt 3,5 - 4,5% GDP, trong đó ưu tiên hỗ trợ tham gia các dự án đối tác công - tư kém hấp dẫn nhưng đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho các khu vực khó khăn, ưu tiên, bổ sung vốn ngân sách nhà nước cho ngành GTVT từ các nguồn vượt thu, nguồn dự phòng ngân sách; tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với các công trình lớn có sức lan tỏa; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế; triển khai theo phương thức PPP (hợp đồng BOT) đối với một số dự án có hướng tuyến cục bộ theo quy hoạch trùng đường hiện hữu theo nguyên tắc bố trí đường gom để đảm bảo giao thông kết nối, phục vụ dân sinh, không tính giá trị tài sản công (đường hiện hữu) tham gia vào dự án; khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng; khuyến khích các địa phương có điều kiện về nguồn lực, năng lực, kinh nghiệm trong quản lý đầu tư làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện các dự án đường cao tốc qua địa bàn...

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ vận tải, bốc xếp, kho bãi, logistics; phát triển GTVT thân thiện với môi trường, kiểm soát, phòng ngừa và hạn chế gia tăng ô nhiễm môi trường do hoạt động GTVT; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong GTVT trên cơ sở tổ chức vận tải hợp lý phát huy lợi thế về vận tải đường thủy, đường sắt; nhanh chóng phát triển vận tải công cộng ở các đô thị, áp dụng vận tải đa phương thức; nghiên cứu áp dụng các công nghệ, vật liệu mới, giải pháp công trình hiện đại để đẩy nhanh tiến độ thi công, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường khu vực triển khai. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường hợp tác quốc tế, tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Khánh Hà