Có gì trong bức tranh tài chính của VIC Group – chủ dự án VIC Grand Square?

Phối cảnh dự án VIC Grand Square Phú Thọ của VIC Group

Phác họa Group

Group – tên pháp lý là Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc VIC, được thành lập năm 2021 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập bao gồm: Trần Văn Khang (tỷ lệ sở hữu 40%, tương đương 8 tỷ đồng), Trần Văn Tiến Dũng (tỷ lệ sở hữu 20%, tương đương 4 tỷ đồng) và Nguyễn Viết Hải (tỷ lệ sở hữu 40%, tương đương 8 tỷ đồng). Trong đó, ông Khang và ông Dũng có cùng địa chỉ thường trú.

Ban đầu, người đại diện theo pháp luật, CEO của VIC Group là ông Trần Văn Tiến Dũng (sinh năm 1993), sau đó được đổi sang ông Nguyễn Viết Hải (sinh năm 1982) và hiện nay là ông Đoàn Anh Dũng (sinh năm 1975).

Sau khi thành lập, VIC Group được bơm vốn nhanh chóng, từ 20 tỷ đồng lên 160 tỷ đồng (tháng 2/2022) rồi lên tiếp 280 tỷ đồng (tháng 4/2022). Tới tháng 12/2022, vốn điều lệ của công ty chính thức cán mốc 460 tỷ đồng.

Để phục vụ cho việc phát triển kinh doanh, trong cùng năm 2021, VIC Group và các cổ đông lập ra Công ty Cổ phần Địa ốc VIC Phú Thọ. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ sơ khởi là 99 tỷ đồng, gồm các cổ đông: VIC Group (tỷ lệ sở hữu 70%, tương đương 69,3 tỷ đồng), Nguyễn Viết Hải (tỷ lệ sở hữu 5%, tương đương 4,95 tỷ đồng), Trần Văn Khang (tỷ lệ sở hữu 5%, tương đương 4,95 tỷ đồng), Đoàn Thị Hiền (tỷ lệ sở hữu 20%, tương đương 19,8 tỷ đồng).

Tương tự như VIC Group, VIC Phú Thọ cũng được bơm vốn ào ạt trong năm 2022 với 2 lần tăng vốn. Lần 1 là tháng 5/2022, công ty tăng vốn lên 360 tỷ đồng. Lần 2 là tháng 12/2022, công ty tăng vốn lên 626 tỷ đồng.

Ghế CEO, người đại diện theo pháp luật của công ty cũng được luân chuyển giữa 3 cá nhân là: ông Trần Văn Tiến Dũng (khi mới thành lập), ông Nguyễn Viết Hải (từ tháng 8/2022) và ông Đoàn Anh Dũng (từ tháng 10/2023).

VIC Phú Thọ đóng trụ sở tại TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây chính là chủ đầu tư của dự án VIC Grand Square đang mở bán hiện nay. Dự án này gồm 2 tháp căn hộ, cao 36 tầng, cung cấp tổng cộng 1.450 căn.

Ngoài VIC Phú Thọ, một doanh nghiệp đáng chú ý khác trong nhóm VIC Group là Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Vichomes. Doanh nghiệp này mới được lập ra vào tháng 6/2023, vốn điều lệ là 36 tỷ đồng, trong đó VIC Group góp 60%, bà Nguyễn Thị Huế góp 30%. CEO, người đại diện theo pháp luật là ông Đoàn Anh Dũng.

Cho tới thời điểm hiện tại, Vichomes về cơ bản vẫn chưa có hoạt động kinh doanh gì đáng kể. Tuy vậy, doanh nghiệp này lại trở nên nổi bật trên khía cạnh truyền thông khi vào giữa năm 2023, tức khi vừa thành lập, đã công bố tuyển dụng tới 20 chủ tịch HĐQT cho các công ty thành viên.

Chỉ 1 tháng sau đó, Vichomes lại công bố tuyển dụng thêm 500 nhân sự, gồm 20 giám đốc, 20 trưởng phòng và 400 nhân viên kinh doanh; 1 giám đốc tài chính, 1 kế toán trưởng và 9 nhân viên kế toán; 1 giám đốc nhân sự, 1 trưởng phòng và 26 nhân sự chuyên môn; 1 giám đốc marketing, 1 trưởng phòng và 10 nhân viên.

Những thông tin tuyển dụng quy mô lớn này đã làm thị trường hết sức ngỡ ngàng.

Tuy nhiên, ngay từ khi đăng tải tin tức tuyển dụng này, Vichomes đã đối diện với những dấu hỏi từ thị trường về tính khả thi. Đơn cử khía cạnh tài chính, theo công bố ban đầu, Vichomes chỉ có 36 tỷ đồng vốn điều lệ, nhưng sẽ đầu tư 5 triệu USD (khoảng 115 tỷ đồng) để trang trải chi phí hoạt động cho 20 công ty trong 2 năm. Như vậy, bình quân mỗi công ty sẽ có khoảng 3 tỷ đồng/năm. Đây là chi phí chỉ đủ cho một công ty từ nhỏ đến siêu nhỏ hoạt động, trong khi đó Vichomes tuyên bố 20 công ty có tới 500 người, tức trung bình 25 người/công ty. Đó là chưa kể, Vichomes còn đưa ra chính sách tặng cổ phần cho nhân sự cao cấp.

Những dấu hỏi này không được Vichomes làm rõ ở thời điểm đó và vẫn tiếp tục là thắc mắc của giới quan sát ở thời điểm hiện nay.

VIC Group có mạnh thực sự?

Như trên đã thông tin, sau khi thành lập, VIC Group đã có màn tăng vốn ấn tượng từ 20 tỷ đồng (2021) lên 460 tỷ đồng (2022). Đây là động lực chính để quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp tăng theo, từ 20,2 tỷ đồng (2021) lên 483,5 tỷ đồng (2022).

Xem xét cơ cấu tài sản của VIC Group có thể nhận ra một số điểm đáng nói. Một là ở năm 2021, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 95,5% tổng tài sản (19,3 tỷ đồng/20,2 tỷ đồng). Điều này có nghĩa hầu hết tiền cổ đông góp vốn đã được rút ra khỏi công ty ngay sau khi công ty được thành lập – một “thủ thuật” khá quen thuộc đối với các doanh nghiệp mới ra đời.

Bảng tài sản của năm 2021 chỉ ghi nhận 650 triệu đồng ở khoản đầu tư tài chính dài hạn và 504 triệu đồng tiền mặt ở thời điểm kết thúc năm 2021.

Bước sang năm 2022, cơ cấu tài sản có đổi thay lớn. Lúc này, đại đa số tài sản tập trung tại khoản đầu tư tài chính dài hạn, tức đầu tư vào công ty con, đạt 438,2 tỷ đồng, tương đương với 95,2%. Trong khi đó, VIC Group ghi nhận 35,5 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, 4,5 tỷ đồng hàng tồn kho và 4,1 tỷ đồng tiền mặt. Đây gần như là cơ cấu tài sản điển hình của một công ty mẹ.

Về mặt kinh doanh, VIC Group không ghi nhận doanh thu thuần trong các năm 2021 – 2022. Trong khi đó, hoạt động tài chính cũng chỉ mang về doanh số “khiêm tốn”, lần lượt là 440 triệu đồng và 3,2 triệu đồng.

Với chi phí quản lý khá thấp ở năm 2021, VIC Group có lãi sau thuế 251 triệu đồng, song với chi phí quản lý đạt 1,65 tỷ đồng ở năm 2022, VIC Group lỗ sau thuế 1,66 tỷ đồng.

Kết quả này khiến khi kết thúc năm 2022, VIC Group lỗ lũy kế 1,4 tỷ đồng.

Dòng tiền của VIC Group trong các năm 2021 – 2022 nhìn chung không có gì nổi bật, ngoại trừ việc hút được tiền tươi từ các đợt tăng vốn và bơm ngược tiền đó vào các công ty con.

VIC Group sẽ phải chờ đợi dự án VIC Grand Square Phú Thọ bán được hàng và ghi nhận doanh thu, hoặc tham vọng hơn là chờ đợi “hệ sinh thái Vichomes” (kế hoạch là 20 công ty thành viên) mang lại kết quả kinh doanh đáng kể. Khi đó, bức tranh kinh doanh của đơn vị này mới khởi sắc.

Vĩnh Chi