Chính phủ yêu cầu giảm chi phí đầu vào, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh

Chính phủ yêu cầu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Nghị quyết đặt mục tiêu tổng quát là cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế;

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; giảm rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp.

Đến năm 2025, phấn đấu thứ hạng năng lực cạnh tranh như sau: Phát triển bền vững (của Liên hợp quốc - UN) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) tăng ít nhất 3 bậc; Chính phủ điện tử (của UN) tăng ít nhất 5 bậc;

Quyền tài sản (IPRI) của Liên minh quyền tài sản tăng ít nhất 2 bậc; Hiệu quả logistics (LPI) của ân hàng thế giới (WB) tăng ít nhất 4 bậc; Năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tăng ít nhất 2 bậc; An toàn an ninh mạng của ITU thuộc Nhóm 30 nước đứng đầu.

Nghị quyết cũng nêu rõ nhiệm vụ tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; Phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng ít nhất 10% so với năm 2023, bao gồm cả thành lập mới và quay trở lại hoạt động;

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023. Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp.