Chắp cánh cho Dàn nhạc giao hưởng trẻ tỏa sáng

Dàn nhạc giao hưởng trẻ gây ấn tượng với đêm hòa nhạc “A night of the dances”

Điều đặc biệt còn ở chỗ 150 nghệ sĩ trình diễn hoàn toàn là người Việt Nam, là thầy và trò Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam. NSƯT ùi Công Duy - Giáo sư danh dự Đại học nghệ thuật quốc gia Kazakhstan, Phó Giám đốc Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam - trao đổi với chúng tôi về câu chuyện ươm mầm và chắp cánh cho những tài năng âm nhạc trẻ của nền thính phòng nước nhà.

Chúc mừng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam vừa phối hợp tổ chức thành công rực rỡ hai cuộc thi Âm nhạc mùa thu toàn quốc 2023 và Cuộc thi hát Thính phòng, Nhạc kịch và Hợp xướng toàn quốc năm 2023. Những ngày này trên trang cá nhân, anh quảng bá đầy tự hào về Dàn nhạc giao hưởng trẻ (VNAMYO) và đêm diễn mừng Giáng sinh và năm mới tối 8/12. Hòa nhạc “A Night of the dances” có gì đặc biệt?

Tháng 12 mỗi năm là dịp đặc biệt, bởi đó là tháng của lễ hội chào đón năm mới. Chương trình biểu diễn định kỳ năm nay của Dàn nhạc giao hưởng trẻ (VNAMYO) lấy chủ đề về các điệu nhảy, pha với âm hưởng lễ hội. 14 tác phẩm âm nhạc kinh điển không lặp lại nhạc mục của các chương trình trước đó. Đặc biệt, chúng tôi giới thiệu nghệ sỹ đàn T’rưng rất xinh đẹp và tài năng. Sự kết hợp này tiếp nối sự thành công của mùa hè 2023 - chúng tôi đã mang đến nước Ý chương trình nhạc thính phòng kết hợp với nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Đây là sự giao lưu, xu hướng phát triển theo định hướng của Học viện.

Nghệ sĩ trẻ của âm nhạc thính phòng có cơ hội rèn luyện và tỏa sáng

Được biết, Dàn nhạc giao hưởng trẻ hiện quy tụ sự tham gia của hơn 150 nghệ sỹ đều là người Việt Nam, được đào tạo tại Học viện. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với nền âm nhạc thính phòng nước nhà?

Chúng tôi vui và đặt nhiều niềm tin ở thế hệ trẻ. Vì thế mà dù có vất vả thế nào, các thầy cũng đang cố gắng từng ngày. Chúng tôi sẽ già đi, cho nên VNAMYO sẽ duy trì sức sống cho nền âm nhạc giao hưởng Việt Nam. Trong môi trường đào tạo với thế hệ trẻ, lòng yêu nước, sự tự hào dân tộc rất quan trọng.

Thực tế, tốc độ đào tạo âm nhạc cổ điển không theo kịp nhu cầu. Mọi người nhìn thấy khoảng 200 nghệ sĩ trẻ trên sân khấu bây giờ, nhưng sau 15 năm sẽ chỉ còn 100 người hoặc ít hơn, trong đó 5-10 người tinh hoa, số còn lại sẽ là khán giả. Thông thường một dàn nhạc giao hưởng sẽ cần có tối thiểu 60-70 thành viên hoạt động. Đào tạo cho một cá nhân đã ngốn thời gian rồi, việc đào tạo và tập luyện cho cả một dàn nhạc sẽ cần nhiều thời gian và công sức hơn thế. Ngày càng nhiều dàn nhạc giao hưởng ra đời, yêu cầu nhân lực cao hơn, chính vì thế chúng tôi tái khởi động, tạo mọi điều kiện mở ra sân chơi cho nghệ sĩ trẻ được thể hiện, trau dồi.

Thời gian gần đây âm nhạc thính phòng vốn được xem là hàn lâm, bác học có những bước đi gần hơn với đại chúng qua những buổi hòa nhạc ngoài trời, hoặc các chương trình hòa nhạc lớn nối tiếp nhau được tổ chức. Anh đánh giá thế nào về sự thay đổi nhận thức, nhu cầu và thẩm mỹ âm nhạc của người Việt trong thời gian qua?

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhạc giao hưởng đã có những bước tiến rõ rệt, thu hút sự quan tâm của công chúng với nhiều chương trình, nhiều buổi công diễn hơn… Đặc biệt, điều này cũng tạo niềm tin cho các gia đình khi gửi gắm con em của mình theo đuổi âm nhạc cổ điển.

Ở bất cứ dàn nhạc chuyên nghiệp thế giới nào, ta có thể nhìn rõ, khoảng 70-75% chương trình thuần túy cổ điển, còn lại dành cho các concert hướng tới đại chúng hóa. Tuy nhiên, đại chúng hóa cũng phải có tổ chức. Việt Nam đang dừng ở ngưỡng đại chúng hóa. Tạm thời giai đoạn này như vậy khá tốt, giúp xóa đi rào cản tâm lý ngại đến Nhà hát thưởng thức hòa nhạc. Đó là lí do cần mang nhạc cổ điển ra một số nơi đông người để người ta thấy gần gũi hơn. Tuy nhiên, ta cần phải chuẩn bị tốt hơn, bởi thực hiện hòa nhạc ngoài trời để đạt được chất lượng tốt khó hơn rất nhiều so với trong khán phòng. Vì thế tôi cho rằng, nên có những chương trình đại chúng hoàn toàn miễn phí nhưng lại cần được đầu tư nhiều hơn, không nên làm theo phong trào. Bởi phong trào thường nhanh lên nhưng nhanh tắt.

Có thể thấy, Dàn nhạc giao hưởng trẻ chính là lớp kế cận, bổ sung tài năng cho dàn nhạc quốc gia sau này. Trong quá trình rèn giũa các tài năng trẻ, đâu là những thách thức lớn nhất mà nghệ sĩ phải đối diện? Làm thế nào để dàn nhạc có thể được duy trì và phát triển, liệu có thể chỉ trông vào bán vé?

Ở nhiều nước trên thế giới, một dàn nhạc giao hưởng càng nổi tiếng thì càng có nhiều sự hỗ trợ về mặt vật chất và tinh thần từ Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, người yêu âm nhạc… Tại Việt Nam, nhiều khái niệm bị hiểu sai, nhiều chương trình giao hưởng bán vé 5-10 triệu đồng. Ta nghĩ rằng bán vé đắt là sang, hoặc để chứng minh đẳng cấp. Việc đó chưa hẳn đúng. Nếu xem bảng giá của những nhà hát, dàn nhạc giao hưởng Top 5, Top 10 thế giới, người ta có thể thưởng thức hòa nhạc với giá thấp hơn Việt Nam. Dàn nhạc không cần bán giá cao để chứng tỏ đẳng cấp. Bởi đẳng cấp không phải quyết định bởi giá tiền.

Việt Nam chưa có truyền thống âm nhạc thính phòng hàng vài trăm năm, cơ chế hoạt động cũng khác. Ở Mỹ dàn nhạc hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, châu Âu nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp.

Chúng tôi rất biết ơn những cá nhân và đơn vị đồng hành với Dàn nhạc giao hưởng trẻ. Trong đó, có thể kể đến sự đồng hành của ABBANK với các buổi diễn tập, biểu diễn của chúng tôi trong đêm hòa nhạc "A night of dances" vừa qua. Sự đồng hành đó không chỉ bằng vật chất mà còn ở nhiều khía cạnh khác - sự cổ vũ, lan tỏa. Chúng tôi nhận được nhiều giá trị hơn không chỉ là vật chất, thực tế có những thứ tiền không mua được. Dàn nhạc giao hưởng trẻ thực sự nhận được sự cổ vũ để đào tạo thế hệ trẻ ngày một chất lượng hơn, chắp cánh cho họ tỏa sáng trên con đường phát triển sự nghiệp.

Cảm ơn và chúc mừng các nghệ sĩ!

Xuất phát từ thành công biểu diễn định kỳ trong mấy năm qua, trong năm 2024, ban Giám đốc Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam tiếp tục duy trì chương trình thường niên, định kỳ, bên cạnh đó sẵn sàng cho tour hòa nhạc tại nhiều thành phố lớn, hứa hẹn đem tới cho khán giả những chương trình hấp dẫn.

Sự thành công của hòa nhạc “A night of the dances” một phần nhờ vào sự đồng hành của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK). Nằm trong chuỗi các hoạt động chia sẻ trách nhiệm cùng cộng đồng, chắp cánh cho những ước mơ và tài năng Việt, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) vừa trở thành thương hiệu đồng hành với các buổi biểu diễn thuộc Dàn nhạc giao hưởng trẻ - Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Phát biểu tại buổi hòa nhạc “A night of the dances”,bà Nguyễn Thị Hương - Phó Tổng Giám đốc ABBANK - chia sẻ: “Đồng hành và tạo điều kiện để dàn nhạc giao hưởng Việt Nam có thêm chương trình biểu diễn là một cách để ngân hàng chúng tôi đóng góp cho xã hội, đưa tên tuổi và tài năng của những nghệ sĩ trẻ Việt Nam đầy nhiệt huyết đến gần công chúng hơn. Càng nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng cao được tổ chức, càng nhiều cơ hội ươm mầm cho các tài năng trẻ, đồng thời từng bước nâng tầm thị hiếu trong lĩnh vực nghệ thuật của người Việt Nam. Đó là suy nghĩ và mong đợi của ABBANK khi chọn lựa đầu tư vào các chương trình an sinh hướng đến sự phát triển hài hòa của xã hội.”

NSƯT Bùi Công Duy tự hào giới thiệu ba trong số nghệ sĩ trẻ chủ lực của VNAMYO: Lê Yến Thy (cello), Nguyễn Mỹ Trang (kèn oboe) và Nguyễn Hữu Thuyên (clarinette) là ba trong số nghệ sĩ trẻ được tuyển chọn vào Dàn nhạc giao hưởng trẻ ngay khi Học viện tái khởi động dàn nhạc. Hữu Thuyên là con nhà nòi, quen với sân khấu từ tấm bé đầy tự tin khi đứng trên sân khấu lớn. Mỹ Trang được anh trai truyền tình yêu âm nhạc cổ điển nên quyết tâm theo đuổi bộ môn kèn. Lê Yến Thy ngoại hình nhỏ nhắn, đôi khi cây cello che hết người nhưng trong ánh mắt luôn lấp lánh niềm vui do âm nhạc đem lại.

“Trước đây nhạc cổ điển chưa được phổ biến, thế nhưng nhờ được tạo điều kiện nên dàn nhạc giao hưởng trẻ có cơ hội được biểu diễn nhiều hơn. Đó là niềm vui, động lực lớn cho nghệ sĩ trẻ được học tập, rèn luyện với chính chuyên môn mình đang theo học. Bởi nghệ sĩ hạnh phúc nhất là khi được đứng trên sân khấu biểu diễn, được khán giả cổ vũ”, Lê Yến Thy nói.

NGUYÊN KHÁNH