'Chắp cánh' cho các dự án, ý tưởng khởi nghiệp

Năm nay, 5 dự án lọt vào vòng chung kết đã được triển khai trong thực tế, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Những dự án vì cộng đồng

Khởi động từ tháng 5-2023, cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” lần thứ VII thu hút sự tham gia của 22 tác giả, nhóm tác giả với các dự án, ý tưởng thuộc lĩnh vực: nông nghiệp, dịch vụ, thương mại. Trải qua vòng sơ khảo và bán kết, 5 dự án khả thi nhất đã vào vòng chung kết.

Năm nay, dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và kinh doanh trà nụ hòe túi lọc tam giác” của tác giả Phùng Thị Mỹ Lên (thôn Tư Lương, xã Tân An, huyện Đak Pơ) đạt giải nhì (không có giải nhất) của cuộc thi. Với mục tiêu tạo ra sản phẩm có lợi cho sức khỏe, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại thu nhập cho ĐVTN và người dân, dự án được triển khai trên diện tích 1,6 ha.

Nụ hòe được sử dụng phương pháp sấy lạnh để giữ nguyên màu sắc, mùi vị và những hoạt chất tốt giúp điều trị bệnh huyết áp cao, ngăn ngừa tai biến mạch máu não…

“Cuộc thi là cơ hội để tôi lắng nghe những lời nhận xét, góp ý tâm huyết của Ban giám khảo nhằm hoàn thiện sản phẩm. Việc đạt giải cao tại cuộc thi giúp tôi có thêm động lực để phát triển quy mô, liên kết doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh”-chị Lên chia sẻ.

Tác giả Phùng Thị Mỹ Lên (thứ 2 từ trái qua) giới thiệu về sản phẩm trà mộc nụ hòe. Ảnh: P.L

Nếu như dự án của chị Lên hướng đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe thì dự án “Ứng dụng nền tảng số để phát triển kinh tế người Bahnar tại huyện Mang Yang” của tác giả Đỗ Mạnh Cương (làng Bok Ayơl, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) hướng tới mục đích bảo tồn nghề đan lát truyền thống và tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ngày 17-5-2023, anh Cương đã cùng cộng sự thành lập Công ty TNHH Bahnar-Xanh với vốn điều lệ 900 triệu đồng. Hiện tại, Công ty sản xuất các mặt hàng thời trang như ví, túi xách, va li… từ tre, nứa.

Tại cuộc thi, anh Cương phân tích về tiềm năng thị trường, hoạch định chi tiết về kinh phí đầu tư. Theo kế hoạch, Công ty sẽ tạo ra khoảng 100.000 sản phẩm/năm vào năm 2030, tạo việc làm cho 1.000 lao động, kết nối để thành lập một công viên mây tre tại địa phương với diện tích 810 ha.

Với mục đích nhân văn, dự án được Ban tổ chức trao giải ba. Anh Cương cho hay: “Hiện tại, sản phẩm của chúng tôi đã được thị trường trong nước và quốc tế quan tâm. Tham gia cuộc thi, tôi tiếp thu được nhiều kỹ năng, kiến thức và giao lưu với các bạn trẻ có chung chí hướng khởi nghiệp đến từ các địa phương trong tỉnh”.

Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp

Tham gia vòng chung kết, các tác giả đã thuyết trình về tính mới, tính sáng tạo, tính khả thi, chiến lược và kế hoạch kinh doanh của dự án. Các tác giả cho thấy sự am hiểu về lĩnh vực mà lựa chọn khởi nghiệp và tâm huyết bảo vệ dự án.

Anh Văn Tuấn Linh-Bí thư Đoàn xã Ia Din (huyện Đức Cơ) là tác giả dự án “Trồng nấm rơm trong làng đồng bào dân tộc thiểu số”. Anh bày tỏ: “Mô hình trồng nấm rơm của tôi hướng đến tạo việc làm, bao tiêu sản phẩm cho bà con dân tộc thiểu số. Qua dự án này, tôi mong muốn góp sức trẻ để phát triển kinh tế, xây dựng địa phương. Những góp ý của Ban giám khảo giúp tôi hoàn thiện dự án để đạt kết quả cao trong thời gian tới”.

Đánh giá về cuộc thi, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh-nhận xét: “Ngoài mang lại giá trị về kinh tế, các tác giả đã cho thấy tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ khi hướng tới mục tiêu tạo ra các giá trị cho cộng đồng.

Các tác giả cũng cho thấy tinh thần cầu thị, tiếp thu những góp ý của Ban giám khảo. Qua đó cho thấy thái độ, tinh thần khởi nghiệp nghiêm túc và khát khao vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương của các bạn trẻ”.

Ban tổ chức trao giải cho các tác giả tham gia vòng chung kết cuộc thi. Ảnh: P.L

Cũng tại vòng chung kết, ĐVTN có cơ hội gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với các tác giả đạt giải cao tại cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” qua các năm. Đó là anh Phạm Thăng Bằng-Giám đốc Công ty TNHH Vatec Lai, Chủ vườn Upes Garden, giải nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” lần thứ II-2018; anh Phạm Hồng Thưởng-Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Lalisa, giải nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” lần thứ IV-2020; chị Trần Thị Kim Phùng Thủy, đoàn viên phường Chi Lăng (TP. Pleiku), giải ba cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” lần thứ VI-2022.

Anh Phạm Hồng Thưởng cho hay: “Tôi thành lập Trung tâm Ngoại ngữ Lalisa vào năm 2019, kinh nghiệm còn thiếu, chưa thu hút nhiều học viên. Chính vì thế, năm 2020, tôi mạnh dạn nộp hồ sơ tham gia cuộc thi và giành giải nhất. Những góp ý của Ban giám khảo giúp tôi có sự thay đổi, định hướng rõ rệt khi khởi nghiệp.

Sau cuộc thi, Trung tâm đã tổ chức các sự kiện thuyết trình bằng tiếng Anh, triển khai dự án “Lớp học không bàn ghế, không ti vi”, “Lớp tiếng Anh hạnh phúc”… Năm 2023, tôi được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vinh danh là 1 trong 81 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc”.

Trao đổi với P.V, chị Hà Thị Giang Thảo-Bí thư Tỉnh Đoàn, Trưởng ban tổ chức cuộc thi-đánh giá: “Cuộc thi nhằm mục đích “tiếp lửa” cho các ý tưởng khởi nghiệp của ĐVTN. Các dự án tham gia cuộc thi cho thấy sự nhạy bén của các bạn trẻ trong việc tiếp cận xu hướng khởi nghiệp cũng như nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, biết lựa chọn lĩnh vực triển khai dự án phù hợp với điều kiện, tiềm năng của địa phương.

Trên cơ sở tiếp nhận những đóng góp thiết thực của Ban giám khảo, tin rằng các tác giả sẽ vận dụng phù hợp để dự án đạt kết quả cao trong thời gian tới”.

PHAN LÀI