Chàng trai 9X với ước mơ phủ xanh vùng đất biên cương Xín Mần bằng dược liệu

Vùng đất biên cương Pà Vầy Sủ (Xín Mần – Hà Giang) nằm sát biên giới, là nơi sinh sống của bà con dân tộc Mông. Đời sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn do địa hình dốc, bị chia cắt, thiếu đất canh tác… Bà con dân tộc Mông nơi đây sống chủ yếu vào việc chăn nuôi lợn, gà và trồng ngô, khoai trên những sườn đồi. Tuy nhiên, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm đa số. Vài năm trở lại đây, Pà Vầy Sủ đã được chàng trai 9X Vàng Seo Bình phủ xanh dần bằng những loài dược liệu giá trị thay vì những cây ngô, cây khoai giá trị bấp bênh.

Chàng trai 9X Vàng Seo Bình cho biết, nhìn thấy bà con trong bản cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả đã là động lực thôi thúc Bình tìm hướng đi mới thay đổi nguồn thu nhập cho bản thân và người dân nơi đây. Ở vùng đất Xín Mần, cây đảng sâm và hoàng tinh hoa đỏ là giống cây dược liệu quý, đem lại nhiều giá trị cho sức khỏe người dân. Thế nhưng nhiều năm nay, người dân chưa chú trọng việc phát triển nguồn dược liệu quý hiếm này. Một phần bởi chưa có ai đi đầu trong việc tiếp cận với hướng sản xuất, nuôi trồng cũng như không tìm ra được đầu ra cho sản phẩm.

Anh Vàng Seo Bình cùng mô hình nhân giống đang phát triển dược liệu tại xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.

May thay, năm 2021, anh Vàng Seo Bình được tham gia đoàn học tập, tham quan cơ sở đào tạo gắn với định hướng khởi nghiệp ở Công ty Cổ phần phát triển Nông lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam do Huyện đoàn Xín Mần tổ chức tại huyện Vị Xuyên (Hà Giang). Trong quá trình tiếp thu các kiến thức và được tư vấn, định hướng việc nuôi trồng dược liệu, anh Bình nhận thấy việc phát triển mô hình dược liệu từ các cây thuốc nam có sẵn trong tự nhiên rất phù hợp với vùng đất Xín Mần.

Sau chuyến học tập, anh Bình bắt đầu kế hoạch nhân giống và nuôi trồng cây đảng sâm, hoàng tinh hoa đỏ tại Pà Vầy Sủ. Kết hợp những kiến thức đã được học từ khóa đào tạo, anh Bình tiếp tục tìm hiểu thêm trên mạng giúp cho việc trồng và phát triển dược liệu được thuận lợi hơn.

Những sườn đổi tại tỉnh Hà Giang đang dần được phủ xanh bằng các loại cây dược liệu.

Ban đầu, chỉ từ những cây giống tìm được trong lúc đi rừng, anh Bình đem về trồng tập trung tại vườn nhà. Anh quan sát quá trình sinh trưởng của cây sau đó nhân giống chúng. Sau gần 2 năm, vườn dược liệu của anh Bình đã lên tới 0,6ha. Đảng sâm và hoàng tinh hoa đỏ trong vườn dược liệu của anh đến nay vẫn đang sinh trưởng tốt và đã cho thu hoạch mùa đầu tiên. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và doanh nghiệp, đầu ra sản phẩm tại vườn dược liệu của anh Bình đã được thu mua toàn bộ. Tính theo giá trị hiện tại, cây đảng sâm và hoàng tinh hoa đỏ đang được thu mua tại vườn có giá bán trung bình từ 50.000 – 60.000 đồng/kg củ tươi.

Mô hình vườn ươm cây mô dược liệu tại tỉnh Hà Giang.

Xa Pà Vầy Sủ là một trong những xã gặp khó khăn nhất tỉnh Hà Giang về mọi mặt. Thế nhưng đồng bào dân tộc Mông vẫn đoàn kết, kiên cường bám trụ giữ đất biên cương của Tổ quốc. "Nếu như mô hình trồng dược liệu được phát triển thành công và quá trình liên kết với doanh nghiệp thuận lợi sẽ góp phần bảo tồn được nguồn dược liệu bản địa. Hơn nữa góp phần phát triển kinh tế vườn trồng, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho người dân đây"- Vàng Seo Bình nói.

Mô hình trồng dược liệu không chỉ đem đến nhiều hy vọng trong việc bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu của địa phương mà còn góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân vùng biên.

PV