Căng thẳng trên Biển Đỏ đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu

Trực thăng của lực lượng Houthi áp sát một tàu thương mại ngày 15-12

Lực lượng Houthi tăng cường tấn công

Những tuần gần đây, các chiến binh Houthi ở đã tăng cường tấn công các tàu thuyền ở Biển Đỏ để thể hiện sự ủng hộ đối với lực lượng Hamas trong bối cảnh Israel tiếp tục tấn công quân sự tại dải Gaza. Kiểm soát phần lớn khu vực bờ Biển Đỏ của Yemen, lực lượng Houthi tự xem mình là một phần trong “trục kháng chiến” nhằm vào Israel. Kể từ khi chiến sự Israel - Hamas bùng nổ vào ngày 7-10, Houthi bắt đầu tấn công các tàu hàng trên các tuyến hàng hải ở Biển Đỏ mà nhóm này cho là có liên hệ với Israel, thậm chí nhắm vào cả tàu chiến Mỹ làm nhiệm vụ bảo vệ hàng hải ở khu vực, để thể hiện sự ủng hộ với Hamas trong cuộc chiến với Israel ở Dải Gaza.

Mới đây nhất, hôm 18-12, lực lượng Houthi thực hiện 2 cuộc tấn công nhằm vào các tàu thương mại Swan Atlantic và MSC Clara thuộc sở hữu của Na Uy. Trước đó một ngày, áy bay không người lái (UAV) của Houthi tấn công tàu Al Jasrah treo cờ Liberia gây ra hỏa hoạn. Ngày 15-12 Houthi phóng 2 tên lửa vào tàu PALATIUM III treo cờ Liberia đang trong hành trình tại eo biển Bab Al-Mandab. Tính đến nay, lực lượng Houthi đã thực hiện hơn 100 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào 10 tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ.

Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào các tàu thương mại gia tăng đã khiến tập đoàn dầu BP và 4 trong số các công ty vận tải biển lớn nhất thế giới, bao gồm CMA CGM, Hapag-Lloyd, Maersk và MSC, dừng vận chuyển hàng hóa qua khu vực Biển Đỏ. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty này cũng phải tránh cả tuyến đường trọng yếu qua kênh đào Suez. Một số tàu đã phải chuyển sang cung đường chạy qua Mũi Hảo Vọng ở Nam châu Phi.

Trước diễn biến phức tạp ở Biển Đỏ, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đưa ra tuyên bố chung lên án “sự can thiệp của Houthi vào các quyền tự do hàng hải”. Tiếp đó, ngày 18-12, Mỹ thông báo lập liên minh 10 nước với tên gọi Chiến dịch bảo vệ thịnh vượng (OPG) để ứng phó với các vụ tập kích của Houthi nhằm vào tàu hàng trên Biển Đỏ. Các thành viên ban đầu gồm Mỹ, Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha. Hy Lạp và Australia sau đó thông báo sẽ triển khai nguồn lực để hỗ trợ liên minh.

Dự kiến, một số quốc gia tham gia chiến dịch OPG sẽ điều tàu chiến thực hiện các cuộc tuần tra chung, số khác hỗ trợ thông tin tình báo ở nam Biển Đỏ và Vịnh Aden. Nhiệm vụ chính của liên minh 10 nước là hộ tống tàu hàng qua Biển Đỏ và bắn hạ các UAV, tên lửa tập kích chúng. Hiện Mỹ đã điều 2 tàu khu trục USS Carney và USS Mason đến Biển Đỏ để làm nhiệm vụ bảo vệ hàng hải. Vũ khí chính của các tàu này nhằm đối phó với các cuộc tấn công của Houthi là các tên lửa: tên lửa Standard-6 (SM-6) có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo ở tầng cao và các tên lửa có quỹ đạo thấp hơn; tên lửa Standard-2 (SM-2) có tầm bắn từ 185km đến 370km; tên lửa Sea Sparrow cải tiến (ESSM) được thiết kế để tấn công tên lửa hành trình chống hạm và các mối đe dọa tốc độ thấp hơn như máy bay không người lái hoặc trực thăng ở phạm vi lên tới 50km. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi Houthi phóng hàng loạt máy bay không người lái có giá chưa tới 100.000 USD, nếu Mỹ kéo dài chiến dịch trên Biển Đỏ, nước này có thể phải chịu thiệt hại đáng kể về các nguồn lực.

Thương mại quốc tế bị gián đoạn

Những diễn biến trên Biển Đỏ không chỉ làm tình hình an ninh tại khu vực này căng thẳng thêm mà còn tạo ra nguy cơ với nền kinh tế thế giới. Biển Đỏ nối với địa Trung Hải qua kênh đào Suez hình thành nên tuyến vận tải biển ngắn nhất kết nối châu Âu và châu Á. Eo biển Bab al-Mandab trên Biển Đỏ là tuyến đường biển hẹp gần Yemen có ý nghĩa chiến lược quan trọng bởi chiếm khoảng 30% thương mại hàng hóa bằng tàu container, tức khoảng 10-15% thương mại toàn cầu. Mỗi năm có hơn 17.000 tàu và khoảng 10% lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của thế giới đi qua eo biển Bab al-Mandeb. Công ty phân tích Vortexa cho biết từ tháng 1 đến tháng 11, trung bình mỗi ngày có khoảng 8,2 triệu thùng dầu thô và sản phẩm dầu đi qua Biển Đỏ.

Chính vì thế, căng thẳng trên Biển Đỏ đang gây ảnh hưởng tới hoạt động vận tải hàng hải, làm gia tăng tâm lý lo ngại rằng chuỗi cung ứng toàn cầu có nguy cơ bị giai đoạn. Theo dữ liệu từ nhà cung cấp phân tích hàng hải và theo dõi tàu MarineTraffic, giao thông qua eo biển Bab al-Mandab đã giảm 14% trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 19-12, so với từ ngày 8 đến 12-12. Trên thực tế, ngày càng nhiều tàu chở hàng quyết định neo đậu trên Biển Đỏ trong khi các tàu khác tắt các hệ thống định vị, các nhà buôn phải điều chỉnh lịch trình và chi phí vận chuyển.

Một số công ty vận tải toàn cầu thì tìm cách chuyển hướng đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở miền Nam châu Phi khiến quãng đường kéo dài thêm 6.000 hải lý và thời gian giao hàng kéo thêm 3 đến 4 tuần, từ đó làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển. Cho đến nay, các tàu vận chuyển đã chuyển hướng lượng hàng hóa trị giá khoảng hơn 30 tỷ USD khỏi khu vực Biển Đỏ. Đây là thông tin rất xấu, bởi nó xảy ra đúng vào thời điểm đã có nhiều yếu tố khác tác động tiêu cực đến chi phí vận tải.

Đầu tuần này, Freightos cho biết chi phí vận chuyển một container từ Trung Quốc đến Địa Trung Hải đã tăng 44% lên 2.413 USD chỉ trong tháng 12, do sự gián đoạn ở Biển Đỏ. Còn theo CNBC, tính đến ngày 21-12, giá cước vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến Anh đã tăng vọt lên 10.000 USD, tức cao gấp 4 lần so với tuần trước. Hãng đồ nội thất toàn cầu IKEA đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ chậm trễ vận chuyển hàng hóa và thiếu hụt sản phẩm. Nhà sản xuất thang máy Phần Lan Kone ước tính rằng một số lô hàng có thể bị trì hoãn từ 2 đến 3 tuần. Còn theo các nhà xuất khẩu Ấn Độ, giá cước vận chuyển đối với hàng hóa từ nước này đến châu Âu và châu Phi có thể tăng từ 25 - 30% nếu mối lo ngại về an ninh tại Biển Đỏ không sớm được giải quyết.

Ngoài giá cược vận tải, thị trường dầu thô cũng đang có diễn biến phức tạp bởi những căng thẳng trên Biển Đỏ. Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu vận chuyển qua biển Đỏ chiếm khoảng 12% tổng lượng dầu giao dịch bằng đường biển toàn cầu trong nửa đầu năm 2023. Nỗi lo nguồn cung đang đẩy giá dầu tăng trong những ngày cuối năm 2023, thậm chí sang cả quý I năm sau. Trước mắt, giá dầu đã tăng hơn 1% trong các phiên giao dịch trong tuần trước. Dầu Brent lên trên 79 USD/thùng, mức cao nhất kể từ đầu tháng 12. Trong khi đó, dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 1-2024 được giao dịch với giá hơn 73 USD/thùng, cũng là mức cao nhất trong hơn 2 tuần qua. Goldman Sachs cho biết với giả thuyết toàn bộ các tàu chở tổng cộng 7 triệu thùng dầu/ngày đi qua tuyến đường biển này chuyển hướng, giá dầu thô giao ngay sẽ tăng thêm 3 - 4 USD/ thùng so với giá kỳ hạn.