Cẩn trọng với tin giả trên mạng khi dịch Covid-19 tái bùng phát

Tối 18/5, nhiều người dùng mạng xã hội lan truyền đoạn văn bản được cho là "chỉ đạo mới của UBND TP.HCM" về việc "người dân không ra khỏi nhà từ 22h đến 5h khi không có việc cần thiết", "dừng hoạt động xe buýt, xe khách công cộng trên địa bàn thành phố" cùng nhiều "chỉ đạo" khác.

Tuy nhiên, ngay sau đó, lãnh đạo Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM cho biết thông tin trên hoàn toàn sai sự thật, khẳng định TP.HCM không có chỉ đạo nào như nội dung được lan truyền.

Không chỉ gây hoang mang dư luận, thông tin bịa đặt, thất thiệt còn ảnh hưởng tiêu cực tới công tác phòng chống dịch của cả nước. Khi các ca nhiễm Covid-19 mới xuất hiện, làn sóng dịch bệnh bắt đầu quay trở lại, "đại dịch" tin giả lại tiếp tục hoành hành trên không gian mạng.

Vì vậy, bên cạnh trách nhiệm phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng, mỗi cá nhân nếu biết bình tĩnh, cẩn trọng hơn với từng nút like, share của mình cũng đang góp phần ngăn chặn tin giả, đẩy lùi đại dịch.

Tin giả khiến người dân hoang mang, tác động tiêu cực đến công tác phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Reuters.

Nhiều cá nhân bị xử phạt

Ngày 17/5, một phụ nữ tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) bị xử phạt 5 triệu đồng vì đăng bài hướng dẫn chữa Covid-19 tại nhà bằng cách sử dụng chanh tươi, thau nước, thuốc hạ sốt... thay vì liên hệ ngay với cơ quan y tế để được cách ly và điều trị.

Tại thời điểm bị phát giác, bài đăng thất thiệt này đã thu hút được trên 500 lượt tương tác.

Đầu tháng 2, Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội xử phạt hành chính 4 người có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt. Mỗi trường hợp bị xử phạt 7,5 triệu đồng.

Trong đó, 3 đối tượng đã sử dụng trang cá nhân loan tin thất thiệt BN 1553 mắc Covid-19 khi hát karaoke "tay vịn". Người còn lại đăng nội dung giả mạo: "Đoàn phóng viên, biên tập viên của VTV thực hiện chương trình Chiều cuối năm ở Vân Đồn được vợ bệnh nhân 1553 phục vụ ăn uống... Toàn bộ ekip sản xuất của VTV trở thành F1".

Tin giả trong thời dịch với muôn hình vạn trạng đang đầy rẫy trên mạng xã hội, từ tin fake về chính sách, hành động của các cơ quan công quyền cho đến thông tin y tế sai lệch như các ca nhiễm mới, trường hợp tử vong, cách phòng tránh, chữa trị virus...

Khi dịch bệnh quay trở lại, nạn tin giả cũng bắt đầu hoành hành khắp mạng xã hội. Ảnh: Hoàng Giám.

Đáng lưu ý hơn, trong nhiều trường hợp đã bị xử phạt, người tung tin giả còn là các nhân vật có ảnh hưởng với hàng nghìn, hàng triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội. Nhiều bài đăng thất thiệt nhận lượt tương tác cao trước khi bị gỡ bỏ.

Ngày 6/5, Lê Quang Huy (27 tuổi, trú TP Huế), chủ fanpage Thừa Thiên Huế có 100.000 follow, bị phạt 5 triệu đồng sau khi lan truyền thông tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh ở địa phương.

Ngày 10/5, Trần Văn Duy (Duy "Nến", 39 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội), chủ kênh Hà Nội Phố có hơn 400.000 người đăng ký, bị phạt 12,5 triệu đồng sau khi loan tin giả về việc phong tỏa Hà Nội.

Cách phát hiện, báo cáo tin giả

Trong bài viết riêng cho Zing, bà Phan Tường Yên - chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý đang sống và làm việc tại TP.HCM - cho rằng mỗi người cần học cách hoài nghi, ngay với chính bản thân mình, để không bị dẫn dắt bởi fake news:

- Luôn tự vấn rằng liệu mình có đang bị thu hút bởi những từ tiêu cực trong tiêu đề? Nghiên cứu đã cho thấy rằng ngay cả khi những người tham gia nói mình muốn xem tin tức tích cực hơn, họ vẫn chọn những câu chuyện tiêu cực để dừng lại xem khi online.

- Tự hỏi vì sao mình muốn chia sẻ tin tức này? Bởi vì nó nghe hay ho? Bởi vì nó thực sự hữu ích? Bởi vì nó đang “thay lời” mình để bày tỏ quan điểm hay nỗi lòng? Hay bởi vì mình sợ phải “đứng ngoài cuộc”, mình cần phải tham gia vào dòng chảy ấy?

- Chậm lại và tự hỏi xem bản thân đang đặt niềm tin vào bài viết/tin tức này vì điều gì? Liệu có phải vì người viết là bạn thân của mình? Vì người viết là giám đốc bệnh viện? Vì đó là trang tin yêu thích của mình? Vì người chia sẻ cho mình là cậu bạn tiến sĩ ở Mỹ? Hay vì mình đã dành vài phút kiểm tra và thấy thông tin đáp ứng tương đối các tiêu chí của một bản tin tốt?

Cẩn trọng với từng nút like, share trên mạng xã hội cũng góp phần ngăn chặn tin giả lan truyền. Ảnh: BBC.

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn - giáo sư dịch tễ học thuộc Đại học Notre Dame, Australia - để lượng giá thông tin và tránh bị kích động bởi tin giả, mọi người cần:

- Kiểm tra nguồn thông tin. Thông tin trên mạng rất nhiều, nhưng chỉ có một số nguồn là đáng tin cậy, như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các viện nghiên cứu, các trung tâm y khoa nổi tiếng, các tập san khoa học chính thống. Một cách tìm hiểu dễ dàng là đọc phần “About Us” (giới thiệu về website, cơ quan chủ quản, và sứ mệnh).

- Kiểm tra nội dung thông tin, kiểm tra chéo với các trang web khác. Nhiều thông tin không có nguồn gốc đáng tin cậy, mà chỉ là đồn nhảm.

- Kiểm tra văn phong và ngôn ngữ. Các thông tin thất thiệt thường mang tính giật gân, kích động, cảm tính. Ngôn ngữ của họ thường giả bộ khoa học, nhưng không có dữ liệu (và thay vào đó là trích dẫn từ những chuyên gia không rõ nguồn và cũng chẳng rõ văn cảnh). Ngoài ra, bản tin gốc tiếng Anh nhiều khi sai về chính tả và ngữ pháp.

- Đọc nội dung chứ không chỉ đọc tựa đề. Rất nhiều bản tin trên báo có những tựa đề rất nghiêm trọng hay làm cho người ta nghĩ đến virus corona đang giết chết bao nhiêu người, nhưng nội dung thì không có bất kỳ chứng cứ nào.

- Kiểm tra hình ảnh. Rất nhiều bản tin kèm theo những hình ảnh ghê rợn nhưng thật ra nội dung chẳng dính dáng gì đến virus đang được quan tâm.

Đầu năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả tại địa chỉ tingia.gov.vn.

Cổng thông tin này được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử xây dựng nhằm tiếp nhận phản ánh về tin giả, thẩm định, dán nhãn các tin giả, không xác thực. Ngoài ra, khi phát hiện tin giả, người dân có thể gọi đến số 18008108 để báo cáo.

Lê Vy