Cần sớm ổn định nơi ở cho nhiều hộ dân xã Hải Khê

Ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Quang Vinh ở Đội 2, thôn Trung An, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo an toàn để sinh sống - Ảnh: Đ.V

Chưa thể an cư

Ngôi nhà cấp 4 của gia đình ông Nguyễn Quang Vinh ở Đội 2, thôn Trung An, xã Hải Khê đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Ngôi nhà cũ kỹ thấm dột, tường chằng chịt các vết nứt, hệ thống dầm trụ, thanh ngang đã bị vỡ không còn đảm bảo an toàn. Gia đình ông thuộc diện hộ cận nghèo. Căn nhà tình nghĩa này được xây dựng cách đây 15 năm. Hằng năm, mỗi lần có mưa bão lớn, cả gia đình lại dắt díu nhau đi sơ tán. Gia đình ông đã đề xuất nguyện vọng sửa chữa nhà cách đây 4 năm, đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Ông Vinh lo lắng nói: “Ngôi nhà của gia đình tôi đã xuống cấp quá nghiêm trọng. Cấp trên đã thông báo là gia đình không được ở trong nhà này nữa vì không đảm bảo an toàn. Nhưng ngược lại, chúng tôi viết đơn xin xã, huyện xây dựng lại hay sửa chữa, gia cố nhà cửa thì đến nay vẫn không được giải quyết. Không có nơi khác để ở, vợ chồng tôi đành ở đây nhưng luôn nơm nớp lo sợ không an toàn tính mạng”.

Ở xóm gần bên, ngôi nhà của ông Lê Hồng Cuộc có diện tích khoảng 40 m2 nhưng có đến 3 thế hệ chung sống. Ngôi nhà này được gia đình ông xây dựng từ năm 1997, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Ông muốn cải tạo lại nhưng không được. Vào mỗi mùa mưa bão về, cả nhà lại nơm nớp lo âu. Bên cạnh đó, con cái ông lập gia đình cũng không thể tách “sổ đỏ” ra riêng khiến cuộc sống gặp nhiều trở ngại.

“Cách đây không lâu, xã có thông báo ai có nhu cầu xây dựng nhà tạm (nhà có thời hạn) thì đăng ký. Nhưng tôi nghĩ dân chúng tôi ở vùng ven biển bãi ngang này, việc xây nhà có thời hạn thì không thể đảm bảo an toàn khi có bão tố nên mong các cấp quan tâm xem xét, một là giải tỏa quy hoạch, hai là cho dân chúng tôi làm nhà hoặc tách thửa đất cho con có “sổ đỏ” vay tiền sắm ngư lưới cụ, thuyền bè làm ăn”, ông Cuộc kiến nghị.

Nguyên nhân về tình trạng nêu trên của các hộ dân, thông tin từ UBND xã Hải Khê cho biết: Theo quyết định phê duyệt dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1, người dân trong vùng dự án không được tách thửa hay cơi nới nhà cửa. Hiện xã Hải Khê có hơn 200 hộ không thể tách thửa, cấp mới và chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Thời gian qua, UBND xã Hải Khê đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với 33 hộ gia đình, cá nhân xây dựng công trình nhà ở, vật kiến trúc trên đất do vi phạm pháp luật đất đai theo Nghị định số 91/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời vận động các hộ gia đình chấp hành chủ trương nhà nước tháo dỡ công trình, trả lại mặt bằng.

Phó Chủ tịch UBND xã Hải Khê Trương Xuân Tính cho biết: “Đã có một số người dân vi phạm việc xây dựng và UBND xã đã thành lập 1 tổ để cưỡng chế, lập biên bản theo quy định pháp luật”. Gia đình bà Lê Thị Vui, thôn Trung An có 3 thế hệ với 12 người sống trong căn nhà khoảng 35 m2 . Mặc dù UBND xã đã hướng dẫn thủ tục cấp phép xây dựng tạm thời, nhưng thủ tục còn nhiều vướng mắc nên người dân không thực hiện. Trước nhu cầu bức bách về nhà ở, gia đình bà đành tự ý xây dựng thêm nhà cho con trai để giải quyết chỗ ở trước mắt.

Bà Vui phân trần: “Mấy năm nay gia đình chúng tôi ở chung đông người nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Vừa rồi tôi quyết định làm cho con một cái nhà. Nhà xây dựng tôi biết là trái phép, nhưng đất trong vườn tôi, tôi đành phải làm liều. Mặc dù xã cũng đã có ý kiến, nhưng tôi không biết làm thế nào khi gia đình cứ sống cảnh chật chội rất bất tiện”.

Để phục vụ dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1 và một số dự án động lực tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, UBND tỉnh đã đầu tư 231 tỉ đồng xây dựng khu tái định cư trên diện tích 50 ha tại xã Hải Khê. Khu tái định cư bố trí 476 lô, diện tích mỗi lô từ 364 m2 - 450 m2 cùng hệ thống hạ tầng điện, đường, cây xanh, thoát nước...

Đến nay, trường học, trạm y tế, trụ sở xã, nhà sinh hoạt cộng đồng đã được dời lên khu tái định cư và đi vào hoạt động. Thế nhưng, người dân “tiến thoái lưỡng nan” khi chưa thể rời nơi ở cũ để lên vị trí ở mới.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Khê Trương Xuân Tính cho biết: “Đến nay, nhà máy nhiệt điện vẫn chưa triển khai. Người dân chưa được áp giá đền bù nên không có tiền để lên khu tái định cư. Huyện đã có hướng tháo gỡ là cho những nhà có nhiều thế hệ hoặc nhà xuống cấp trầm trọng lên trước. Nhưng người dân còn chần chừ, muốn có đủ điều kiện mới lên”.

Hiện nay, UBND xã Hải Khê tiếp tục chỉ đạo các đoàn thể, các thôn thường xuyên nắm tình hình, vận động người dân thực hiện công tác quản lý đất đai, các khu quy hoạch và hướng dẫn các hộ dân trong vùng quy hoạch xin cấp phép xây dựng tạm theo quy định.

Nỗ lực tháo gỡ vướng mắc

Sau 10 năm được cấp chủ trương đầu tư, do gặp nhiều khó khăn, Bộ Năng lượng Thái Lan thống nhất dừng triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1. Nhà đầu tư Egati dừng giải phóng mặt bằng liên quan, nên không có cơ sở thu hồi đất tiếp theo và tiền ứng trước nhà đầu tư bồi thường cho dân ra tái định cư cũng không thể triển khai.

Trước những khó khăn của người dân, chính quyền các cấp, các đơn vị liên quan đã quan tâm tìm giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật nhằm vừa đảm bảo ổn định cuộc sống người dân vừa phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH trên địa bàn. Sở Xây dựng cũng đã ra văn bản cấp phép có thời hạn đối với các hộ gia đình có nhu cầu xây dựng và cơi nới nhà ở, tuy nhiên sau khi hết hạn, người dân buộc phải tháo dỡ công trình, không tính đền bù vật kiến trúc để trả lại mặt bằng theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết: Huyện cũng rất chia sẻ với những khó khăn của người dân trong vùng quy hoạch. Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện sẽ phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, các sở, ngành cấp tỉnh lên phương án xây dựng Trung tâm điện lực Quảng Trị để có cơ sở triển khai tiến độ giải phóng mặt bằng về sau và xây dựng các dự án đã được quy hoạch. Sau khi được UBND tỉnh đồng ý chủ trương xây dựng trung tâm điện lực thì có cơ sở thực hiện, người dân có thể di dời vào khu tái định cư theo đúng quy định.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương phối hợp để di dời người dân lên khu vực tái định cư của xã Hải Khê. Tuy vậy, nếu không có dự án thực hiện thì việc di dời người dân lên khu tái định cư khó triển khai được. Do đó, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đang nghiên cứu theo 2 phương án.

Phương án thứ 1 là tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào dự án nhiệt điện. Phương án thứ 2 là triển khai thực hiện dự án đầu tư công liên quan đến xây dựng hạ tầng thiết yếu và san nền cho Trung tâm điện lực Quảng Trị.

Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Nguyễn Đức Thiện cho biết: “Chúng tôi đang có bước đi phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan để đảm bảo việc thực hiện 2 phương án một cách song song. Đã có một số nhà đầu tư uy tín, nghiên cứu tiếp nhận dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1, sau khi Egati có văn bản chấm dứt dự án.

Nếu hướng này xảy ra trước thời hạn tháng 6/2024 (theo trong nội dung Quy hoạch điện VIII), chúng ta hoàn toàn có cơ hội sớm hơn để di dời người dân đến nơi ở mới. Còn với hướng thứ 2, chúng tôi nhận định có vài vướng mắc nhất định, ví dụ sẽ gặp khó khăn trong việc sắp xếp nguồn vốn, vì nguồn vốn lên đến vài trăm tỉ đồng”.

Hải Khê là xã bãi ngang ven biển, 70% số hộ dân làm nghề biển, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Trong tổng số 273 nhà dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng của quy hoạch Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1 thì có 140 hộ gia đình có nhu cầu tách thửa.

Người dân địa phương mong muốn các cấp có thẩm quyền xem xét cho phép các hộ dân có nhà ở xuống cấp được cải tạo, sửa chữa; được tách thửa làm nhà riêng đối với gia đình đông người, nhiều thế hệ; điều chỉnh quy hoạch để người dân trong vùng quy hoạch được thực hiện các quyền và nghĩa vụ về đất đai theo quy định của pháp luật. Khi có quy hoạch, đương nhiên người dân sống trong khu vực quy hoạch phải chấp hành.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quy hoạch kéo dài, khiến nhiều gia đình bị thiệt thòi quyền lợi về sử dụng đất cũng như đời sống. Trong lúc chờ đợi các cấp, ngành tìm giải pháp phù hợp, nhiều hộ gia đình ở xã Hải Khê vẫn chưa thể an cư, lạc nghiệp.

Hiếu Giang