Cần quyết liệt xử lý những vụ kiện về bản quyền nội dung số

Những vụ kiện dai dẳng

Khi mạng xã hội và các nền tảng OTT phát triển, việc bảo vệ bản quyền càng trở nên thách thức, khi khoảng 80% vi phạm nằm ở các nền tảng số. Các nhóm phát lậu có thể nằm tại Việt Nam, nhưng dùng phần mềm mạng riêng ảo - VPN giả địa chỉ, nhằm lấy nội dung từ nước ngoài và phát cho người Việt, ảnh hưởng đến doanh thu và uy tín của dịch vụ trong nước đã mua bản quyền. Theo số liệu mới nhất, ước tính vi phạm bản quyền nội dung khiến Việt Nam thiệt hại khoảng 350 triệu USD năm 2022.

Theo đánh giá của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT), vi phạm bản quyền nội dung số có xu hướng gia tăng, chủ yếu về giải trí như bóng đá, phim, game show, ca nhạc….

Số liệu của Media Partners Asia cho thấy, Việt Nam nằm trong số ba nước dẫn đầu khu vực về số lượng vi phạm bản quyền, với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập website lậu. Nếu xét trên tỷ lệ dân số, Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á.

Phimmoi là trang web phim lậu được xếp vào hàng những web lậu vi phạm bản quyền ở tầm quốc tế.

Nhận xét về con số "giật mình" trên, luật sư Phạm Thanh Thủy - Phụ trách chống vi phạm bản quyền của truyền hình K+ cho biết, đối với việc kinh doanh của các chủ sở hữu bản quyền nội dung, nếu trong 15,5 triệu người xem trên web lậu thì chỉ cần 10% trong số đó chuyển đổi thành thuê bao hợp pháp thì có thể dùng khoản tiền này để tái đầu tư vào những sản phẩm, những nội dung có giá trị, hoặc mua các bộ phim, các chương trình thể thao đặc sắc, từ đó tạo ra việc làm cho ngành công nghiệp sáng tạo, nghĩa là sẽ có rất nhiều dịch vụ được đi theo nếu công tác bảo vệ bản quyền được thực hiện tốt.

Đánh giá về những quy định pháp luật hiện hành, bà Thủy phân tích, về việc xử lý hành chính vi phạm bản quyền nội dung số, khi ra quyết định xử phạt hành chính điều kiện tiên quyết là phải biết được đối tượng là ai, ở đâu? "Nhưng đối với những trang web lậu thì chúng ta không thể xác định, ví dụ như trang Phimmoi, Xoilac... không thể xác định được cụ thể đối tượng, và đằng sau họ là đội ngũ như thế nào? Các biện pháp xử phạt hành chính có vẻ không khả thi với những trang web lậu có tên miền nước ngoài", bà Thủy cho biết.

Biện pháp thứ 2 luật sư Thủy nhắc đến là xử lý dân sự, thì đâu đó có 1 số vụ kiện dân sự đã được diễn ra, tuy nhiên không biết nó sẽ kéo dài bao nhiêu năm. Theo bà Thủy, để mà khởi kiện được ra tòa, yêu cầu đơn vị vi phạm bồi thường thiệt hại, đầu tiên phải chứng minh được thiệt hại, hoặc phải xác định được con số thu lợi bất chính từ đối tượng vi phạm - điều này vô cùng khó khăn, hiện nay chưa có một công thức nào để tính ra những con số cụ thể đó.

"Ví dụ như trên trang Phimmoi, một bộ phim A được 100 nghìn lượt người xem, sẽ phải ước tính giá trị của 1 lượt xem như thế nào, có thể quy đổi là bằng 1 thuê bao trên K+ hay không? Hoặc một bộ phim đang chiếu rạp mà một người livestream, có thể lấy lượt xem trên link đó nhân với giá vé ở rạp được không? Thì đến giờ những câu hỏi đó vẫn chưa có lời giải, chưa có một hướng dẫn nào cụ thể. Đây chính là lý do mà các vụ kiện về vi phạm bản quyền cứ kéo dài mãi", bà Thủy nói.

Luật sư Phạm Thanh Thủy - Phụ trách chống vi phạm bản quyền của truyền hình K+ cho biết, các vụ kiện liên quan đến vi phạm bản quyền nội dung số đều được tính theo năm, hoặc đi vào ngõ cụt.

Đối với hình sự, theo bà Phạm Thanh Thủy khó khăn lại gấp bội. Bà Thủy cho biết, vào năm 2019, K+, BHD và MPAA - Hiệp hội Điện ảnh Mỹ là những đơn vị đầu tiên đứng đơn tố cáo trang web Phimmoi vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan đến Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an TP.HCM, cho đến nay đã 5 năm rồi, vụ kiện này cũng đi vào ngõ cụt. Diến biến chỉ quanh quẩn ở câu chuyện là xác minh thiệt hại.

"Trang Phimmoi với hàng ngàn bộ phim, đại diện K+, BHD, MPAA có bao nhiêu bộ phim trong đó? Và lần tìm theo nguồn thu của Phimmoi, họ thu tiền từ người dùng, thu tiền từ nhà quảng cáo ra sao? Chúng tôi không thể làm việc với Google để lấy doanh thu quảng cáo là bao nhiêu từ việc bán các nội dung bất hợp pháp. Tiếp đó, nếu có thể có được một con số, thì chia tỉ lệ phần trăm như thế nào cho 3 đại diện khởi kiện? Rất, rất nhiều điều kiện khiến vụ việc này đi vào bế tắc", luật sư Thủy cho hay.

Ở một diễn biến khác, website vi phạm trắng trợn nhất, nghiêm trọng nhất bản quyền phát sóng nhiều giải đấu quốc tế lớn phải kể đến “Xoilac TV”. Và đến thời điểm này, XoilacTV vẫn ngang nhiên hoạt động trái phép tại Việt Nam, thu hút lượng người xem cực lớn.

Hiện tại, XoilacTV phát sóng trực tiếp rất nhiều trận đấu bóng đá ở V.League, Champions League, La Liga, Premier League và vô số các giải đấu lớn khác. Phần lớn các trận đấu mà họ phát sóng trực tiếp đều thu hút rất đông sự chú ý của những fan hâm mộ bóng đá Việt Nam.

Không những vậy, khi bình luận 1 trận đấu, các "bình luận viên" của XoilacTV còn có tới 4 lần quảng cáo cho 8xbet (nhà cái có trụ sở chính đặt ở Curacao). Trên website xoilac.tv cũng xuất hiện rất nhiều banner quảng cáo cho nhà cái này.

Ngoài việc phát "lậu" các trận đấu trên website xoilac.tv, XoilacTV còn có ứng dụng dành cho người sử dụng smartphone Android có thể tải trên cửa hàng Google Play.

Mặc dù vậy, xoilac.tv được đăng ký tên miền tại Mỹ từ tháng 10/2017, do website này không có máy chủ tại Việt Nam nên việc áp dụng quy định pháp luật của Việt Nam để xử lý là rất khó khăn. Với những hành vi vi phạm bản quyền truyền hình và quảng cáo cá cược bất hợp pháp tại Việt Nam trong những năm qua, chắc chắn, XoilacTV đã thu lợi khoản tiền bất chính khổng lồ.

Theo luật sư Phạm Thanh Thủy, "Xoilac đã thay đổi rất nhiều tên miền kể từ khi ra đời, chúng tôi không thể đề nghị xử lý hành chính được, cũng không thể khởi kiện dân sự được, việc duy nhất chúng tôi có thể làm là chặn truy cập, chúng tôi đã chặn mấy trăm domain của Xoilac, và trông chờ vào sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước".

Nghị định 17 cần được tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa

Nghị định số 17/2023 của Chính phủ ra đời đã có nhiều điểm mới trong quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và các quyền liên quan. Liệu Nghị định này có giải được bài toán khó về vấn đề bản quyền, cũng như đem lại màu sắc tươi sáng hơn cho bức tranh vi phạm bản quyền số đang rất u ám?

Với tư cách thực hiện nhiệm vụ chống vi phạm bản quyền của truyền hình K+, luật sư Phạm Thanh Thủy cho biết, K+ đang theo sát từng điều khoản của Nghị định 17, với những trang web vi phạm bản quyền bóng đá ngoại hạng Anh, K+ thường gửi trước thông báo khẳng định quyền hợp pháp, K+ là đối tác độc quyền tại Việt Nam, thời gian tới sẽ có những trận bóng như thế nào và đề nghị các nhà mạng tuân thủ.

Website vi phạm trắng trợn nhất, nghiêm trọng nhất bản quyền phát sóng nhiều giải đấu quốc tế lớn phải kể đến “Xoilac TV”. (Ảnh: danviet)

"Những công văn và email chúng tôi gửi đi từ văn phòng luật sư thường 1-2 tuần sau sẽ nhận được phản hồi từ các nhà mạng và họ cũng đưa ra rất nhiều lý do. Chẳng hạn với phim, chúng tôi gửi và các nhà mạng đưa ra các yêu cầu, để gỡ bỏ phim thì phải chứng minh phim do họ lưu trữ, trên sever, trên hosting hay dịch vụ của họ cho thuê - về cơ bản những điều kiện này rất là khó để chứng minh. Thực sự là trong 5 tháng vừa qua, chúng tôi vẫn đang mò mẫm và chưa áp dụng được việc gửi đơn trực tiếp cho các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian", bà Thủy chia sẻ.

Luật sư Thủy nhận định, Nghị định 17 vẫn còn khá sớm và bản thân Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) là đơn vị chắp bút cho Nghị định này cũng chưa tổ chức nhiều sự kiện tuyên truyền nên một số nhà mạng chưa nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình. Do đó, sự phối hợp còn chưa được như kỳ vọng của những đơn vị nắm quyền hợp pháp như K+.

Là người tiếp xúc và giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến bản quyền nội dung số, luật sư Hà Liên - Đại diện Văn phòng luật sư Phan Law nêu quan điểm, đồng ý Nghị định 17 có nhiều điểm sáng, điểm mới, những quy định rất chặt chẽ về cơ chế để chủ thể quyền có thể làm việc với đơn vị cung cấp dịch vụ mạng (ISP) để gỡ những thông tin vi phạm.

Bà Hà Liên cho biết, Phan Law cũng có hoạt động gửi những thông báo văn bản, sau khi phát hiện vi phạm bản quyền cũng gửi công văn yêu cầu ISP thực hiện theo Nghị định 17. Tuy nhiên, việc thực hiện rất nan giải khi mà họ đưa ra những ý kiến, đầu tiên về việc chứng minh chủ thể quyền, thứ 2 họ đưa ra những văn bản yêu cầu chứng minh được những thông tin đang lưu giữ trên server của họ. Không phải chủ thể quyền nào cũng biết được những nội dung này. Thành ra trong 5 tháng qua, các đơn vị vẫn miệt mài gửi công văn nhưng phản hồi của các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian không có những tín hiệu tích cực.

"Và thực tế đến nay, Việt Nam đã có quy định về án lệ tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ chưa từng có một án lệ nào được thông qua. Hy vọng trong tương lai, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ có án lệ về quy định, giống như có một cơ chế quyết định đối với những trường hợp tương tự, mức bồi thường thiệt hại sẽ như thế nào để đảm bảo quyền cho chủ thể quyền - vì việc đầu tư cho một sản phẩm trí tuệ rất tốn kém", luật sư Hà Liên nêu rõ.

Phan Hòa Giang