Cần Giờ cần kinh tế đêm

Nghị quyết 12-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030, xác định mục tiêu đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực. Để làm được điều này, cần tập trung vào những thế mạnh riêng có của Cần Giờ, trong đó kinh tế đêm là hướng đi rất đáng lưu tâm.

Chưa thu hút được sự quan tâm

Tiềm năng khai thác du lịch của Cần Giờ còn rất nhiều, lợi thế chính là rất gần TP HCM nơi có 11 triệu dân, đường đi ngày càng thuận lợi và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy du khách sau khi tham quan các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử ở Cần Giờ thì mua sắm, chi tiêu không nhiều do dịch vụ đi kèm ít, hệ thống nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú mang tính nhỏ lẻ, dịch vụ phục vụ khách du lịch còn hạn chế; thiếu khu vui chơi, giải trí, mua sắm về đêm nên chưa giữ chân du khách ở lại vui chơi, mua sắm…

Khó khăn hiện nay của ngành du lịch huyện Cần Giờ là hạ tầng giao thông kết nối giữa huyện với nội thành và các tỉnh lân cận chưa đồng bộ; quy hoạch chưa hoàn chỉnh, chậm xây dựng cơ sở pháp lý trong rừng phòng hộ để thu hút đầu tư và liên kết khai thác du lịch; chưa có cơ chế, chính sách đột phá để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội huyện nói chung và ngành du lịch huyện nói riêng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng, quảng bá nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm OCOP còn hạn chế; việc giới thiệu ẩm thực từ nguồn nguyên liệu đặc trưng chưa đáp ứng nhu cầu của du khách; nguồn nhân lực còn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch; tổ chức hoạt động du lịch còn riêng lẻ, chưa có sự gắn kết cộng đồng chặt chẽ để xây dựng tour, tuyến sản phẩm du lịch đặc sắc…

Rừng phòng hộ Cần Giờ Ảnh: Hoàng Triều

Phát triển từ thế mạnh đặc thù

Hướng đi cần lưu ý cho Cần Giờ là đẩy mạnh phát triển chợ đêm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để vừa giải quyết nhu cầu mua sắm vừa tạo hình ảnh cho du lịch. Đây không phải là kiểu chợ đêm bình thường mà cần kết hợp cùng các thương hiệu mạnh, uy tín trong nước cũng như phát huy thế mạnh kinh tế biển của Cần Giờ.

Một điểm quan trọng là cần quyết liệt giải quyết nạn hàng rong, chèo kéo, bán vé số… làm ảnh hưởng đến hình ảnh thân thiện, mến khách của Cần Giờ; tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh cho khu vực. Để thực hiện được, cần có sự phối hợp liên ngành cùng xây dựng tự quản trong người dân kinh doanh kinh tế đêm.

Cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại tạo nguồn hàng hóa dồi dào, đặc biệt là đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP… để thu hút khách và quảng bá thương hiệu chung của Cần Giờ. Tăng cường tạo lập và liên kết chuỗi sản phẩm từ trang trại đến kệ hàng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đưa vào triển khai bài bản các thành phần của kinh tế đêm như phố đi bộ, những khu vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm về đêm… Trong đó, quan tâm tạo ra thương hiệu ẩm thực đường phố bình dân riêng có của Cần Giờ qua việc kết hợp giữa hải sản và thức ăn đường phố.

Muốn Cần Giờ giữ chân được nhiều khách ở lại, cần kích hoạt đồng bộ các điểm nhấn đặc sắc của huyện, tạo được không gian du lịch, giải trí, lễ hội đặc sắc, toát lên được những nét văn hóa nổi bật của Cần Giờ. Điển hình như phát triển hệ thống bảo tàng hiện đại, nâng tầm hệ thống lễ hội để giới thiệu lịch sử và nền văn hóa của Cần Giờ. Đầu tư phục dựng, phát triển các loại hình văn hóa dân gian, trong đó có một phần các tiết mục, sô diễn đặc sắc phục vụ khách vào ban đêm. Sự thành công của các chương trình về đêm của Hội An cũng là một mô hình đáng để nghiên cứu, áp dụng.

Để làm được việc đó, cần định hình lại sản phẩm, có hệ thống tiêu chí rõ ràng, đưa khái niệm sản phẩm dịch vụ về đêm đến nhận thức và ý thức của người cung cấp dịch vụ cũng như người dân. Từ đó mới có thể xây dựng và mở rộng các sản phẩm dịch vụ về đêm mới lạ, hấp dẫn và nâng cao giá trị chi tiêu của du khách, trong đó tăng cường hướng đến du khách quốc tế.

Đinh Thành Trung