Ca sĩ Thái Thùy Linh - Cú sốc và bài học học khi làm từ thiện

LTS: Ca sĩ Thái Thùy Linh có 10 năm hoạt động thiện nguyện, với nhiều chương trình hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn hiệu quả. Chị chia sẻ với VietNamNet góc nhìn về công việc này.

Cú sốc đầu tiên đồng thời cũng là một trong những bài học quan trọng nhất của tôi sau một thập kỷ hoạt động tình nguyện chính là bài học về Sự Chuyên Nghiệp.

Đó là lần tôi mở một phiên chợ quyên góp đồ cũ do mọi người tặng, sau đó sửa chữa, làm sạch, phân loại và bán cho mọi người, tiền thu được sẽ dùng để thuê xe vận chuyển quần áo chống rét cho học sinh nghèo miền núi. Rủi thay có một món đồ khi ship tới người mua thì bị từ chối với thái độ khá nặng nề và các tình nguyện viên trẻ của chương trình đã “đáp trả”.

Chuyện chẳng có gì đáng nói, nếu là tôi của những năm sau này. Nhưng lúc đó, phần do phản xạ tự nhiên muốn bảo vệ đồng đội, phần còn đang hăng hái một bầu máu nóng và sự tự tin tuyệt đối vào việc: mình đang làm từ thiện cơ mà, khách hàng phải hiểu, phải thông cảm chứ, sao đã làm từ thiện mà còn đòi hỏi?

Vụ việc gây ra cuộc khẩu chiến nảy lửa với nhiều ý kiến trái chiều và tôi đã mất kha khá bạn Facebook vì sự hiếu thắng của mình, cũng vì cả sự ngoa ngoắt ác ý của nhiều người. May thay, câu chuyện đó giúp tôi rút ra một chân lý, làm thay đổi mạnh mẽ đến quan điểm và phương pháp làm tình nguyện của tôi ngay lập tức và vững vàng cho đến tận bây giờ: Đừng đòi hỏi mọi người phải suy nghĩ giống mình.

Khi bạn làm tình nguyện trong vai một người bán hàng, bạn phải tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu của người mua, ở mức chuyên nghiệp nhất.

Khi bạn làm tình nguyện trong vài một người tổ chức sự kiện, hãy đảm bảo sự kiện đó diễn ra được suôn sẻ, trơn tru, chuyên nghiệp nhất.

Khi bạn làm tình nguyện trong vai một người làm truyền thông, hãy cố gắng để điều mà bạn muốn truyền thông lan tỏa được chính xác và rộng rãi nhất.

Khi bạn làm chương trình cho trẻ em, bạn phải hiểu về trẻ em.

Tóm lại, nếu bạn không có khả năng để chuyên nghiệp trong nhiều lĩnh vực, bạn phải tìm tới sự trợ giúp, tư vấn của những người chuyên nghiệp trong lĩnh vực ấy.

Tỉ dụ như tôi đang làm chương trình tình nguyện “Vitamin tháng 5”, với mục tiêu mỗi ngày chế biến 1.000 - 2.000 chai nước quả tươi mát lạnh tiếp sức các chiến sĩ chống dịch. Tôi làm sao giỏi pha chế. Tôi không biết lái xe tải hay xe bán tải. Tôi không chắc thế nào là đạt yêu cầu vệ sinh an toàn với các cơ sở y tế. Tôi bèn vời một team có đủ tất cả những người chuyên nghiệp trong các phần việc ấy. Kêu gọi làm việc tốt đã dễ được ủng hộ, người làm việc tốt lại hát hay và hóm hỉnh nữa càng dễ được ủng hộ hơn,...

Thái Thùy Linh trong một chương trình thiện nguyện dành cho trẻ em bị tự kỷ.

Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng gặp suôn sẻ. Dễ thế thì ai chả làm được, ai chả làm tốt được.

Sẽ có hàng tỷ sự cố có thể xảy ra, cả những thứ ta có thể đoán trước, cả những thứ từ trên trời rơi xuống. Như là thời tiết, nặng hơn là thiên tai, như là một chiếc xe chở hàng tình nguyện của tôi gặp tai nạn, như tôi từng gặp nhầm kẻ xấu núp vai đồng đội có tâm, như là quên nhớ, như là ai đó ốm đau bệnh tật...

Lúc này, cần sự chuyên nghiệp gấp đôi. Giống như cách để phân định thế nào là một người nghiệp dư hát hay và một ca sĩ chuyên nghiệp, đó là người chuyên nghiệp có khả năng (được đào tạo và rèn luyện) để hát hay hầu như trong mọi hoàn cảnh, còn người nghiệp dư thì tùy lúc.

Làm thiện nguyện cũng thế: thường ai có khả năng và cả quá trình làm chuyên nghiệp hơn người ấy sẽ tổ chức được bài bản, hiệu quả hơn, “giải đề bài” được tốt hơn những người làm theo cảm hứng, hoặc có tâm nhưng thiếu kinh nghiệm.

Vậy thế nào là chuyên nghiệp? Làm thế nào để đạt được hai chữ “chuyên nghiệp” khi làm từ thiện?

Cá nhân tôi không lấy việc ai đó khen “cô này chuyên làm từ thiện” để làm điều hãnh diện. Tôi thường xuyên ước giá như mình không phải mất nhiều thời gian vào các hoạt động thiện nguyện nữa, để tha hồ đàn hát, chơi với con, cà phê cà pháo la cà thoải mái như bao nhiêu người. Vì còn phải làm thiện nguyện nhiều là còn nhiều người khó khăn cần giúp đỡ, vui gì mà hãnh diện.

Tôi chỉ hãnh diện khi được nhiều nhận xét “chuyên nghiệp” khi thấy cách tôi làm, việc nào cũng thế, không riêng những hoạt động tình nguyện.

Bởi hai chữ “chuyên nghiệp” không phải là một cái huy chương để thích gắn lên áo ai thì gắn, nhất là khi ta dùng nó như một tính từ.

Nó thể hiện bạn là người tạo được hiệu quả cao trong công việc mình làm

Nó thể hiện tính trách nhiệm và quá trình học hỏi, rèn luyện của bạn.

Nó thể hiện sự hiểu biết, kinh nghiệm, năng lực hoặc tài năng của bạn.

Nó thể hiện bạn có chữ Tâm đối với việc bạn làm.

Và khi sự chuyên nghiệp càng lớn, cái Tầm của bạn càng cao.

Trong trường hợp bạn có chữ Tâm mà chưa đạt được chữ Tầm, chưa thể chuyên nghiệp trong một sớm một chiều, hoặc chữ Tâm chưa đủ lớn, tôi khuyên bạn Chọn Việc Vừa Sức.

Tôi bao giờ kêu gọi bất kỳ chương trình tình nguyện nào có số ủng hộ lên tới tiền tỷ. Tôi quản lý tài chính không giỏi, lơ mơ về con số, có thói quen cố hữu là tiêu tiền ủng hộ cực ky bo, quan trọng tinh thần hơn vật chất, vậy thì tôi sẽ tổ chức những chương trình nào mà có thể làm tốt được trong khả năng.

Thái Thùy Linh trong một chuyến từ thiện tại bệnh viện.

Như là những chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện”, chỉ vài chục triệu chi phi sản xuất nhưng đến bệnh viện nào là vài trăm cho tới hàng ngàn bệnh nhân, người nhà, y bác sĩ được úy lạo tinh thần. Quỹ luôn luôn bằng 0 đồng vì quyên góp được đồng nào tặng hết cho bệnh nhân nghèo luôn trong chương trình hôm đó.

Như là những ngày hội cho bệnh nhi hay trẻ khuyết tật, mỗi chương trình cả ngàn bé được vui mà chi phí cũng chỉ một hai trăm triệu, mọi người có ủng hộ dư ra thì mang mua hết đồ chơi, sách truyện, thế là khỏi lo ai biển thủ, động lòng tham.

Nếu tôi cầm tiền tỷ, thậm chí nhiều tỷ do mọi người ủng hộ, không chắc tôi đã bền bỉ đi được một hành trình dài tới 10 năm như thế. Là nghệ sĩ, tâm hồn nhiều khi treo ngược cành cây, nếu đòi hỏi vừa phải hát hay, xinh đẹp, hiểu biết, nhân từ, lãng mạn, nhưng lại phải giỏi quản lý, khéo làm truyền thông, biết nghiệp vụ kế toán, rành pháp luật... thì tôi chịu.

Nếu ai đọc bài này mà đồng cảm và muốn dành một lời khen ngợi, xin hãy cứ giản dị dành cho tôi một chữ “chuyên nghiệp” là tôi hạnh phúc lắm rồi. Xin đừng tung hô gọi tôi hay bất cứ người làm thiện nguyện nào là ông Bụt, bà Tiên, tâm Phật những lúc cao hứng.... để rồi nếu lỡ ngày mai chúng tôi có lỡ sơ xuất, lỗi lầm thì lại bị mạt sát, rủa sả không thương tiếc.

Muốn có nhiều người làm thiện nguyện có Tầm, thì xã hội cần rất nhiều những sự góp Tâm. Cùng xây mới là khó, nhưng mới bền.

Tôi từng nói nhiều lần với các tình nguyện viên làm việc với tôi thế này: những người chúng ta đã hứa tặng quà hay giúp đỡ không có trách nhiệm phải biết chúng ta đã khó khăn gì, bạn đã mệt ra sao và tôi đã bận thế nào. Họ đã đủ buồn rồi và không cần phải nhận thêm chút năng lượng tiêu cực nào từ những người đến giúp nữa.

Ca sĩ Thái Thùy Linh