Bước chuyển mình cho các dự án bất động sản

Luật Nhà ở (sửa đổi) tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội

Đó là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cùng phóng viên, sau khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội bấm nút thông qua.

Phóng viên: Các quy định tại Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ tác động ra sao đến thủ tục đầu tư các dự án bất động sản, thưa ông?

Ông Lê Hoàng Châu

Ông Lê Hoàng Châu: Luật Nhà ở (sửa đổi) về tổng thể là rất tích cực, phù hợp thực tiễn, đồng bộ cùng các luật, nghị định liên quan.

Trong đó, Điều 36 đã quy định trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại khi nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo quy định của Luật Đất đai.

Quy định đã dẫn chiếu về Luật Đất đai là rất chính xác, bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và đã khắc phục được bất cập của Luật Nhà ở 2014 quy định chỉ định chủ đầu tư và hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã vênh với các quy định của Luật Đất đai 2013.

Hay với các quy định về dự án xây dựng, cải tạo lại nhà chung cư, với chế ưu đãi được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất thuộc trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã luật hóa quy định cơ chế ưu đãi tuy đã được quy định tại Nghị định 101/2015/NĐ-CP và Nghị định 69/2021/NĐ-CP nhưng chưa áp dụng được trên thực tế.

Khoản 3 Điều 64 yêu cầu về quy hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư bổ sung giải pháp quy hoạch xây dựng lại cả khu chung cư hoặc giải pháp quy gom để thực hiện xây dựng lại một số nhà chung cư trên cùng địa bàn đã luật hóa quy định của Nghị định 69/2021/NĐ-CP về giải pháp quy gom để thực hiện xây dựng lại một số nhà chung cư trên cùng địa bàn cấp xã, cấp huyện hoặc cấp huyện lân cận là rất cần thiết và phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người dân muốn được tái định cư tại chỗ trên cùng địa bàn cấp xã, cấp huyện hoặc cấp huyện lân cận để phù hợp với cuộc sống và sinh kế của mình.

Phóng viên: Đây cũng là Luật được đánh tạo bản lề cho việc hiện thực hóa 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030, ông đánh giá ra sao về các quy định liên quan?

Ông Lê Hoàng Châu: Các ưu đãi được quy định tại Luật này là rất cần thiết, hợp tình hợp lý, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội nhằm thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030.

Về nguồn vốn, Luật đã cho phép các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định được thực hiện cho vay ưu đãi đối với các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội mua, thuê mua nhà ở xã hội, đã khắc phục bất cập của khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014.

Đồng thời, với điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội đã bãi bỏ điều kiện cư trú, hoặc giao cho Chính phủ quy định điều kiện về thu nhập đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội, hoặc quy định đối tượng thuê nhà ở xã hội thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập.

Đây là những quy định hợp tình hợp lý, phù hợp với thực tế dịch chuyển và thu hút lao động giữa các vùng miền, địa phương và để phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng thời kỳ.

Về phía chủ đầu tư, quy định về ưu đãi như như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối, ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích dự án làm công trình thương mại, là những điểm sáng.

Đặc biệt về nhà ở công nhân, Mục 3 và Mục 4 Chương VI đã bổ sung các cơ chế, chính sách rất quan trọng và thiết thực để giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân, lao động, cán bộ, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân viên của lực lượng vũ trang.

Phóng viên: Nhưng đến năm 2025 Luật Nhà ở (sửa đổi) mới có hiệu lực, doanh nghiệp bất động sản cần làm gì để thích ứng khi độ trễ chính sách lên tới 1 năm?

Ông Lê Hoàng Châu: Nhằm đảm bảo tính đồng bộ với Luật Đất đai, thời gian từ thời điểm ban hành đến thời điểm có hiệu lực dài hơn là cơ hội để chuẩn bị các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành dài hơn sẽ tránh được việc luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư. Khi đi vào thực hiện sẽ được trơn tru hơn, không còn tình trạng mỗi nơi hiểu một kiểu khác nhau.

Thời điểm này, các doanh nghiệp bất động sản cần nghiên cứu kỹ, đặc biệt với các dự án có chiến lược phát triển từ năm 2025, các quy định có tính chuyển giao giữa Luật mới và Luật cũ.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Diệu Hoa/Diendandoanhnghiep.vn