Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nội về cơ chế đặc thù cho Thủ đô

Về việc ban cơ chế đặc thù, trong đó phát triển ngành du lịch, quy hoạch sông Hồng… Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, ban hành nhiều cơ chế, chính sách (Nguồn: Internet).

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được câu hỏi kiến nghị của cử tri Hà Nội về việc:

Cử tri kiến nghị quan tâm nghiên cứu trình Quốc hội có cơ chế đặc thù cho thành phố Hà Nội, trong đó: Phát triển ngành du lịch, quy hoạch sông Hồng, đề án giãn dân quận Hoàn Kiếm, tuyến phố Tràng Tiền thành tuyến phố thời trang cao cấp...; đồng thời, có chính sách ưu tiên, hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đề nghị Chính phủ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hiệu quả hơn nữa, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Đề nghị tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của Trung ương trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt là dự án Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Về vấn đề này Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:

Về việc ban cơ chế đặc thù, trong đó phát triển ngành du lịch, quy hoạch sông Hồng… Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hà Nội, như: Luật Thủ đô năm 2012, Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội…

Để tiếp tục trình Quốc hội cơ chế đặc thù cho Thành phố Hà Nội, thành phố cần có đánh giá tổng thể, chi tiết về việc thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành, những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để các cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả như mong đợi, từ đó xác định sự cần thiết và phù hợp của việc xây dựng cơ chế đặc thù cho Thành phố Hà Nội trong thời gian tới.

Về phát triển ngành du lịch: Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, xác định du lịch là một trong những trọng tâm quan trọng cần tập trung phát triển của khu vực dịch vụ. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Văn bản số 7543/VPCP-KTTH ngày 17/10/2021, đề nghị thành phố Hà Nội căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phê duyệt Chương trình hành động của thành phố thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, lồng ghép Chương trình hành động vào chiến lược, kế hoạch phát triển riêng của Thành phố Hà Nội, bảo đảm đầy đủ, phù hợp với mục tiêu, định hướng, giải pháp đã được xác định tại Chiến lược tổng thể.

Về quy hoạch sông Hồng: Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiến hành rà soát, tổng kết Luật Thủ đô. Đối với kiến nghị của cử tri sẽ được xem xét, nghiên cứu trong quá trình sửa Luật Thủ đô gắn với xây dựng triển khai Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, quy hoạch Thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp: Nhằm nâng cao hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (thay thế Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018). Theo đó, Nghị định số 80/2001/NĐ-CP đã bổ sung và quy định cụ thể hơn một số giải pháp chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện mới, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước, như: hỗ trợ tư vấn các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ chi phí để doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, sản xuất trong doanh nghiệp...; mở rộng nội dung và điều chỉnh định mức hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp về nhân sự, thị trường, sản xuất,.. để tiệm cận hơn với các chi phí trên thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng dịch vụ tư vấn về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ về hợp đồng tư vấn tìm kiếm, lựa chọn, giải mã và chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo huấn luyện chuyên sâu trong nước và nước ngoài; hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo. Cùng với đó là hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ, hỗ trợ nâng cao năng lực liên kết sản xuất và kinh doanh; hỗ trợ thông tin, phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường; hỗ trợ tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng.

Ngày 10/5/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính khẩn trương ban hành Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP. Năm 2022, ngân sách Trung ương đã bố trí 145 tỷ đồng để triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án của Trung ương trên địa bàn thành phố:

Đối với Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội, tính đến hết năm 2020, tổng vốn ngân sách Trung ương đã bố trí thực hiện dự án là 2.621.503 triệu đồng, trong đó: 2.246.503 triệu đồng vốn trong nước và 375.000 triệu đồng vốn nước ngoài. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Dự án được bố trí là 1.564.000 triệu đồng (vốn trong nước). Theo văn bản số 1234/KTNN-TH ngày 29/11/2021 của Kiểm toán nhà nước, tiến độ giải ngân của Dự án rất thấp. Vì vậy, đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội đảm bảo tiến độ giải ngân Dự án tránh trường hợp bố trí vốn nhưng không giải ngân hết số vốn được phân bổ.

Đối với Dự án xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, về cơ chế, chính sách đặc thù: Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quy hoạch, xây dựng, phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2017/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 về điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 khu công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030 nhằm thực hiện các giải pháp đồng bộ để kết nối giữa các khu vực, hạ tầng giao thông chung của khu vực, xây dựng đô thị vệ tinh Hòa Lạc trong tương lai.

Về hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc (quy mô 1.036 ha, thực hiện từ nguồn vốn ODA) với mục tiêu đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ của Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được ưu tiên bố trí đủ vốn đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành dự án, đến năm 2020 dự án kết thúc hoàn thành tạo ra hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, hiện đại đáp ứng được yêu cầu phát triển của Khu công nghệ cao Hòa Lạc và nhu cầu của các nhà đầu tư.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã ưu tiên bố trí đủ vốn theo nhu cầu là 2.367.000 triệu đồng để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích Khu công nghệ cao Hòa Lạc theo quy hoạch và xây dựng một số hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn lại của Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Để đạt mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 2021-2025, đề nghị cử tri thành phố Hà Nội có ý kiến với UBND thành phố Hà Nội có biện pháp tích cực đẩy mạnh giải ngân công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong năm 2022, đảm bảo mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong giai đoạn 2021-2025.

Khánh Diệp