Bộ Công Thương kêu gọi tiết kiệm điện

Từ đầu năm 2024, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, thể hiện trên các chỉ số tăng trưởng ấn tượng về sản xuất và xuất khẩu quý 1/2024, thì nhu cầu về điện đã có sự tăng trưởng đột biến, lên đến 11,84% so với cùng kỳ năm 2023. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc triển khai thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; đẩy mạnh thực hiện chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.

Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững chia sẻ: "Thực hành tiết kiệm điện không chỉ những lúc thiếu điện mà thực hành mọi lúc, mọi nơi với mọi đối tượng, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hiệu quả nhất để góp phần bảo đảm an ninh cung cấp điện”.

Các doanh nghiệp cần phải có chiến lược cụ thể, vừa tiết kiệm điện vừa nâng cao năng suất lao động.

Bên cạnh những nỗ lực của ngành điện và công tác tuyên truyền, thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện thì các doanh nghiệp cần phải có chiến lược cụ thể, vừa tiết kiệm điện vừa nâng cao năng suất lao động.

Đặt mục tiêu và lợi ích của các chương trình quản lý phía cầu trong bối cảnh hiện nay cũng như nhìn xa hơn đến năm 2050 của Việt Nam, thì có thể đánh giá các chương trình, giải pháp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả và các chương trình quản lý nhu cầu điện mà cụ thể là các chương trình điều chỉnh phụ tải điện sẽ là các giải pháp bền vững và hiệu quả để góp phần thực hiện được các mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết tại COP 26 cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.