Bí ẩn loài sâu tử thần có thể giết người bằng luồng điện siêu mạnh

Theo VTC News, sa mạc Gôbi ở châu Á ròng rã màu đá cát đen xám nằm im lìm dưới gió mưa. Đây là một vùng đất rộng và khô với diện tích chừng 1,3 triệu km2 và được xem là một trong những sa mạc lớn nhất thế giới.

Khác với những sa mạc bình thường khác, ở Gobi không chỉ có cát mà còn có cả những dãy núi và các tảng đá khổng lồ.

Vùng đất khô cằn này được chú ý nhất trong lịch sử như là một phần của Đế quốc ông Cổ vĩ đại. Gobi có một lịch sử lâu dài của nơi cư trú của con người, chủ yếu là dân tộc du mục.

Ngoài những sự bí mật về sự hà khắc của thiên nhiên, sự bền bỉ mà hùng tráng của con người, nơi đây còn lưu truyền một truyền thuyết về một loài sâu thần kỳ có khả năng giết người.

Tranh vẽ mô tả loài sâu tử thần.

Những câu chuyện nửa hư nửa thực về loài sâu này, khiến nhiều người rùng mình, nhưng cũng không ít người lên đường kiếm tìm như kiếm tìm sự thật về một truyền thuyết bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Dù chưa được tận mắt chứng kiến nhưng họ tin rằng sinh vật này có thể tồn tại và ở đâu đó thuộc những vùng đất khắc nghiệt nằm dọc biên giới Trung Quốc – Mông Cổ.

Có một thời gian sâu tử thần Mông Cổ trở nên nổi tiếng với người phương Tây. Chúng thành nguồn cảm hứng cho những cuốn tiểu thuyết giật gân cũng như khiến nhiều người đổ xô đến sa mạc Gobi để tìm kiếm. (Ảnh minh họa).

Theo thông tin trên Dân Việt, người dân địa phương gọi nó là allghoi khorkhoi hay sâu ruột vì trông nó rất giống một đoạn ruột bò màu đỏ như máu, đôi chỗ có điểm những khoang thẫm hơn, có mấu nhô ra ở cả hai đầu.

Dài từ 0,5 đến 1,5m, loài sâu này trông rất kỳ dị, đầu và đuôi không thể phân biệt rõ ràng vì chẳng ai thấy mắt, lỗ mũi hay mồm nó ở đâu. Cách di chuyển của nó cũng rất khác thường, vừa lăn tròn vừa bò ngoằn ngoèo rất nhanh.

Theo truyền thuyết được những người dân sa mạc Gobi rỉ tai nhau từ hàng ngàn năm qua, loài sâu này có một khả năng kỳ bí như nó có thể phun ra chất độc acid vàng gây chết người ngay lập tức khi tiếp xúc hoặc có thể tiêu diệt con mồi từ xa bằng một luồng điện siêu mạnh.

Còn nhà thám hiểm người Tiệp Khắc Ivan Mackerle mô tả sâu tử thần theo lời kể của dân địa phương như sau: “Trông nó giống khúc xúc xích, mập ú như cánh tay người đàn ông, khá giống ruột của gia súc. Đuôi nó ngắn như thể bị cắt, nhưng không nhọn.

Thật khó mà xác định được đâu là đầu, đâu là đuôi bởi vì không thấy rõ mắt, mũi, miệng. Nó di chuyển rất lạ thường - cuộn tròn lăn vút đi, hay bò ngoằn ngoèo một bên thân. Nó sống trong các đụn cát hoang vắng và các thung lũng nóng cháy của sa mạc Gobi mà phía dưới là những cây saxaul mọc ngầm.

Bạn có thể trông thấy nó vào thời điểm nóng nhất trong năm là tháng 6 và tháng 7. Sau đó, nó sẽ vùi trong cát và ngủ hầu như suốt thời gian còn lại trong năm. Thường thì nó sẽ bò lên mặt đất sau cơn mưa, hay khi đất ẩm”.

Vào tháng 5/2005, các nhà khoa học và thám hiểm thuộc Trung tâm sở thú Fortean, Thế giới kỳ bí và E-Mongol đã bỏ ra một tháng để nghiên cứu các bản báo cáo và tiếp tục truy lùng sâu tử thần.

Ông Richard Freeman, trưởng nhóm nghiên cứu trên cho rằng, có thể sinh vật lạ này không phải là sâu bởi những con sâu sống được rất cần tới độ ẩm. Nó có thể là một loài bò sát không chân, sống ở dưới mặt đất.

“Nó có thể là thành viên khổng lồ của một nhóm bò sát có tên là thằn lằn giun hay rắn hai đầu”.

Trong thực tế đã có một nhóm động vật này nhưng chúng vẫn chưa được biết tới nhiều do ít được quan tâm nghiên cứu.

Ông Freeman cũng cho rằng mọi người đã quá thổi phòng về năng lực giết người của sâu tử thần. Ông cho rằng nó giống như con rồng lửa, kỳ nhông của thời Trung cổ, nhưng cực độc.

Sự tồn tại của sâu tử thần vẫn là một đề tài tranh cãi nóng bỏng mà đến ngày nay các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm được câu trả lời.

Tuy nhiên, xét về mặt khoa học, các nhà nghiên cứu cho rằng sâu tử thần Mông Cổ có thể là một sinh vật mang hai đặc tính của lươn phóng điện và rắn hổ mang phun nọc độc mà không cần cắn tồn tại trên thực tế.

Rất có thể, một loài côn trùng đặc biệt như vậy đã xuất hiện trên sa mạc khắc nghiệt này, và trở thành một nỗi lo sợ suốt hàng nghìn năm qua đối với những con người nơi đây.

KHÁNH LINH (t/h)