Bất động sản đóng băng, xuất khẩu giảm khiến Đà Nẵng tăng trưởng thấp

Ngày 29/12, Cục Thống kê Đà Nẵng họp báo về tình hình kinh tế- xã hội thành phố 2023.

Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, cho biết kinh tế thành phố giữ được nhịp độ tăng trưởng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước tăng 2,58% so với năm 2022 thấp hơn mức tăng bình quân 5,51%/năm của giai đoạn 2021-2023.

Quy mô nền kinh tế của thành phố năm 2023 ước đạt hơn 134.000 tỷ đồng. Xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, Đà Nẵng xếp thứ 54/63 địa phương và thấp nhất trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên xét về quy mô GRDP, Đà Nẵng vẫn duy trì vị trí dẫn dần 5 địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; xếp thứ 17/63 địa phương trên cả nước.

Năm 2023, bên cạnh những ngành tăng trưởng dương như dịch vụ, lâm nghiệp và thủy sản thì khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 2,05%.

“Những ngành chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP như xây dựng, kinh doanh bất động sản, bán buôn….giảm đã kéo tăng trưởng năm 2023 không đạt như kế hoạch đặt ra”, ông Vũ cho hay.

Quy mô nền kinh tế của thành phố Đà Nẵng năm 2023 ước đạt hơn 134.000 tỷ đồng.

Theo ông Vũ, do nhu xây dựng nhà ở có xu hướng bão hòa; giá cả vật liệu xây dựng tăng cao, thị trường bất động sản đóng băng... dẫn đến giá trị sản xuất ngành xây dựng giảm sâu. Bên cạnh đó, tiến độ thi công các dự án chậm tiến độ do các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng vẫn chưa được tháo gỡ một cách triệt để làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của lĩnh vực xây dựng.

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn về đơn hàng, sản xuất cầm chừng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giảm 16,2% so với năm 2022.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 19.715 tỷ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm 2022. CPI bình quân năm 2023 của Đà Nẵng tăng 5,08%, chưa đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% của cả nước.

Mục tiêu và dự báo không “đá” nhau

Theo lãnh đạo Cục Thống kê, dự báo tăng trưởng GRDP năm 2024 của Đà Nẵng vẫn sẽ chưa bứt phá được như giai đoạn trước dịch Covid-19 và có thể sẽ tiệm cận ở mức 6-6,5%.

Trong khi đó, tại Kỳ họp thứ 15 Hội đồng nhân dân Đà Nẵng mới đây, lãnh đạo thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 8-8,5%. Giải thích vì sao lại có sự vênh nhau trong số liệu, đại diện Cục Thống kê cho biết, Cục dự báo dự trên tính toán số liệu thực tế của các ngành nông lâm thủy sản, xây dựng, dịch vụ vận tải, lưu trú…

“Tất cả số liệu xây dựng dựa trên nền số liệu 2023 và diễn biến, biến động của cả giai đoạn. Còn mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 8-8,5% là mục tiêu mà lãnh đạo Đà Nẵng đặt ra để các cấp, sở ban ngành, người dân cùng nhau phấn đấu. Để đạt được mục tiêu đó là khó khăn nhưng là động lực để các sở ban ngành phấn đấu”, đại diện Cục Thống kê cho hay.

Nói thêm về vấn đề này, ông Trần Văn Vũ cho biết, các đơn vị tham mưu đã xây dựng 3 kịch bản phát triển để thành phố ra quyết định, trong đó có kịch bản tăng trưởng ở mức 6-6,5%. Tuy nhiên thành phố đã lựa chọn kịch bản cao nhất đó là phương án tăng trưởng 8-8,5%.

“Đây là mục tiêu phấn đấu. Thực ra chỉ cần một vài dự án triển khai được hoặc tình hình bất động sản cải thiện thì có thể đạt được mục tiêu. Vì năm 2022, GRDP của Đà Nẵng còn tăng hơn 14% vì thế con số này có thể đạt được, không có gì mâu thuẫn hay đá nhau”, ông Vũ nói.

Diệu Thùy