Bài 1: Kinh tế số - xu hướng phát triển tất yếu

à Nội đẩy mạnh phát triển kinh tế số

Hà Nội phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%; tốc độ tăng năng suất lao động từ 7 - 7,5%; hoàn thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của TP. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế số

Thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt kinh tế của Hà Nội đã có sự thay đổi cả về chất và lượng sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính.

So với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, mặc dù Hà Nội chỉ bằng 21,2% và 1% tương ứng về diện tích nhưng TP Hà Nội đóng góp tới 47,46% và 12,59% về GRDP; 52,48% và 17,07% về thu ngân sách nhà nước; 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Kinh tế Thủ đô Hà Nội xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là một động lực phát triển quan trọng của đất nước. Từ năm 2008 đến nay, kinh tế Thủ đô luôn duy trì tăng trưởng cao hơn và đóng góp tích cực vào tăng trưởng của cả nước.

Tăng trưởng GRDP giai đoạn 2008 - 2010 đạt 9,68%/năm. Giai đoạn 2011 - 2022, GRDP bình quân đạt 6,67%/năm, tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước. Quy mô GRDP năm 2022 (theo giá cố định năm 2010) đã đạt 772,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,17 lần so với năm 2010. Thu nhập tính theo GRDP tăng lên, bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng (giá hiện hành) - khoảng 5.950 USD, gấp 1,45 lần cả nước và gấp 3,5 đến 3,8 lần so với năm 2008.

Theo số liệu của UBND TP Hà Nội vừa công bố, tăng trưởng GRDP giai đoạn 2008 - 2010 (theo quy mô chưa thay đổi) đạt 9,68%/năm. Giai đoạn 2011 - 2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh) GRDP tăng bình quân 6,67%/năm; trong đó, dịch vụ tăng 6,77%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,19%; nông nghiệp tăng 2,87%.

Riêng 6 tháng đầu năm 2023, GRDP của Hà Nội duy trì tăng 5,97% - là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng kép từ sự mất cân đối cung - cầu do xung đột Nga - Ukraine và từ tác động chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, TP Hà Nội sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, tài sản công cùng các tiềm năng, lợi thế khác để phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô Hà Nội chính là phải nắm bắt, thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế số như một xu thế tất yếu.

Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%

Tại Chương trình Chuyển đổi số của TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã xác định mục tiêu về phát triển kinh tế số, Hà Nội phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%; tốc độ tăng năng suất lao động từ 7 - 7,5%; hoàn thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của TP.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, giá trị của kinh tế số toàn TP Hà Nội chiếm trên 40% GRDP, hiện TP Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm và cấp thiết nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu vào top 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin, về chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng. Hà Nội cũng đặt mục tiêu kinh tế số phát triển mạnh mẽ; phấn đấu giá trị đạt được của kinh tế số chiếm trên 40% GRDP của TP Hà Nội. Năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm; Hà Nội là Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước".

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hòa cùng xu thế phát triển của các quốc gia trên thế giới, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ, xem đây là tiền đề, động lực quan trọng để chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Theo Kế hoạch số 239/KH-UBND của UBND TP về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu kinh tế số phát triển mạnh mẽ; phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hà Nội vào năm 2030 chiếm 40% (năm 2025 đạt 30%), tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%...

Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 18-NQ/TU); nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội.

Kế hoạch đặt ra 27 chỉ tiêu về chính quyền số với 100 nhiệm vụ, 7 chỉ tiêu về kinh tế số với 77 nhiệm vụ, 14 chỉ tiêu về xã hội số với 6 nhiệm vụ và các nhiệm vụ về nghiên cứu khoa học công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế, đo lường giám sát triển khai, giảm thiểu tác động tiêu cực của phát triển kinh tế số, xã hội số.

Về kinh tế số có 7 chỉ tiêu như đến năm 2025 tỉ trọng kinh tế số trong GRDP của TP đạt 30%; tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng trên 7%...

UBND TP Hà Nội yêu cầu tiếp tục triển khai theo hướng tổng thể, đồng bộ, bảo đảm kết nối và chia sẻ dữ liệu số theo quy định; Không phát triển các ứng dụng nhỏ lẻ, dùng riêng của một đơn vị; kế thừa các kết quả triển khai xây dựng chính quyền điện tử theo đúng quy định của TP từ giai đoạn trước.

(Còn nữa)

Kế hoạch 239 cũng đặt ra việc thử nghiệm triển khai một số dịch vụ đô thị thông minh tại một số quận, huyện. Cụ thể, kế hoạch chỉ rõ Công an TP sẽ chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên toàn TP một cách đồng bộ và hiệu quả, coi đây là một giải pháp quan trọng tạo tiền đề để chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Khánh Phong