Bắc Giang: Bảo tồn, phục dựng không gian văn hóa Soong hao của dân tộc Nùng

Hát Soong hao.

1. Giải trình tính cấp thiết của nội dung ý tưởng cần đề xuất

Mỗi dân tộc có một phong tục tập quán đặc trưng, điều này thể hiện rõ nét tại không gian sống, lao động và tập quán tín ngưỡng của họ. Tại Bắc Giang, dân tộc Nùng có nhà ở truyền thống tường đất trình, mái lợp ngói âm dương (ngói máng) và hình thức hát soong hao đặc sắc. Soong hao là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, là trí tuệ tâm hồn của dân tộc Nùng. Soong hao là hình thức hát giao duyên đối đáp, kể chuyện giao lưu, chúc tụng, đậm chất trữ tình, giàu lòng nhân ái. Dân tộc Nùng cư trú tại hai thôn: Hà và Khuôn Thần – khu du lịch Khuôn Thần, xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn – một trong những vùng đất được coi là cái nôi của soong hao vùng Đông Bắc Việt Nam, nhưng thế mạnh này chưa được khai thác kể cả lĩnh vực văn hóa lẫn du lịch.

Khi xã hội phát triển, không gian sống và các loại hình văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc đã trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Dẫn chứng cụ thể, người Việt (Kinh) vùng đồng bằng Bắc Bộ có dân ca Quan họ, miền Trung có ca Huế, đồng bằng Nam Bộ có đờn ca Tài tử. Dân tộc thiểu số, người Mông có khèn Mông, người Thái có múa sạp… cùng với những loại hình văn hóa này, các loại hình nhà rông, nhà dài, nhà sàn, nhà Việt cổ… đã trở thành sản phẩm du lịch được du khách đón nhận và tôn vinh

Nhưng không gian văn hóa soong hao tại Bắc Giang đang ngày bị mai một và có nguy cơ bị thất truyền. Nhiều nghệ nhân hát soong hao nổi tiếng một thời đã khuất núi. Nhà ở truyền thống của người Nùng tại xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn và dân tộc Nùng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện tại còn rất ít, đại đa số nhà ở của dân tộc Nùng hiện nay bị pha tạp những nét kiến trúc của dân tộc khác. Nếu không kịp khôi phục nét văn hóa truyền thống này, chúng ta sẽ bị mất đi một đặc trưng văn hóa hết sức quý báu. Khôi phục lại không gian văn hóa soong hao (không gian sinh hoạt, lao động, không gian diễn sướng, ca hát) chính là làm theo chủ chương của Nghị quyết Trung ương 5, văn hóa của dân tộc Nùng được bảo tồn, ngành du lịch Bắc Giang cũng có thêm một sản phẩm để khai thác. Điều này cũng đúng với chủ chương phát triển du lịch của tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn hiện nay.

2. Nội dung ý tưởng

Nghiên cứu bảo tồn, phục dựng không gian văn hóa soong hao (không gian sinh hoạt, không gian diễn xướng) của dân tộc Nùng tại khu du lịch Khuôn Thần, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Xây mới (hoặc chọn mô hình còn tương đối nguyên vẹn, tu bổ theo kiến trúc nhà ở truyền thống của dân tộc Nùng). Điều tra khảo sát về loại hình hát soong hao, nghệ nhân soong hao và những bài hát soong hao truyền thống. Khảo sát, điều tra đối tượng, nhóm đối tượng hiểu biết và nghiên cứu về soong hao.

Xây dựng phóng sự tuyên truyền (phim tài liệu) về văn hóa soong hao. Thành lập đội văn nghệ, câu lạc bộ hát soong hao.

3. Phương pháp triển khai thực hiện ý tưởng

Chọn hai thôn, thôn Hà và thôn Khuôn Thần có 100% đồng bào dân tộc Nùng sinh sống, nằm trong địa phận khu du lịch Khuôn Thần thực hiện dự án, tiến tới tạo thành tour du lịch cộng đồng (homstay) cho khách du lịch.

Mục tiêu ý tưởng dự án, phục dựng lại 01mô hình mẫu nhà trình tường, lợp ngói máng truyền thống và các dụng cụ lao động sản xuất, săn bắn của người Nùng (mô hình này ngoài mục đích phục vụ du lịch còn được dùng làm nơi sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc Nùng tại hai thôn Hà và Khuôn Thần). Tạo dựng tại hai thôn 02 đội văn nghệ soong hao nòng cốt. Khi du khách có nhu cầu thưởng thức văn hóa soong hao, các đội văn nghệ này có thể đáp ứng được ngay (giống như đội múa sạp ở bản Tông, bản Bó – tỉnh Sơn La).

Mục tiêu của không gian văn hóa soong hao là phải giữ đúng được hồn cốt soong hao cổ truyền. Soong hao truyền thống hát ở hội xuân (chợ vùng cao đầu năm), hát trong làng, ngoài bản, ven cánh rừng và bên bếp lửa, chứ không phải hát trên sân khấu của một số ngày hội mà mọi người vẫn xem, vừa khô cứng, vừa tẻ nhạt, không có chút hồn cốt nào của soong hao truyền thống. Ý tưởng nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phát triển văn hóa soong hao, mở rộng mô hình các đội văn nghệ soong hao trên địa bàn các huyện miền núi, vùng cao của tỉnh Bắc Giang.

4. Tính khả thi, khả năng áp dụng và nhân rộng của ý tưởng

Khu du lịch Khuôn Thần huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang. Có thể mở rộng tại các vùng có đồng bào dân tộc Nùng cư trú với số lượng lớn như các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Sơn Động.

5. Dự kiến hiệu quả (về khoa học, về kinh tế và hiệu quả xã hội) của ý tưởng khi triển khai

Khôi phục, bảo tồn được nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Nùng tại khu du lịch Khuôn Thần, xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn. Mô hình “Không gian văn hóa soong hao” sẽ trở thành điểm nhấn, thu hút du khách tới tham quan trải nghiệm, tham gia vào các tour homestay (du lịch ở nhà dân). Quảng bá nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Nùng, nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân miền núi còn nhiều khó khăn.

Có thêm các chuyên đề nghiên cứu khoa học thực tiễn về văn hóa soong hao của dân tộc Nùng tại Khuôn Thần và soong hao của các địa phương phụ cận. Tìm ra những điểm tương đồng, đặc sắc nhằm bảo tồn, phát triển.

Thành lập các đội soong hao nòng cốt tại khu du lịch Khuôn Thần. Sưu tầm, in ấn tập bài hát dân ca soong hao cổ (lời, ký âm, ảnh tư liệu). Nhân rộng việc bảo tồn văn hóa soong hao trên phạm vi toàn tỉnh.

Lấy kết quả thực tiễn của “Không gian văn hóa soong hao” kết hợp với thương hiệu vải thiều Lục Ngạn, xây dựng thành sản phẩm du lịch đặc trưng Bắc Giang.

Người đề xuất ý tưởng Lê Đức Cương, chuyên viên phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang