Bà Dương Thị Bạch Diệp lại phủ nhận chứng cứ của Agribank

Sáng 24/3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài, bà Dương Thị Bạch Diệp cùng 8 bị cáo.

Mở đầu phiên tòa, chủ tọa Phạm Lương Toản công bố các tài liệu mà Phòng Công chứng số 1 vừa chuyển đến cho HĐXX theo yêu cầu. Theo đó, tòa đã yêu cầu Phòng Công chứng số 1 xác minh hợp đồng ngày 31/12/2008.

Hợp đồng công chứng có trên hệ thống

Phòng Công chứng số 1 phản hồi rằng hợp đồng công chứng nói trên là hợp đồng thế chấp tài sản 57 Cao Thắng giữa bên thế chấp - Công ty Diệp Bạch Dương (do bà Dương Thị Bạch Diệp làm đại diện) và bên nhận thế chấp - Ngân hàng Agribank (do ông Đặng Việt Cường làm đại diện). Hợp đồng công chứng do công chứng viên Nguyễn Văn Thắng chứng nhận.

Ông Nguyễn Thành Tài bị VKS đề nghị 5-6 năm tù. Ảnh: Chí Hùng.

Phòng Công chứng số 1 cũng cung cấp cho HĐXX bản sao hợp đồng công chứng và toàn bộ giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc công chứng hợp đồng thế chấp nói trên. Phòng Công chứng số 1 có lưu đầy đủ hồ sơ tại kho lưu trữ của phòng công chứng. Bên cạnh lưu trữ hồ sơ bằng giấy tại kho lưu trữ còn lưu trữ trên hệ thống master, chương trình được Bộ Tư pháp thiết lập.

Theo văn bản cung cấp, khi công chứng, TP.HCM chưa có phần mềm công chứng lịch sử giao dịch dùng chung cho tất cả tổ chức hành nghề công chứng tại TP.HCM nên bà Diệp không tìm thấy trên hệ thống.

Trong các phiên xét xử trước, bà Dương Thị Bạch Diệp luôn cho rằng bị cáo không thế chấp tài sản 57 Cao Thắng để vay 8.700 lượng vàng. Trong phiên xét xử chiều 23/3, luật sư của Ngân hàng Agribank đã trưng ra hợp đồng công chứng nói trên cho HĐXX.

Bà Diệp muốn được xem bản chính

Nhiều lần đưa tay xin phát biểu, bà Dương Thị Bạch Dương được HĐXX cho phép trình bày để bảo vệ quyền lợi với tư cách đại diện của Công ty Diệp Bạch Dương.

"Tôi rất run nhưng sẽ cố gắng bình tĩnh. Dù mức án dành cho tôi có như thế nào, tôi cũng sẽ thanh thản, không hổ thẹn. Trước khi nhận phán quyết liên quan tới sinh mạng tôi, cho phép tôi được trình bày", bà Diệp mở đầu.

Bà gửi lời xin lỗi tới những bị cáo có liên quan đang ngồi tại tòa, mong được thông cảm vì bà không hề cố ý. "Tôi cũng là người bị hại", bị cáo nói.

Bà Diệp cho rằng Công ty Diệp Bạch Dương mua tài sản 57 Cao Thắng là có thật, sao y chủ quyền là thật, toàn bộ tài liệu cung cấp cho cơ quan điều tra là thật. Một số luật sư trong vụ án cho rằng việc hoán đổi nhà đất là mua bán thị trường, "tiền trao cháo múc" nhưng bà cho rằng sự thật không phải vậy.

Theo bị cáo, thời gian hoán đổi kéo dài 5 năm, Công ty Diệp Bạch Dương chưa nhận được gì từ Nhà nước, thiệt hại nhiều thứ nhưng vẫn mong hoán đổi cho xong. Trong 5 năm đó, những người có thẩm quyền có quyền thẩm tra, rà soát việc hoán đổi để tham mưu UBND TP quyết định cho hoán đổi hay không. Công ty Diệp Bạch Dương chỉ đề xuất, không có quyền quyết định.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp bị đề nghị án chung thân. Ảnh: Chí Hùng.

"Quy trình hoán đổi theo sự chỉ đạo của Nhà nước. Tôi nhiều lần không muốn việc hoán đổi diễn ra nên không có ý đồ lừa đảo gì. Thời gian hoán đổi tới 5 năm, quá dài, họ có dư thời gian để kiểm tra Công ty Diệp Bạch Dương có thế chấp hay không. Vì vậy, không thể nói là việc đã rồi vì UBND TP có quyền không cho hoán đổi nữa. 5 năm chứ không phải 5 giờ, 5 ngày hay 5 tháng", bị cáo Diệp phát biểu.

Bà Diệp lập luận rằng tài sàn 57 Cao Thắng đã được thế chấp tất toán khoản vay 14.000 lượng và đã trả hết nợ. Nhà đất này không có nghĩa vụ bảo đảm cho bất kỳ khoản vay nào khác.

Bà đề nghị chính bà phải được xem bản chính hợp đồng công chứng thế chấp nhà 57 Cao Thắng chứ không phải chỉ có luật sư của bà được xem.

"Tôi muốn được xem 5 bản chính của hợp đồng thế chấp này và giấy nhận nợ 8.700 lượng do chính tay tôi viết và ký. Đó là sinh mạng của tôi, danh dự của tôi và gia đình", bị cáo Diệp nói.

Trong phần tranh luận, luật sư bảo vệ quyền lợi cho Agribank viện dẫn quy định ngân hàng có trách nhiệm bảo quản giấy tờ và tài sản thế chấp, giữ bản chính chứng minh quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất.

Về điều này, bà Diệp cho rằng luật sư đang viện dẫn quy định chung của ngân hàng. Trong khi đó, tài sản 57 Cao Thắng do Công ty Diệp Bạch Dương tự nguyện đem thế chấp nên hoàn toàn khác.

"Những chứng từ mà Agribank cung cấp mới đây cho phép tôi nói là giả mạo. Bộ Công an đã bắt nhiều đối tượng làm giả giấy tờ. Việc này quá dễ dàng khi muốn hại một người", bị cáo tiếp tục tranh luận.

Bà Diệp nói trong việc hoán đổi tài sản 57 Cao Thắng với 185 Hai Bà Trưng, công ty của bà không lừa đảo. Còn việc bà thế chấp 185 Hai Bà Trưng cho Sacombank khi không thông báo cho Agribank là sai. Song, quá trình thế chấp là hợp pháp. Bà Diệp cho rằng việc thế chấp này Agribank đã kiểm tra từ 2013 và không hề có ý kiến gì.

"Trong 5 năm đó họ biết tôi đã thế chấp và có quyền khiếu kiện tôi từ năm 2013 chứ không phải chờ đến 2017. Tôi thế chấp với Sacombank là công khai, giấy tờ không giả mạo... Tôi bị VKS đề nghị án chung thân. Đây là những chứng cứ buộc tội tôi, không cho tôi xem bản chính là không hề công bằng, sẽ làm vụ án sai lệch", bà tiếp tục đề nghị HĐXX cho phép bà được xem bản chính hợp đồng.

Hoài Thanh