75 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền: Giá trị chung cao đẹp, tầm nhìn tương lai (Phần I)

Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết do Việt Nam đề xuất và soạn thảo về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna. (Ảnh: QT)

Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền ên hợp quốc (HĐNQ) về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (TNQTNQ) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna do Việt Nam đề xuất và soạn thảo đã được Khóa họp 52 HĐNQ thông qua bằng đồng thuận ngày 3/4/2023.

Thước đo chung cho tất cả các dân tộc

TNQTNQ được ĐHĐ LHQ thông qua vào ngày 10/12/1948 tại Paris, Pháp. Việc soạn thảo Tuyên ngôn này được thực hiện từ năm 1947-1948 theo quyết định của Ủy ban nhân quyền của LHQ (tiền thân của HĐNQ được thành lập năm 2006), với sự đóng góp của nhiều nhà luật học, nhà ngoại giao từ nhiều nước thuộc các khu vực khác nhau trên thế giới, bao gồm một số đại biểu nữ.

Nội dung TNQTNQ được ĐHĐ LHQ công bố là thước đo chung cho tất cả các dân tộc, quốc gia đánh giá việc thực hiện quyền và tự do cơ bản của con người là các quyền tự nhiên, sao cho mỗi cá nhân và đoàn thể xã hội luôn ghi nhớ Tuyên ngôn này, nỗ lực thúc đẩy sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người thông qua truyền bá và giáo dục, và bằng những biện pháp trên bình diện quốc gia và quốc tế phấn đấu bảo đảm sự thừa nhận và thực thi một cách hiệu quả trên toàn cầu các quyền và tự do này cho mọi người dân ở các quốc gia thành viên LHQ và các lãnh thổ thuộc quyền quản lý của mình (ghi nhận tại Lời mở đầu TNQTNQ).

"TNQTNQ là văn kiện quốc tế toàn cầu đầu tiên và nền móng của luật quốc tế về nhân quyền, cùng với sự ra đời các điều ước quốc tế được xây dựng sau đó quy định cụ thể về các quyền con người được thừa nhận rộng rãi trên thế giới".

TNQTNQ hiện nay đã được dịch sang 555 thứ tiếng và đang tiếp tục được dịch sang các thứ tiếng khác nhằm tăng cường phổ biến, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

TNQTNQ bao gồm 30 Điều, trong đó ghi nhận các quyền cơ bản của con người là các quyền tự nhiên, bao gồm các quyền nhân thân như: quyền sống, tự do, bình đẳng, không bị phân biệt đối xử; quyền không bị bắt làm nô lệ; quyền không bị tra tấn; quyền bình đẳng trước pháp luật; quyền an sinh xã hội, tiêu chuẩn sống xứng đáng, quyền được chăm sóc của bà mẹ và trẻ em... Đồng thời, TNQTNQ cũng giới hạn các quyền, tự do, nêu nghĩa vụ của cá nhân đối với xã hội và cấm lạm dụng các quyền, tự do vào mục đích trái với những mục tiêu và tôn chỉ của LHQ.

TNQTNQ là văn kiện quốc tế toàn cầu đầu tiên và nền móng của luật quốc tế về nhân quyền, cùng với sự ra đời các điều ước quốc tế được xây dựng sau đó quy định cụ thể về các quyền con người được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, bao gồm 9 Công ước cơ bản: Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965 (CERD), Công ước về các quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 (ICCPR), Công ước về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa năm 1966 (ICESCR); Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt với phụ nữ năm 1979 (CEDAW), Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (1984), Công ước về quyền trẻ em (1989), Công ước về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình của họ (1990), Công ước về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị cưỡng bức mất tích (2006), Công ước về quyền của người khuyết tật (2007).

TNQTNQ có tầm nhìn tương lai và giá trị cao đẹp, là sự thể hiện ý chí của các nước thành viên LHQ tôn trọng và thực hiện các quyền con người. TNQTNQ đã khẳng định những giá trị căn bản và không thể xâm phạm của con người, đã tạo ra nền tảng cho luật quốc tế về nhân quyền và hướng dẫn cho các nước và nhân loại hướng đến một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển.

Sau 75 năm ra đời, TNQTNQ được các quốc gia trên thế giới và cộng đồng quốc tế tiếp tục thừa nhận là văn kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với việc thừa nhận và bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới, như được khẳng định tại lời nói đầu của Nghị quyết kỷ niệm nêu trên của HĐNQ đầu năm nay.

Một Tuyên ngôn đi vào cuộc sống

TNQTNQ có ý nghĩa và tác động to lớn và rộng khắp thúc đẩy sự phát triển khung khổ pháp luật quốc tế, quốc gia, các thể chế, chương trình nghị sự quốc tế và quốc gia, cũng như thực tiễn thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới. Có thể kể đến những thành tựu lớn nổi bật sau đây:

TNQTNQ đã thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện khung khổ luật quốc tế cũng như pháp luật quốc gia, các cơ chế về quyền con người, cụ thể hóa và phát triển nội hàm của các quyền con người trên nhiều lĩnh vực nhằm bảo vệ các quyền cụ thể của con người nói chung và quyền của các nhóm dễ tổn thương, như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người di cư…

Ở cấp độ quốc tế, hàng loạt các điều ước quốc tế về quyền con người được xây dựng bao gồm các Công ước, Nghị định thư, tạo thành khuôn khổ pháp lý quốc tế cho việc thực hiện các quyền con người trong các lĩnh vực trên toàn cầu; khơi dậy phong trào đấu tranh cho giải phóng các dân tộc thuộc địa, phong trào xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thúc đẩy công bằng xã hội; thúc đẩy tạo ra hệ thống các cơ chế quốc tế về nhân quyền, bao gồm các cơ quan, cơ chế và tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.

Các nước đã đạt được những thành tựu to lớn trong thực hiện các quyền con người trên hàng loạt lĩnh vực ở khắp thế giới, như được ghi nhận tại TNQTNQ và các điều ước quốc tế liên quan, góp phần cải thiện nhiều về mức sống, sức khỏe, giáo dục, lao động, an sinh xã hội của mọi người trên thế giới.

Quyền con người là một trong ba trụ cột của LHQ cùng với hòa bình, an ninh và phát triển; đã trở thành một trọng tâm trong đối thoại toàn cầu về hòa bình, an ninh và phát triển. Đã có nhiều chính sách, chương trình, hoạt động của các cơ quan nhà nước, LHQ và các tổ chức quốc tế chuyên môn và cả các tổ chức phi chính phủ, trong việc cải thiện điều kiện sống, nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người dân. Trong đó, một trong những điểm nổi bật là việc Lãnh đạo các Chính phủ các nước tại ĐHĐ LHQ đã thông qua các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ MDGs hướng tới năm 2015 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) hướng tới năm 2030 (Chương trình nghị sự 2030 của LHQ).

Cần nhấn mạnh rằng, việc triển khai cũng như các thành tựu MDGs trước đây và SDGs hiện nay có sự gắn bó khẳng khít, chặt chẽ với việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trên thực tế…

Tuy vậy, TNQTNQ vẫn còn có điểm hạn chế, gây khó khăn nhất định trong việc thực hiện, có thể kể đến việc TNQTNQ không có tính ràng buộc pháp lý và không có cơ chế thi hành hiệu quả. Do đó, việc tuân thủ TNQTNQ phụ thuộc vào ý chí và cam kết tự nguyện của từng quốc gia, cũng như cam kết cụ thể của quốc gia tại điều ước quốc tế có liên quan. TNQTNQ chưa phản ánh hết được sự đa dạng và phong phú của các giá trị, quan điểm và truyền thống về quyền con người trên thế giới.

Bên cạnh đó, một số quyền mới được thúc đẩy gần đây thông qua các tuyên bố chính trị quốc tế hoặc trong hệ thống pháp luật các nước, như quyền của người LGBT (đồng tính nam, đồng tình nữ, song giới tính hoặc chuyển giới), quyền sống trong môi trường lành mạnh… Việc ghi nhận những quyền này bổ sung cho TNQTNQ là đòi hỏi tất yếu của thực tế tình hình thế giới 75 năm qua cũng như giai đoạn tới, nhằm phản ánh sự đa dạng và phong phú, cũng như sự phát triển của các quyền con người.

Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk phát biểu khai mạc Khóa họp 54 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ. (Nguồn: AFP)

Còn thách thức, còn cần nỗ lực

Sau 75 năm thông qua TNQTNQ, quyền con người được ghi nhận là một trong những giá trị cốt lõi của loài người và là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một quốc gia và khu vực.

Những vấn đề chung về quyền con người đặt ra với các nước có thể kể đến các vấn đề lớn nhất đặt ra hiện nay trên thế giới như sau:

Thứ nhất, sự khác biệt trong nhận thức về chuẩn mực quyền con người còn tồn tại giữa các nước, nhóm nước, khu vực, kể cả trong người dân trong phạm vi quốc gia, chủ yếu do khác biệt về trình độ phát triển kinh tế-xã hội, các vấn đề lịch sử, chính trị, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, do đó dẫn đến những quan điểm và thực tiễn, ưu tiên khác nhau về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Điều này đòi hỏi các nước cần hoàn thiện chính sách, pháp luật, giáo dục, phổ biến quyền con người trên cơ sở TNQTNQT và Công ước quốc tế có liên quan…

Thứ hai, các thách thức cấp bách toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, chiến tranh, xung đột, khủng bố, dịch bệnh, di dân, mua bán người, an ninh mạng, an ninh thực phẩm, an ninh sinh học… làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, không công bằng nhất là trong tiếp cận vaccine và thiết bị y tế, khoảng cách về công nghệ số, đã và đang ảnh hưởng lớn đến việc thụ hưởng quyền con người của hàng triệu người trên thế giới, cả về sinh mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự…

Thứ ba, thách thức, nguy cơ tiềm ẩn về vi phạm quyền con người trong bối cảnh phát triển công nghệ tiên tiến như công nghệ thông tin, kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, sự thay đổi của các xu hướng và yêu cầu mới về quyền con người, mặc dù những phát triển công nghệ tiên tiến mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cho con người… đòi hỏi các nước và tổ chức quốc tế phải có những chính sách và biện pháp để điều tiết, quản lý, cân bằng các lợi ích liên quan và bảo đảm quyền con người.

Thứ tư, hoạt động chống phá lợi dụng vấn đề nhân quyền của các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, cực đoan, thông qua việc đưa ra các báo cáo với thông tin sai lệch, làm giảm uy tín đối với thành quả tiến bộ quyền con người mà nhiều nước đang phát triển phải rất nỗ lực để đạt được. Những hoạt động này đã phần nào tác động tiêu cực đến nhận thức của cộng đồng quốc tế về nỗ lực bảo đảm quyền con người của các nước đang phát triển.

Thứ năm, nhận thức và năng lực thực thi thúc đẩy và bảo vệ quyền con người còn có hạn chế nhất định trong việc thực thi quy định của pháp luật, chính sách, chương trình kinh tế-xã hội và văn hóa, nhất là đối với các nhóm dân cư dễ bị tổn thương ở các địa phương, quốc gia, đòi hỏi cần được tiếp tục nâng cao, củng cố để bảo đảm thực hiện hiệu quả hơn.

Bên cạnh các vấn đề thách thức chung về nhân quyền, còn có một số vấn đề riêng cụ thể về quyền con người đặt ra ở một số nước, khu vực trên thế giới. Thách thức về các điểm nóng về nhân quyền do khủng hoảng chính trị, xung đột vũ trang, bạo lực, khủng bố, trong đó các nước còn có quan điểm khác biệt về đánh giá và giải pháp khắc phục. Ví dụ như tình hình nhân quyền ở Myanmar, Sri Lanka và ở một số nước khác vẫn chưa chấm dứt đòi hỏi các quốc gia, tổ chức khu vực liên quan và HĐNQ, LHQ cần nỗ lực tích cực phối hợp hơn nữa tìm kiếm giải pháp thích hợp để giúp giải quyết triệt để, cải thiện tình trạng quyền con người ở những điểm nóng.

TS. Lê Thị Tuyết Mai