7 cuốn sách về quan hệ quốc tế nên đọc trong năm mới

1. Cuốn “Đế chế ngầm”

Underground Empire (tạm dịch: Đế chế ngầm) kể câu chuyện về cách Mỹ sử dụng thời điểm thế giới đơn cực để kìm kẹp nền kinh tế quốc tế, khiến hầu hết các quốc gia không thể trao đổi thương mại với nhau mà không sử dụng hệ thống thanh toán hoặc cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Mỹ. Trật tự thế giới, từng được xác định bởi nhiều khối đối đầu, do đó đã trở thành đồng nghĩa với sức mạnh của Mỹ.

Nhưng đế chế không tự do. Các tác giả Farrell và Newman lưu ý việc Washington liên tục sử dụng các biện pháp trừng phạt và các công cụ gián điệp có nguy cơ khiến các quốc gia khác xa lánh và có khả năng làm sụp đổ hệ thống quốc tế như chúng ta đã biết. Cuốn sách của họ là một lời nhắc nhở về những chi phí tiềm tàng của việc tiếp cận quá mức và là một cuốn sách phải đọc đối với bất kỳ ai quan tâm đến đại chiến lược và tương lai của thương mại toàn cầu. Độc giả có thể kết hợp cuốn này với “Chip War” (tạm dịch: Chip chiến) của Chris Miller, một cuốn sách bán chạy nhất năm 2022 bàn về nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì vị trí số 1 thế giới trong lĩnh vực công nghệ chip.

2. Cuốn “Đại ảo tưởng: Sự trỗi dậy và sụp đổ tham vọng của Mỹ ở Trung Đông”

Quan sát tình hình đáng lo ngại ở Trung Đông ngày nay, thật khó để không đặt câu hỏi: Làm thế nào các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thiện chí lại có thể hiểu sai về khu vực này đến vậy? Trong “Grand Delusion: The Rise and Fall of American Ambition in the Middle East” (Đại ảo tưởng: Sự trỗi dậy và sụp đổ tham vọng của Mỹ ở Trung Đông), tác giả Steven Simon, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Viện Quincy, lập luận rằng hầu hết những sai lầm của chúng ta đều bắt nguồn từ sự không phù hợp giữa mục tiêu đầy tham vọng và nguồn lực (phương tiện) hạn chế, cộng thêm niềm tin rằng “sự thật không quan trọng, chỉ có ý định mới quan trọng”. Cuốn sách hấp dẫn này càng trở nên có sức thuyết phục hơn vì tác giả từng có nhiều năm làm việc cho chính phủ Mỹ, bao gồm cả vị trí cấp cao trong chính quyền Clinton và Obama. Giai đoạn đó, Simon đã ủng hộ nhiều chính sách mà giờ đây ông rất hối hận.

Simon bày tỏ cảm giác tức giận rõ ràng trước cách hành xử không đúng mực của Mỹ ở Trung Đông trong suốt 4 thập kỷ, khi ông dành một chương cho mỗi vị tổng thống trong số 8 vị tổng thống gần đây nhất của Mỹ - mô tả tất cả bọn họ đều có cách riêng để biến khu vực này trở nên tồi tệ hơn so với thời điểm họ nhậm chức. Cuốn sách của ông là một cuốn sách phải đọc đối với những ai muốn hiểu chính sách của Mỹ đã sai ở đâu - và làm thế nào để có thể làm tốt hơn vào lần tới.

3. Cuốn “Sổ tay về Trung Quốc mới”

Ngày nay, hầu hết các cuốn sách xuất bản bằng tiếng Anh viết về Trung Quốc đều bắt đầu với thái độ hoài nghi sâu sắc. Nhưng cuốn “The New China Playbook” (Sổ tay về Trung Quốc mới)thì khác. Được viết bởi một nhà kinh tế học ở London có cha là một quan chức nổi tiếng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cuốn sách đưa ra một cái nhìn nghiêm khắc nhưng đồng cảm về sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Công trình của Keyu Jin cung cấp những hiểu biết quan trọng về sự cân bằng phức tạp và đôi khi đáng ngạc nhiên mà nền kinh tế Trung Quốc đã tạo ra giữa các hệ thống khác nhau. Tác giả kêu gọi chúng ta hình dung một tương lai hợp tác thay vì xung đột.

Một nhà phê bình kết luận rằng cuốn sách của Keyu Jin đưa ra một góc nhìn sâu sắc về Trung Quốc mà bạn sẽ không tìm thấy ở bất kỳ cuốn sách nào khác.

4. Cuốn “Chiến thắng trên biển: Sức mạnh hải quân và sự thay đổi trật tự toàn cầu trong Chiến tranh Thế giới II”

Liệu danh sách những cuốn sách về chính sách đối ngoại phải đọc có thể hoàn thiện nếu không có một cuốn sách viết về Chiến tranh Thế giới thứ hai? Mở đầu cuốn “Victory at Sea: Naval Power and the Transformation of the Global Order in World War II” (tạm dịch: Chiến thắng trên biển: Sức mạnh hải quân và sự thay đổi trật tự toàn cầu trong Chiến tranh Thế giới II)là cái nhìn bao quát, nhưng lật những trang tiếp theo viết về các hoạt động hải quân trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, bạn sẽ hiểu tác giả - nhà sử học quân sự lỗi lạc Paul Kennedy – đánh giá đây là cuộc chiến vĩ đại nhất thế kỷ. Cuốn sách của Kennedy, trong đó có những tranh minh họa của họa sĩ Ian Marshall, ghi lại sự sụp đổ của các cường quốc cũ và sự trỗi dậy của những cường quốc mới, trước hết là Mỹ.

Những độc giả có kiến thức nền hạn chế về lịch sử hải quân không nên sợ cuốn sách này, tác phẩm ít đề cập chi tiết của từng trận chiến mà nói về các xu hướng địa chính trị đang hình thành vào thời điểm đó. Một số nhà phê bình đã lưu ý những sai sót nhỏ xuất phát từ một số nguồn cung cấp ít đáng tin cậy hơn, nhưng nhìn chung, “Victory at Sea” là một cái nhìn tổng quan hữu ích và mang tính khiêu khích về một thời điểm quan trọng trong lịch sử quân sự.

5. Cuốn “Một ngày trong cuộc đời của Abed Salama”

“A Day in the Life of Abed Salama” (tạm dịch: Một ngày trong cuộc đời của Abed Salama) bắt đầu bằng một cơn ác mộng: Một chiếc xe tải đâm vào xe buýt chở học sinh mẫu giáo ở Jerusalem, khiến một giáo viên và 6 đứa trẻ thiệt mạng. Nhiều người sống sót đã phải chịu những vết sẹo bỏng làm thay đổi cuộc đời.

Cuốn sách của Nathan Thrall kể câu chuyện về người cha của một trong những đứa trẻ đó. Tác giả thuật lại những nỗ lực tuyệt vọng của Salama để tìm con trai mình, một cuộc chiến giằng xé nội tâm càng trở nên khó khăn hơn bởi thực tế là cư dân của Jerusalem suốt đời không thể vào các khu vực do người Do Thái kiểm soát trong thành phố một cách hợp pháp.

Cuốn sách dựa trên một bài tiểu luận năm 2021 đăng trên tạp chí New York Review of Books, trong đó Thrall đan xen những câu chuyện về vụ tai nạn với một khóa học cấp tốc về lịch sử của Jerusalem. Không gian rộng hơn cho phép Thrall đi sâu hơn vào cuộc sống của Salama, trong đó mọi thứ từ cuộc hôn nhân đến việc nuôi dạy con cái đều được định hình bởi thực tế tàn khốc của cuộc sống dưới sự chiếm đóng. Khi chiến tranh hoành hành ở Gaza, cuốn sách này đưa ra một bằng chứng cảm động về cuộc sống ở dải đất nằm giữa sông Jordan và biển Địa Trung Hải.

6. Cuốn “Đưa nước Nga đi đúng hướng”

Một số tài liệu cho rằng Mỹ và Nga là kẻ thù tự nhiên, chấp nhận chiến đấu cho đến khi một bên giành chiến thắng. Những tài liệu khác đổ lỗi cho quốc gia này hay quốc gia kia về một danh sách dài các tội lỗi khiến việc hợp tác trở nên bất khả thi sau khi Liên Xô tan rã hồi thập kỷ 90 thế kỷ XX. Nhưng “Getting Russia Right” (Đưa nước Nga đi đúng hướng) không như vậy.

Thomas Graham kết hợp chủ nghĩa hiện thực nhạy cảm với chủ nghĩa thực dụng cứng rắn của một nhà hoạch định chính sách lâu năm, dựa trên kinh nghiệm phong phú của chính ông cả trong chính phủ và giới học thuật. Theo ông, các yếu tố mang tính cấu trúc - chủ yếu là sự khác biệt trong cách mỗi bên nhìn nhận vị trí của Nga trên thế giới - kết hợp với một loạt quyết định thiếu thận trọng của cả hai bên dẫn đến mối quan hệ song phương tồi tệ hiện nay.

Bằng cách nhấn mạnh sự can thiệp của cả Washington và Moscow, “Getting Russia Right” lập luận rằng những quyết định sáng suốt hơn thực sự có thể dẫn đến những kết quả tốt hơn. Và Graham, theo phong cách điển hình của ông, đưa ra một loạt khuyến nghị rõ ràng và cụ thể để khuyến khích sự thay đổi đó. Cuốn sách tương đối ngắn nhưng là cuốn sách cần đọc đối với những ai cảm thấy Chiến tranh Lạnh là quá đủ.

7. Cuốn “Tranh chấp chính trị: Tính đảng phái đã phá hỏng chính sách đối ngoại của Mỹ như thế nào”

Có một sự thật hiển nhiên rằng khi các chính trị gia Mỹ tham gia trò chơi đảng phái trong các vấn đề đối nội, những cuộc tranh cãi nhỏ nhặt như vậy lại nhường chỗ cho sự đoàn kết mong manh. Cuốn “Beyond the Water’s Edge” (tạm dịch: Tranh chấp chính trị: Tính đảng phái đã phá hỏng chính sách đối ngoại của Mỹ như thế nào) phá bỏ điều hư cấu này, chỉ ra rằng lợi ích đảng phái thường lấn át những phân tích tỉnh táo của các quan chức yêu nước. Theo tác giả Paul R. Pillar, hiện tượng này dẫn đến những cuộc chiến tranh kéo dài không cần thiết và làm xói mòn nền dân chủ Mỹ ngay ở trong nước.

Mặc dù chủ yếu tập trung bối cảnh vào 3 thập kỷ qua, Pillar đôi khi cũng ngược dòng lịch sử Mỹ sâu hơn để lý giải cách các quan chức đã vượt qua xu hướng đó. Cựu quan chức tình báo và hiện là học giả không thường trú tại Viện Quincy đã đề xuất nhiều chính sách nhằm giảm ảnh hưởng của đảng phái đối với chính sách đối ngoại, nhưng ông cũng cho rằng việc thực hiện chúng rất khó khả thi. Không ngạc nhiên khi Francis Fukuyama mô tả luận thuyết mỏng manh này là một “lời cảnh báo đáng lo ngại”.

Chi Anh

Theo RS