Xử lý nghiêm trường hợp khai thác thủy sản tận diệt

Tình trạng đánh bắt cá bằng đăng chắn vẫn còn khá phổ biến trên hồ Trị An. Ảnh: Bình Nguyên

Mục đích của kế hoạch này nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả và xử lý nghiêm các vi phạm khai thác thủy sản tận diệt.

* Vận động người dân hưởng ứng

Nói về nạn khai thác thủy sản tận diệt trên hồ Trị An, ông Nguyễn Trung Hậu, nông dân nuôi cá bè tại sông La Ngà (H.Định Quán) cho biết, tình trạng sử dụng chà, đăng chắn giăng khắp ven bờ hồ Trị An ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Ông Hậu dẫn chứng, mỗi khi mưa gió, bè cá ở khu vực gần bờ rất sợ bị vướng vào cọc tre của đăng chắn làm rách lưới gây thiệt hại, thất thoát cá. Khi di chuyển bè cá, chủ bè sợ nhất việc đụng vào cọc tre của người làm các nghề đánh bắt thủy sản (nghề te, nghề đăng) làm rách lưới, thất thoát cá. Nạn đánh bắt thủy sản tận diệt, nhất là tình trạng rà điện gần khu vực nuôi gây tác hại không nhỏ đến môi trường sinh trưởng của cá cũng như nguồn lợi chung về thủy sản cho các ngư dân khác sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản.

Làm nghề te trên sông La Ngà (H.Định Quán), ông Nguyễn Văn Khiêm chia sẻ: “Gia đình tôi đã làm nghề này nhiều năm, nay chuyển đổi nghề sẽ ảnh hưởng đến sinh kế gia đình cũng như nhiều bà con làm nghề này. Tuy nhiên, nghề này làm tận diệt nguồn thủy sản thì chúng tôi sẽ tuân thủ quy định của Nhà nước, nhưng mong được hỗ trợ trong chuyển đổi nghề”.

Sau khi kế hoạch được ban hành, toàn tỉnh sẽ cấm việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc; nghề, ngư cụ cấm gồm: nghề lồng xếp, nghề đăng, đáy, te, xiệp, xịch, xăm để khai thác thủy sản và các hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động sẽ được tập trung triển khai để người dân bỏ nghề cấm đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo đó, sau khi kế hoạch được ban hành, công tác tuyên truyền, vận động người dân sẽ được tổ chức thường xuyên, liên tục, sâu rộng. Phương thức tuyên truyền sẽ được tổ chức đa dạng, linh hoạt; nội dung tuyên truyền ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ để người dân tự giác, tự nâng cao ý thức chấp hành.

Ghe te là một trong những ngư cụ bị cấm sử dụng trong đánh bắt thủy sản. Ảnh: Bình Nguyên

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động còn để người dân tích cực giao nộp các chất nổ, chất độc, xung điện và ngư cụ bị cấm; cam kết không kinh doanh, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản; tham gia đấu tranh, tố giác các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật thủy sản.

* Xử lý nghiêm vi phạm

Để lập lại trật tự, kỷ cương trong các hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh, kế hoạch trên cũng nêu rõ sẽ thực hiện kiểm tra, kiểm soát đồng loạt trên phạm vi cả tỉnh đối với các hoạt động khai thác thủy sản. Trong quá trình kiểm tra sẽ có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng liên ngành từ tỉnh đến các huyện, thành phố nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước.

Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát việc phát hiện, xử lý vi phạm trong đánh bắt thủy sản. Các địa phương sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, thực hiện công tác quản lý, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. UBND cấp xã được giao trách nhiệm kiểm tra, xử phạt theo thẩm quyền.

Lực lượng Công an tỉnh được giao trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản tại vùng nước nội đồng gồm: ao, hồ, ruộng nước, kênh mương, sông, suối. Bố trí phương tiện và nhân sự tham gia đoàn kiểm tra liên ngành tại các khu vực hồ Trị An, sông Đồng Nai và rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch. Lực lượng công an phải chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin, phát hiện, xác minh, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ nghề cấm.

Tỉnh sẽ thành lập đường dây nóng từ cấp tỉnh đến các địa phương để tiếp nhận thông tin phản ánh và phối hợp xử lý tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Bình Nguyên