Xử lý dứt điểm vướng mắc phát sinh kịp thời hoàn thuế cho doanh nghiệp

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Phương Anh

Đã hoàn gần 130 tỷ đồng tiền thuế

Báo cáo tại hội nghị triển khai công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) vừa được Tổng cục Thuế tổ chức, Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế thuế Lê Thị Duyên Hải cho biết, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Thuế đã khẩn trương, thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác giải quyết hoàn thuế GTGT.

Cụ thể, trong năm 2023, Tổng cục Thuế đã ban hành quy trình hoàn thuế mới; ban hành bộ tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế; khẩn trương nâng cấp, hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo tự động hóa trong khâu phân loại hồ sơ hoàn thuế, điện tử hóa các bước giải quyết hồ sơ hoàn thuế... Từ đó, toàn ngành đẩy nhanh giải quyết hồ sơ hoàn thuế cũng như kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa rủi ro trong quản lý hoàn thuế và nhiều văn bản chỉ đạo cơ quan thuế các cấp đẩy mạnh công tác hoàn thuế GTGT, tránh tình trạng chậm muộn hoàn thuế, cũng như kiểm soát chặt chẽ, phát hiện kịp thời các hành vi gian lận, trục lợi ngân sách nhà nước.

Bằng việc quyết liệt, khẩn trương của cơ quan thuế các cấp, công tác quản lý hoàn thuế GTGT đã có chuyển biến tích cực. Thống kê hết tháng 11/2023, ngành Thuế đã ban hành 16.851 quyết định, tương ứng số thuế đã hoàn 128.488 tỷ đồng, bằng 80,3% số ước thực hiện đã báo cáo Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Trong đó, 15.250 quyết định hoàn thuế cho xuất khẩu, với tổng số tiền được hoàn 107.159 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 83,4% tổng số đã hoàn; hoàn cho dự án đầu tư 845 quyết định, với tổng số tiền được hoàn 20.840 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,2% tổng số đã hoàn, bằng 149,5% so với cùng kỳ; hoàn cho trường hợp khác 756 quyết định, với tổng số tiền được hoàn 488 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,4% tổng số đã hoàn, bằng 118,6% so với cùng kỳ. Các hồ sơ phân loại hoàn trước, kiểm sau là 12.215 hồ sơ (chiếm tỷ trọng 72,5% tổng hồ sơ đã hoàn), tương ứng số thuế đã hoàn 72.612 tỷ đồng.

Rà soát, báo cáo vướng mắc cùng tháo gỡ khó khăn

Theo bà Lê Thị Duyên Hải, mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu rất tích cực nhưng theo phản ánh từ các địa phương, công tác hoàn thuế GTGT vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông Thái Minh Giao - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, cho biết theo quy định, thời hạn để giải quyết hồ sơ kiểm tra trước, hoàn thuế sau là 40 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế (NNT). Đối với các hồ sơ kiểm tra trước khi hoàn phải thực hiện công tác xác minh hóa đơn, nguồn gốc của hàng hóa mua vào đến khâu cuối cùng làm căn cứ để xác định số thuế được hoàn.

Tuy nhiên, trong quá trình xác minh đầu vào phát sinh vướng mắc tại thời điểm hoàn thuế, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa F1, F2, F3…, ở trạng thái NNT hoạt động, công ty đề nghị hoàn thuế cung cấp đầy đủ hồ sơ, sổ sách, chứng từ chứng minh việc mua bán hợp pháp. Song đến thời điểm cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra xác minh theo quy định, thì doanh nghiệp đầu vào ở trạng thái không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh.

“Còn đối với các hồ sơ hoàn thuế của các ngành hàng có rủi ro trong xuất khẩu (tinh bột sắn; mùn cưa, linh kiện điện tử, cao su…), việc xác minh doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của cơ quan thuế quản lý NNT có liên quan. Do khâu mua bán và xuất khẩu cuối cùng thường không ở vùng nguyên liệu và phải chờ xác minh từ cơ quan thuế khác nên mất thời gian, khó đảm bảo thời gian hoàn thuế đúng quy định. Ngoài ra, một số trường hợp cục thuế phải dừng hoàn thuế trong trường hợp qua công tác thanh tra, kiểm tra cơ quan thuế phát hiện NNT có dấu hiệu vi phạm pháp luật và đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra, hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu giữ sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ liên quan, cũng dẫn đến việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế chậm” - ông Thái Minh Giao thông tin.

Cục trưởng Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu Đoàn Minh Dũng phản ánh, do cơ quan thuế chưa có chức năng điều tra chống gian lận thuế, nên việc thu thập thông tin tài liệu, để làm rõ bản chất giao dịch giữa các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dẫn đến rủi ro trong giải quyết hoàn thuế.

“Bên cạnh đó, việc xác minh hóa đơn và chờ kết quả xác minh từ các đơn vị khác gửi về còn rất chậm. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra thuế có phát sinh nhiều vướng mắc về chính sách, phải xin ý kiến ở nhiều đơn vị có liên quan, nên không đảm bảo được thời gian theo yêu cầu. Hay việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với trường hợp xuất khẩu gặp khó khăn do trong quá trình tra cứu tờ khai hải quan số lượng tờ khai nhiều, trong khi hệ thống chỉ cho tra cứu theo từng tờ khai, nên cán bộ xử lý mất nhiều thời gian để rà soát bảng kê danh sách tờ khai đã thông quan” - ông Đoàn Minh Dũng nói.

Ghi nhận kết quả triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế và ý kiến phán ánh từ các địa phương, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho rằng, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là kết thúc năm, trong khi số lượng hồ sơ hoàn thuế tồn đọng tại một số cục thuế còn khá lớn. Theo đó, các cục thuế cần nâng cao tính chủ động trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế; rà soát báo cáo với Tổng cục Thuế các hồ sơ còn vướng mắc đang tồn đọng tại các cục thuế.

Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn yêu cầu, cục trưởng các cục thuế cần bám sát Công điện 07/CĐ-TCT và các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Thuế, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, từng cán bộ quản lý, giúp giảm số hồ sơ, cũng như số tiền còn treo chưa hoàn được và báo kịp thời những vướng mắc phát sinh.

Phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp để giải quyết hoàn thuế

Cơ quan thuế các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng để giải quyết ngay những “điểm nóng” về công tác hoàn thuế GTGT, qua đó nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý hoàn thuế GTGT, góp phần tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp. Đối với các hồ sơ không đủ điều kiện hoàn, cần có thông báo cụ thể để doanh nghiệp được biết tránh bị hiểu lầm” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn.

Văn Tuấn