Viện Nhân học Văn hóa: 'Đất dụng võ' của những nhà nghiên cứu trẻ

Nhân dịp Viện Nhân học Văn hóa kỷ niệm 5 năm thành lập (2018 – 2023), Người Đô Thị đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS. Đỗ Lai Thúy, Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa, về chặng đường hoạt động vừa qua và những định hướng phía trước của Viện. Cuộc trò chuyện gợi ra nhiều vấn đề thú vị, về một chuyên ngành mới ở Việt Nam, cũng như làm thế nào để một viện nghiên cứu ngoài công lập có thể tồn tại trên chính đôi chân của mình.

* * *

- Nhân học thì nhiều người đã có nghe và dễ hình dung, nhưng Nhân học văn hóa thì nghe chừng đây là lĩnh vực còn lạ lẫm. Xin ông giải thích thêm.

PGS-TS. Đỗ Lai Thúy, Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa.

+ PGS-TS. Đỗ Lai Thúy: Nếu ai học văn thì hẳn thường nghe đến câu cửa miệng của Gorky: “Văn học là nhân học”. Ấy bởi có thời văn học ta phê phán tính người, đề cao tính giai cấp, đề cao đối tượng hạ thấp chủ thể. Còn học sử thì biết đến ngành nhân chủng học, mà phái sinh không mong muốn của nó là chủ nghĩa chủng tộc. Thực ra, nhân học là khoa học nghiên cứu con người, mà “không có cái gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi” (Marx).

Nhân học phát triển theo từng giai đoạn: đầu tiên là nhân học hình thể, ta gọi là nhân chủng học, sau đó là nhân học xã hội, ta gọi là nhân loại học, cuối cùng là nhân học văn hóa. Nhân học văn hóa là cuối, là đỉnh nên nó có xu hướng bao hàm vào trong nó cả nhân học xã hội, xã hội học, dân tộc học,… nhưng nó vẫn là nó.

Vậy, Viện Nhân học Văn hóa thành lập nhằm đáp ứng những mục tiêu gì, thưa ông?

Trước hết là giới thiệu một ngành học còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Đặc biệt là phương pháp tiếp cận của nó, trái ngược với lối tiếp cận khoa học phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Đó là không nghiên cứu những vấn đề khái quát, chung chung mà đi sâu vào một vấn đề cụ thể nào đó. Mà sâu đến một mức độ nào đó thì sẽ gặp rộng, một mà rộng đến một mức độ nào đó thì sẽ gặp nhiều.

Nghiên cứu theo nhân học văn hóa không chỉ chăm chăm đến kết quả, mà quan trọng không kém, thậm chí còn hơn là quá trình đi đến kết quả đó. Nếu chỉ nhắm đến kết quả, thì sẽ gạt bỏ những gì không liên quan đến kết quả, tức bó hẹp vấn đề, trong khi đó thì trên hành trình ta bắt gặp bao nhiêu vấn đề phơi mở. Một hướng đi như vậy cho phép nhà nghiên cứu trưng dụng đa phương tiện: văn bản viết, văn bản hình ảnh, phỏng vấn, điều tra, nhiếp ảnh, video,…

Một tiếp cận như vậy rất thích hợp với thanh niên, với các nhà nghiên cứu trẻ hiện nay. Nó sẽ làm các bạn ấy yêu thích, tập trung năng lượng còn tản mạn của mình để bước vào nghiên cứu, nhằm tạo ra những đột phá khoa học, trở thành những trí thức trẻ mới, khác.

Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Đức Grimm thành lập trực thuộc Viện Nhân học Văn hóa. Ảnh: CTV

Lễ ra mắt Văn phòng đại diện Viện Nhân học Văn hóa tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Ông có thể cho biết những thành tựu nổi bật mà đến nay Viện đã làm được?

Là một viện nghiên cứu tư nhân, hay phi công lập như cách gọi hiện nay, việc quan trọng đầu tiên là tiền đâu? Tôi là một nhà biên tập về hưu, các thành viên khác của viện là những viên chức nhà nước kiêm nhiệm, nên kinh phí để hoạt động hầu như phải bỏ tiền túi.

5 năm qua, phần vì đại dịch Covid, phần vì không có điều kiện đầu tiên, nên hoạt động của Viện chỉ để tồn tại là chính, hoặc để cho người ta biết đến, nhớ đến mình. Đó là tổ chức một vài tọa đàm học thuật, một vài buổi giới thiệu sách của Viện hoặc cá nhân trong Viện, in một vài tác phẩm nhân học văn hóa kinh điển cho Tủ sách Văn hóa học. Tuy nhiên, đó cũng là tiền đề để các nhà hảo tâm, yêu thích văn hóa Việt Nam, bước đầu đặt vấn đề tài trợ cho Viện.

Kinh phí, như ông chia sẻ, là một thách thức nên chủ yếu vẫn phụ thuộc vào từ thân vận động và "mạnh thường quân"? Lý do để họ đến với Viện Nhân học Văn hóa?

Chị Xuân Yến, một thương gia người Hà Nội, đã từng đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng không phai nhạt lòng yêu với văn hóa Việt Nam, với người Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ qua hình ảnh người mẹ chị. Và càng tiếp xúc với thế giới chị Xuân Yến càng thấy những mất mát hệ sinh thái văn hóa, đặc biệt là sinh thái văn hóa tinh thần. Đôi khi nhãn tiền ngay ở những người trẻ trong gia đình chị. Những hoạt động văn hóa của Viện có thể góp phần giúp thanh niên có lựa chọn đúng. Điều quan trọng hơn là nghĩa cử của chị Xuân Yến có thể gọi thêm cho Viện nhiều hỗ trợ khác, bởi nhiều con én xuân thì sẽ làm ra nhiều mùa xuân.

Lễ trao tặng sách Lê Lựu văn chương và số phận cho Thư viện Quốc gia Việt Nam. Ảnh: CTV

Tọa đàm khoa học 'Tín ngưỡng thờ Mẫu' do Viên Nhân học Văn hóa tổ chức tháng 3.2023. Ảnh: CTV

Như vậy, có thể nói, một mùa xuân đã đến với Viện Nhân học Văn hóa. Trong giai đoạn mới này, ông có kế hoạch nào cho Viện?

Tài trợ, có thể nói, đưa Viện sang một giai đoạn phát triển mới.

Từ năm 2024 chúng tôi thực hiện các mục tiêu có tham vọng sau: Thứ nhất, chúng tôi thực hiện một đề tài nghiên cứu, mà thành quả của nó sẽ có đóng góp mới cho văn hóa Việt Nam. Đầu tiên đại để là Mẫu Thượng Ngàn với tâm thức Việt hay Việt Nam nhìn từ Núi. Đây là lõi học thuật của Viện.

Thứ hai, mỗi năm Viện sẽ ra hai cuốn sách, một chuyên luận và một tiểu luận với tên gọi chung là Nhân học văn hóa ở/của Việt Nam, dĩ nhiên là mỗi số sẽ có nhan đề riêng. Có thể đặt viết về những nhân vật nổi tiếng hiện nay, đặc biệt là phụ nữ như bà Hoàng Xuân Sính chẳng hạn. Đây là vòng ngoài vừa học thuật vừa phổ biến văn hóa. Đồng thời, nếu có điều kiện, sẽ in những bản thảo đã dịch về lịch sử văn hóa nghệ thuật

Thứ ba, mỗi tháng ít nhất tổ chức một tọa đàm, giới thiệu sách, nói chuyện về những vấn đề như người thị dân hiện đại, tư duy và tư duy người Việt, Văn học Việt Nam từ cái nhìn hậu thuộc địa

Đây có thể nói là vòng cuối nối với bạn bè của Viện.

Bố bốn tác phẩm nhân học kinh điển trong Tủ sách Văn hóa học do Phạm Minh Quân dịch. Ảnh: CTV

Một số công trình tiêu biểu Viện Nhân học Văn hóa đã xuất bản. Ảnh: CTV

Tập thể Viện Nhân học Văn hóa và các thành viên. Ảnh: CTV

Xin hỏi ông câu cuối, vậy nhân học văn hóa gắn với các vấn đề của xã hội Việt Nam như thế nào?

Những vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam hiện nay là vấn đề Việt Nam học. Nhân học văn hóa ở/của Việt Nam chính là Việt Nam học. Sự gắn kết giữa Viện và Tủ sách Hiểu Việt Nam đã nói lên điều đó.

Cảm ơn ông, chúc ông và Viện đạt được nhiều thành quả.

Mộc Trà thực hiện