Vì sự phát triển của văn nghệ dân gian tỉnh Thanh Hóa

Đại diện lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa (ngoài cùng, bên trái) tặng hoa cho các đồng chí trong Ban Chấp hành Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2020-2025.

Được thành lập từ năm 1998, trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã có đóng góp quan trọng, tích cực vì sự phát triển của VNDG tỉnh Thanh Hóa với nhiều công trình, tác phẩm tiêu biểu, như: “Tục ngữ dân ca Mường” của tác giả Minh Hiệu; “Tiếng cười trong ca dao cổ truyền người Việt” của tác giả Phạm Thị Hằng; “Tuyển tập truyền thuyết Thanh Hóa” của tác giả Đào Huy Phụng, Lưu Đức Hạnh (chủ biên)... Trong lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu nghệ thuật dân gian, có nhiều công trình nghiên cứu tiêu biểu riêng về từng trò, như: trò Ngô, trò diễn dân gian vùng Đông Sơn, hát nhà trò Văn Trinh, hát ca trù Thanh Hóa... Trong lĩnh vực nghiên cứu lễ hội, tín ngưỡng, phong tục có các công trình: “Nguồn gốc, ý nghĩa tang lễ người Việt”, “Lễ tục, lễ hội truyền thống xứ Thanh”, “Tập tục Mường Trong”... Trong lĩnh vực ngôn ngữ dân gian có các công trình: “Truyện thơ Thái ở Việt Nam, đặc điểm thi pháp và thể loại”, “Thơ âm thổ ngữ người Việt”, “Thành ngữ Mường”. Trong lĩnh vực âm nhạc dân gian có các tác phẩm: “Những bài hát ru dân tộc Mường Thanh Hóa”, “Âm nhạc hò sông Mã”... Trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa làng xã, văn hóa tộc người, nghề, làng nghề xứ Thanh có các tác phẩm: “Văn hóa làng Quỳ Chữ”, “Cây thuốc và cách chữa bệnh trong dân gian”...

Nhiều hội viên của chi hội đã vinh dự được nhận các giải thưởng, phần thưởng cao quý, như: 2 cụ Ngô Trọng Bình (đàn) và Nguyễn Thị Kim (ca trù) được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian; 3 nhà nghiên cứu: Vương Anh, Hoàng Anh Nhân và Minh Hiệu được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Nhiều hội viên được trao tặng Huy chương vì sự nghiệp VNDG Việt Nam, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp VNDG Việt Nam... Đây là thành tích “xưa nay hiếm” ở một chi hội VNDG địa phương, tiếp tục khẳng định hơn nữa những đóng góp của chi hội cho sự phát triển chung của văn học nghệ thuật tỉnh nhà và trong tiến trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hiện nay, Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Thanh Hóa hoạt động với 22 hội viên, phần lớn các hội viên đều đã cao tuổi, sức khỏe suy giảm nhiều, độ tuổi của các hội viên từ 38 – 85 tuổi. Nhìn vào đội ngũ, cơ cấu độ tuổi của các hội viên thuộc chi hội, chúng ta thấm thía quy luật nghiệt ngã của thời gian. Mặc dù những con người ấy vẫn còn tràn đầy nhiệt huyết, ấp ủ nhiều dự định lớn lao, mong muốn được tiếp tục cống hiến nhưng giới hạn của tuổi tác cũng đã phần nào cản trở nỗ lực dấn thân của họ. Tuy nhiên, nhìn bóng dáng tận tụy, cần mẫn với hoạt động nghiên cứu của các hội viên chi hội, như: nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân, nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải, nhà nghiên cứu Đào Huy Phụng, nhà nghiên cứu Trần Thị Liên... chúng ta càng thêm trân quý, cảm phục nỗ lực phấn đấu, sức lao động, sáng tạo và tình yêu, tâm huyết lớn lao mà họ dành cho VNDG.

Ví như, nhà nghiên cứu, nhà văn Đào Huy Phụng, hội viên Hội VNDG Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Kiều học Việt Nam, say mê công hiến, từng bước gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực VNDG tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, ông là Chi hội trưởng của Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Thanh Hóa. Từng là cán bộ văn hóa, công tác tại Phòng Văn hóa huyện Quảng Xương, Phòng Văn hóa quần chúng thuộc Ty Văn hóa – Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa), những chuyến đi công tác thường xuyên, dài ngày giúp ông có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều con người văn hóa, vùng đất văn hóa, VNDG khác nhau trên mảnh đất xứ Thanh. Chính nét đẹp, sự đa dạng, phong phú của văn hóa, VNDG các vùng miền đã thu hút, hấp dẫn ông. Xuất phát từ niềm yêu thích kết hợp các chuyến đi cơ sở, thực tế như thế, ông Phụng đều chủ động, cặn kẽ tìm hiểu văn hóa, phong tục, VNDG nơi đó, cẩn thận ghi chép lại, lưu giữ bản thảo.

Năm 1982, ông Phụng chuyển sang làm công tác thư viện, đảm nhận chức vụ Trưởng Phòng Địa chí, Thư viện tỉnh Thanh Hóa. Ông Phụng cho biết: “Phòng Địa chí giống như một kho tư liệu đồ sộ về đất và người xứ Thanh. Đây cũng là nơi cho ông không gian, điều kiện thuận lợi đi vào hoạt động nghiên cứu VNDG chuyên sâu”. Ông Phụng không ngừng nỗ lực, cố gắng rèn luyện, trau dồi kiến thức, bền bỉ tự học. Ông miệt mài, say mê tìm đọc các tư liệu văn hóa, VNDG về đất và người xứ Thanh. Không dừng lại ở đó, bằng những kiến thức ông tích lũy được qua quá trình thực tế, điền dã và đọc tư liệu, ông viết bài gửi đăng ở các báo, tạp chí địa phương và Trung ương, đi sâu vào nghiên cứu, ra mắt nhiều tập sách, từng bước khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực văn hóa, VNDG.

Từ đó đến nay, ông Phụng vẫn tiếp tục những chuyến đi điền dã cá nhân, vẫn chăm chỉ làm việc, vẫn cho ra mắt bạn đọc nhiều cuốn sách sưu tầm, nghiên cứu VNDG Thanh Hóa, như: “Địa chí Diêm Phố - Ngư Lộc”, “Thúc ước”, “Tuyển tập truyền thuyết Thanh Hóa (Đào Huy Phụng – Lưu Đức Hạnh chủ biên)”... Ông Phụng quan niệm: “Phải làm sao tái hiện được không gian diễn ra sự kiện văn hóa, VNDG đó một cách chân thực, sinh động và chính xác nhất”. Để có được những tác phẩm như thế, ông Phụng không thể đếm được bàn chân mình đã rong ruổi qua bao nhiêu tháng ngày, vùng đất, gặp gỡ biết bao con người, ghi chép bao nhiêu tập tài liệu... Trong mỗi tác phẩm, công trình, ông luôn đa dạng, kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau nhằm tiếp cận vấn đề một cách chuyên sâu, đa chiều. Ông Phụng hồi tưởng lại kỷ niệm những ngày cũng GS Hoàng Tiến Tựu lao động hăng say, bám cơ sở, bám địa bàn, ăn ở tại Huyện ủy Hậu Lộc suốt 5 năm trời mới hoàn thiện cuốn Địa chí Hậu Lộc. Nhìn lại con đường đã đi qua, ông Phụng chia sẻ: “Muốn đi sâu tìm hiểu cội nguồn Thanh Hóa thì VNDG đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi đó là kho tàng chứa đựng tinh hoa văn hóa – lịch sử được hun đúc tự ngàn đời”.

Cũng như nhà nghiên cứu, nhà văn Đào Huy Phụng, chính những chuyến đi cơ sở, thực tế dài ngày khi làm việc tại bộ phận VNDG, Ty Văn hóa – Thông tin trước đây đã tạo điều kiện cho nhà nghiên cứu Trần Thị Liên “bén duyên”, từng bước gắn bó với hoạt động VNDG. Vốn sinh ra ở Kim Sơn, Ninh Bình, theo tiếng gọi của tình yêu về với quê hương trống đồng Đông Sơn, hò sông Mã làm dâu, chính nhà nghiên cứu Trần Thị Liên không hình dung được mình lại gắn bó sâu sắc với mảnh đất xứ Thanh, với hoạt động VNDG xứ Thanh nhiều đến thế. Bà Liên nhìn nhận: “Xứ Thanh có nền văn hóa truyền thống, VNDG độc đáo, đặc sắc, phong phú, bản thân tôi chỉ muốn được lao động, cống hiến hết mình nhằm sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu đến đông đảo mọi người, nhất là thế hệ trẻ, từ đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị kho tàng, vốn quý ấy”.

Nhận thức như thế nên suốt những năm tháng đã qua, nhà nghiên cứu Trần Thị Liên chẳng nghĩ nhiều đến những điều được – mất, thiệt hơn. Bà kể: “Trước đây, cuộc sống còn nhiều khó khăn, giao thông cũng không thuận tiện như bây giờ nên hoạt động VNDG nhiều gian nan, vất vả. Trước những chuyến đi điền dã, tôi phải đến xếp hàng mua vé xe từ ngày hôm trước để “xếp lốt”. Tuy nhiên, khi đến với cơ sở, mọi người luôn xởi lởi, yêu mến, nhiệt tình hỗ trợ, cung cấp thông tin nên cảm giác rất vui, hứng khởi”. Đến nay, mặc dù đã ngoài 60 tuổi, nhà nghiên cứu Trần Thị Liên vẫn hăng hái, say mê đi và viết, xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị trong lĩnh vực VNDG xứ Thanh, như: “Văn hóa truyền thống Mường Đủ” (in chung), “Khảo sát văn hóa truyền thống Đông Sơn” (in chung), “Trò diễn dân gian vùng Đông Sơn”, “Khảo sát văn hóa truyền thống làng Cổ Bôn” (in chung), “Sắc màu văn hóa xứ Thanh”...

Lặng lẽ, thầm lặng nhưng không kém phần say mê, quyết liệt, hăng hái – đó là những cảm nhận của nhiều người khi nhìn vào hoạt động và những đóng góp quan trọng của Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Thanh Hóa. Từ những kết quả đạt được trong suốt hành trình hơn 20 năm qua, chi hội đặt ra mục tiêu, phương hướng phấn đấu trong thời gian tới: nâng cao tinh thần, trách nhiệm của hội viên với hoạt động sưu tầm, nghiên cứu VNDG của các dân tộc anh em trong đại gia đình dân tộc tỉnh Thanh Hóa; nâng cao chất lượng các công trình sưu tầm, nghiên cứu cả về chất và lượng; phấn đấu kết nạp hội viên, phát triển chi hội; phối hợp xây dựng đề án nghiên cứu, sưu tầm về VNDG xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh của vùng đất xứ Thanh “địa linh nhân kiệt”.

Bài và ảnh: Thảo Linh