Về miền non nước - văn hóa hữu tình...

Nghề đúc đồng truyền thống làng Chè Đông, xã Thiệu Trung.

Lịch sử dường như đã dành nhiều trang ưu ái cho mảnh đất này, khi nơi đây từng là nơi phát tích của người Việt cổ, cũng là cái nôi hình thành của một trong những nền văn hóa rực rỡ bậc nhất. Những câu chuyện từ thuở hồng hoang của loài người đã được kể lại đầy sinh động và thuyết phục qua các di chỉ khảo cổ núi Đọ, núi Nuông. Đi từ thời đồ đá, với các mảnh tước, rìu đã dùng trong săn bắt, hái lượm; qua thời đại đồng thau với nhiều vật dụng bằng gốm nung như nồi, vò, bát, đĩa... con người đã bước một bước dài hàng vạn năm để chuyển từ người nguyên thủy “ăn lông ở lỗ” sang lớp cư dân Cồn Chân Tiên - cốt lõi đầu tiên làm cơ sở hình thành bộ Cửu Chân thuộc nhà nước Văn Lang sau này. Đồng thời, từ văn hóa Cồn Chân Tiên, con người nơi đây đã mở dần cánh cửa để bước chân vào nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ. Việc người nguyên thủy chọn vùng núi Đọ, núi Nuông làm nơi quần tụ, chắc hẳn là bởi những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cuộc sống thời bấy giờ. Song, điều đáng nói và đáng quý hơn cả, những con người từ buổi đầu tiên ấy, trải qua cuộc đấu tranh sinh tồn khắc nghiệt suốt hàng nghìn năm đã luôn gắn chặt cùng “mảnh đất được chọn” để tồn tại và phát triển một cách mạnh mẽ, đầy thuyết phục và đầy tính văn hóa.

Từ cái nôi của lịch sử và văn hóa ấy, cũng dễ hiểu vì sao Thiệu Hóa lại là mảnh đất của những danh nhân khoa bảng, anh hùng hào kiệt nức tiếng cổ kim, rạng ngời sử sách. Tiến trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, suy đến cùng được bồi tụ từ sự xuất hiện và khẳng định tên tuổi của lớp lớp con người tài năng, đức độ. Trên cái nền rực rỡ ấy, Thiệu Hóa đã góp mặt với những cái tên “vô tiền khoáng hậu”. Đó là Dương Đình Nghệ đã “dưỡng tam thiên nghĩa tử dĩ phục thù, hằng hắng kinh khí/ Chướng bát vạn hùng sư nhi xuất chiến, lẫm lẫm uy danh”; người đã lấy chữ “hiền” mà đối đãi chúng nhân như tể tướng Nguyễn Quán Nho, để lại danh thơm muôn thuở; hay người được mệnh danh là “ông tổ của nền sử học Việt Nam” - nhà giáo mẫu mực, nhà sử học bậc thầy Lê Văn Hưu - người đã bằng sự tinh anh và trí tuệ mẫn tiệp mà soạn nên “Đại việt sử ký” lưu truyền hậu thế... Rồi hàng chục, hàng trăm tên tuổi đã tạc vào bia đá để hậu thế ngưỡng vọng. Đó là những cái tên của truyền thống yêu nước thương nòi, của tinh thần kiên trung, nhân nghĩa, trọng tình, hiếu học... đã được gây dựng và trao tuyền để thế hệ hôm nay thừa hưởng và tiếp tục bồi đắp cho dày thêm và đẹp hơn.

Đất và người Thiệu Hóa, với những tên tuổi lớn, những địa danh nổi tiếng, đã góp một chương đẹp đẽ vào cuốn biên niên sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt. Nhưng sẽ là khuyết thiếu khi không dành nhiều trang để nói về những con người “vô danh” nhưng hữu hình, những con người đang hằng ngày sống và bằng những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam, đó là sự cần cù, chịu thương chịu khó, là tinh thần yêu lao động, yêu cuộc sống, là tình cảm láng giềng thủy chung, “lá lành đùm lá rách”... chính họ đã và đang chung đúc nên sự sống, sự sinh sôi và phát triển cho mảnh đất này. Và rồi, hãy ngược về thời kỳ những năm 111 trước Công nguyên, khi đô thành Tư Phố bắt đầu được xây dựng trên sườn núi Vồm thuộc Dương Xá. Chính sự tồn tại đến hơn 5 thế kỷ của một quận trị đã để lại cho mảnh đất này những tây Trấn Thành, trạm Trung Đô cùng sự sầm uất của phố phường mà làm nên “Bàn A thập cảnh”, với “Bằng Trình liệt trướng”, “Lương, Mã song phàm”, “viễn sầm yên thụ”, “cô thôn mao xá”, “cách ngạn thiền lâm”, “sơn hạ ngư ky”... Những cảnh đẹp nức tiếng một thời từng được nhiều danh sĩ ca tụng hay nhịp sống phố thị sầm uất từng được ghi chép lại ấy, giờ chỉ còn trong tưởng tượng của hậu thế.

Nếu không tính đến lịch sử của những lần tách, nhập - cũng theo đó mà nhiều địa danh nức tiếng của huyện đã được “san sẻ” sang các huyện, thị khác - thì Thiệu Hóa ngày nay là một huyện lỵ trẻ. Thế nhưng, nhiều dấu tích còn lại cũng phần nào gợi nhắc cho ta về “một thời vang bóng” – thời mà trên đất Thiệu Hóa này, sự sống đã sinh sôi đầy mạnh mẽ và sức sống luôn tràn trề. Thiệu Hóa nức tiếng với nghề đúc đồng. Với cái tâm nghề là làng Chè Đông, với các sản phẩm chính là tượng, chuông và đồ dùng gia đình phục vụ đời sống Nhân dân trong vùng, đồ đồng Chè Đông đã có mặt khắp tỉnh và thu hút nhiều làng xung quanh theo nghề hoặc cung cấp các dịch vụ làm nghề. Ngày nay, cùng với sự phục hồi các làng nghề truyền thống, nghề đúc đồng Thiệu Hóa đang ngày càng được biết đến, đặc biệt là qua trống đồng - một tặng phẩm rất đặc trưng của riêng xứ Thanh gửi đến bè bạn. Rồi thì “đẹp nhất là nhiễu Hồng Đô”, lụa đũi Lai Duệ, cót nứa Kẻ Giàng, đồ gốm Kẻ Vồm, bánh đúc Chợ Go... Chỉ có tinh thần yêu lao động, yêu cuộc sống và bàn tay tài hoa, những con người chất phác ấy mới sáng tạo nên những sản phẩm thủ công độc đáo để làm đủ đầy hơn cuộc sống.

Cùng với đó, đời sống văn hóa, tinh thần cũng được chính những con người ấy, bằng ý thức sáng tạo và trí tuệ dân gian đã làm cho “giàu có” và ngày càng phong phú. Về Thiệu Hóa, dẫu không còn cảnh “từ thị thành thôn ấp đến sông núi khe ngòi, chùa nổi lên san sát, mái ngói xanh tiếp trời” - dấu tích của một thời Phật giáo cực thịnh; song vẫn còn đó hàng loạt những di tích lịch sử, danh thắng như là minh chứng sống động cho truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường, hiếu học và một bề dày văn hóa đặc sắc, với những dòng tôn giáo, tín ngưỡng chủ lưu cũng như lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp vẫn luôn được gìn giữ. Về Thiệu Hóa không thể không đến những “quốc miếu” vốn là nơi thờ các danh nhân, anh hùng hào kiệt như đền thờ Lê Văn Hưu, đền thờ Trần Lựu, đền thờ Nguyễn Quán Nho...; hay thăm các chùa Hương Nghiêm, Thái Bình, Doanh Xá... Về Thiệu Hóa, hãy một lần hòa mình trong câu hát huê tình chèo chãi hay điệu múa đèn duyên dáng, trò Ngô sôi động... để cảm nhận về cuộc sống của cư dân nông nghiệp, cũng là để phần nào cảm nhận được những quan niệm, những triết lý nhân sinh rất mộc mạc, rất đời thường mà không kém phần sâu sắc.

...

Bởi các nền văn minh thường khởi phát từ những dòng sông, nên càng hy vọng rằng mảnh đất Thiệu Hóa - nơi gặp gỡ của những dòng sông lớn nhất xứ Thanh - rồi đây sẽ cất lên tiếng hát ngợi ca cuộc sống bình yên, no ấm và văn minh.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong các cuốn Lịch sử đảng bộ huyện Thiệu Hóa; Thiệu Hóa quê ta)