Vang mãi khúc ca trên dòng Vàm Cỏ Đông

Tượng đài đồng chí Võ Văn Tần trong Khu di tích Ngã tư Đức Hòa (Long An). Ảnh: LÊ ĐỨC

Người cộng sản kiên trung

Đồng chí Võ Văn Tần sinh ra ở làng Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An) - một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, cách mạng ven sông Vàm Cỏ Đông. Từ vùng quê ấy, người thanh niên yêu nước Võ Văn Tần chứng kiến bao nỗi thống khổ của người dân dưới ách đô hộ của thực dân, phong kiến, hun đúc tinh thần yêu nước và khát vọng giải phóng quê hương. Năm 1923, do tham gia đấu tranh chống áp bức bất công, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam, khép tội cầm đầu các cuộc chống đối, nhưng không có chứng cớ để khép án. Sau khi được trả tự do, đồng chí tham gia nhiều cuộc bàn luận về lịch sử, về chính trị thời cuộc, về phong trào Cần Vương… Năm 1926, đồng chí gia nhập hội kín Nguyễn An Ninh (tức Thanh niên Cao vọng Đảng). Thời kỳ này, đồng chí được tiếp cận và quyết định tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ, đánh dấu bước chuyển biến tất yếu sang lập trường giai cấp vô sản. Đồng chí trở thành nhân tố nòng cốt, tích cực tuyên truyền, vận động, gây dựng các tổ chức chi hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Đức Hòa, Mỹ Hạnh, Đức Lập, Hữu Thạnh và kết nạp nhiều hội viên - những người mà sau đó trở thành những đảng viên cộng sản kiên trung của phong trào cách mạng vùng Nam Bộ.

Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, với vai trò là Bí thư Chi bộ Đảng Cộng sản xã Đức Hòa, đồng chí Võ Văn Tần dẫn đầu cuộc biểu tình của nông dân Đức Hòa ngày 4/6/1930. Đây là cuộc biểu dương lực lượng lớn ở Nam Kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng; là đỉnh cao của phong trào cách mạng ở Chợ Lớn, Tân An. Cuộc biểu tình đã giương cao cờ đỏ búa liềm và các biểu ngữ với nội dung: chống thuế nặng, chống đánh đập vô cớ, chống sách nhiễu dân… Trong tình thế hết sức căng thẳng, chính quyền thực dân truy lùng ráo riết, nhưng có sự che chở của quần chúng, đồng chí Võ Văn Tần và các đảng viên vẫn kiên trì chắp nối lại liên lạc, quyết không để phong trào bị tê liệt. Bằng năng lực và kinh nghiệm thực tiễn, đồng chí Võ Văn Tần đã góp phần quan trọng duy trì, khôi phục và phát triển cơ sở đảng ở các địa phương, nhất là vùng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong thời kỳ cách mạng cam go do sự đánh phá liên tiếp của địch. Khi Xứ ủy Nam Kỳ phục hồi, đồng chí được cử vào Ban Thường vụ của Xứ ủy với nhiệm vụ đưa cách mạng Nam Kỳ vượt qua những thời khắc khó khăn; khẳng định tinh thần, ý chí kiên cường, quả cảm, lòng trung thành vô hạn của những người cộng sản đối với quần chúng nhân dân.

Ngày 14/7/1940, đồng chí Võ Văn Tần bị địch bắt khi đang họp tại ấp Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân thuộc huyện Hóc Môn - Bà Điểm). Trong 16 tháng, thực dân Pháp giam cầm, mua chuộc, dụ dỗ và tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì, càng không thể lay chuyển ý chí cách mạng của đồng chí. Không khuất phục được, thực dân Pháp đã đưa đồng chí Võ Văn Tần ra xử bắn ngày 28/8/1941.

Trọn đời phụng sự cách mạng, phục vụ nhân dân

Trọn đời sống với lý tưởng đã chọn, kiên định niềm tin son sắt vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng chí Võ Văn Tần luôn thể hiện phẩm chất một nhà lãnh đạo xuất sắc, hết lòng vì nước, vì dân. Trên mọi cương vị công tác, từ Bí thư Chi bộ, Bí thư Quận ủy, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Xứ ủy, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Tần đều để lại dấu ấn đậm nét về tư duy và những định hướng lớn cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Văn Tần cùng các đồng chí đảng viên Đảng Cộng sản, phong trào cách mạng của nhân dân trong vùng phát triển mạnh mẽ; lòng tin của nhân dân với Đảng được củng cố, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng với cách mạng giải phóng dân tộc.

Giai đoạn 1931 - 1936, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, rồi Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, đồng chí kiên trì, bền chí xây dựng và khôi phục các tổ chức đảng từ cơ sở đến cấp tỉnh, góp phần duy trì sự lãnh đạo liên tục của Đảng đối với phong trào cách mạng trong thời kỳ địch khủng bố trắng. Đồng chí đã trực tiếp, thường xuyên chỉ đạo công tác vận động quần chúng tham gia cuộc vận động dân chủ ở Nam Kỳ. Đến tháng 9/1936, hàng chục ủy ban hành động được thành lập trên địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn và tỉnh Gia Định.

Đảm nhận chức vụ Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Võ Văn Tần trực tiếp chỉ đạo phong trào Đông Dương Đại hội; thống nhất tư tưởng và hành động của các nhóm cộng sản ở Nam Kỳ trong cuộc đấu tranh đòi dân chủ ở Nam Kỳ. Đồng chí Võ Văn Tần cùng với các đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Nghị,… thường xuyên, trực tiếp chỉ đạo việc gây dựng và phát triển phong trào cách mạng; mở các lớp tập huấn chính trị cho cán bộ đảng và đoàn thể tại Bà Điểm; xây dựng tổ chức, chỉ đạo công tác đảng ở địa phương; thành lập bốn liên tỉnh bộ và khu bộ Sài Gòn - Chợ Lớn... Những hoạt động khẩn trương và tích cực của đồng chí Võ Văn Tần và Xứ ủy Nam Kỳ đã củng cố và phát triển cơ sở đảng rộng khắp trong công nhân và nông dân, nông thôn và thành thị; hướng dẫn quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ ở khắp Nam Kỳ. Khi Đảng giao trọng trách cao hơn, là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Tần đã góp phần chỉ đạo thành công hoạt động của Đảng trong cao trào cách mạng 1936 - 1939 ở Nam Kỳ; hoàn thành công tác chuẩn bị cơ sở, bảo đảm bí mật, an toàn về mặt tổ chức của Đảng; có nhiều đóng góp tích cực về định hướng chiến lược và quan điểm lý luận cho thành công các hội nghị T.Ư thời kỳ 1937 - 1939, quyết định những chiến lược quan trọng của cách mạng dân tộc.

Sống cống hiến, chết vẻ vang, trọn cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần là tấm gương ngời sáng về lý tưởng cao cả, tinh thần cách mạng kiên trung, và hơn hết là khát vọng giải phóng dân tộc, tự do cho nhân dân; mãi là niềm tự hào của Đảng, của quê hương Nam Bộ. Cuộc đời cao đẹp ấy như khúc tráng ca vang mãi trên dòng sông Vàm Cỏ.

LÊ VY