Văn hóa đọc xây dựng sức mạnh nội sinh trong doanh nghiệp và cộng đồng

Bạn đọc trải nghiệm sách đoạt giải Giải thưởng Sách Quốc gia 2023. Ảnh: Việt Linh.

Đại diện đơn vị đồng hành Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 6 năm 2023, Giám đốc Văn hóa Truyền thông Tập Đoàn THACO, đồng thời cũng là một gương mặt quen thuộc của văn đàn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Một chia sẻ về ý nghĩa của việc doanh nghiệp chung tay cùng xã hội trong các chương trình, dự án phát triển văn hóa đọc và tôn vinh tri thức.

Theo nhà văn Nguyễn Một, Giải thưởng Sách Quốc gia có ý nghĩa rất lớn đối với các tác giả, dịch giả, nhà xuất bản, biên tập viên… Bản thân cũng là một tác giả, ông khẳng định Giải thưởng là dấu son trong sự nghiệp của các cá nhân, tập thể, từ đó khuyến khích họ không ngừng nỗ lực, đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật viết và xuất bản.

Sau 5 năm tổ chức, Giải thưởng Sách Quốc gia đã trao giải cho hàng trăm công trình, tác phẩm có giá trị thuộc các lĩnh vực như Chính trị - Kinh tế, Văn hóa - Văn học - Nghệ thuật, Thiếu nhi,… qua đó tạo lập và củng cố uy tín của những người làm sách và xuất bản.

Ông chia sẻ thêm, tác phẩm được tôn vinh "không chỉ là niềm tự hào của các tác giả mà còn là niềm tự hào của cả cộng đồng đọc sách". Theo đó, các giải thưởng về sách, đặc biệt là Giải thưởng Sách Quốc gia là cơ hội để đánh giá và đề cao những đóng góp xuất sắc của những người làm sách Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là động lực thúc đẩy văn hóa đọc phát triển và ngành xuất bản ngày càng hoàn thiện và đổi mới hơn.

Chia sẻ với Tri thức - Znews, Nhà văn Nguyễn Một nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa đọc trong vai trò xây dựng nhân cách con người và kiến tạo xã hội. Trích lời đại thi hào người Nga Maksim Gorki “Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới”, ông ví sách như "người thầy vĩ đại", mỗi quyển sách đều thể hiện những giá trị nhân văn cao cả, truyền tải tâm tư, kinh nghiệm của tác giả. Vì vậy, đọc sách là để mỗi người "tự xây dựng nên một nền tảng tri thức vững chắc cho chính mình, mở rộng nhân sinh quan và khám phá thế giới".

So sánh với các phương cách tiếp cận tri thức qua trải nghiệm thực tế, ông cho rằng đọc sách mang đến cho người đọc sự linh hoạt, tự do trong việc lựa chọn chủ đề, thể loại sách phù hợp, từ đó phát triển kỹ năng suy luận, tư duy logic và sáng tạo mà không bị bó hẹp ở một môi trường cụ thể. Từ đây, ông bày tỏ mong muốn lan tỏa tình yêu đọc sách đến mọi người nhiều hơn, cùng nhau kiến thiết, xây dựng cộng đồng người đọc có tư tưởng phong phú và giàu lòng bác ái, góp phần vì một xã hội văn minh.

THACO đồng hành cùng Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 6. Ảnh: Việt Linh.

Ở cương vị phụ trách truyền thông của doanh nghiệp, ông Nguyễn Một khẳng định rằng sách là yếu tố hỗ trợ nguồn nhân lực trong mọi lĩnh vực tiếp cận với nguồn tri thức đa dạng hơn, nâng cao kiến thức, kỹ năng, tạo ra môi trường làm việc tích cực, sáng tạo.

Đồng thời, ông quan niệm sáng tạo không chỉ tồn tại trong các lĩnh vực nghệ thuật và văn chương mà còn cần phải mở rộng ra trong sản xuất kinh doanh, góp phần nâng chất, nâng tầm đội ngũ nhân sự, phát triển sức mạnh nội sinh.

Mượn câu nói của người xưa “Thư trung hữu kim - Trong sách có vàng”, nhà văn Nguyễn Một chia sẻ rằng doanh nghiệp tham gia vào các chương trình, dự án có tính chất “khuyến đọc”, “khuyến học” là góp phần đổi mới tư duy, nâng cao tri thức trong cộng đồng.

Trước khi đồng hành với Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 6 năm 2023 THACO đi cùng các chương trình lan tỏa tri thức như Đường lên đỉnh Olympia, Học trò xứ Quảng, các dự án tặng sách, hỗ trợ việc dạy-học trẻ em ở các vùng xa, các trại sáng tác, các giải thưởng báo chí và trong năm qua là Giải thưởng Tác giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Không chỉ đối với cộng đồng, ông Nguyễn Một cho biết doanh nghiệp của ông còn chú trọng nâng cao tri thức cho người lao động trong nội bộ, phát động chương trình ủng hộ sách, xây dựng thư viện sách phục vụ nhu cầu đọc sách của cán bộ nhân viên và kế hoạch lan tỏa văn hóa đọc sách rộng rãi.

Tâm Anh

Ảnh: Việt Linh