Ứng xử với các dịch bệnh

Thích nghi chứ không hề khinh xuất, đó là một phẩm chất cho thấy sự quyết liệt và linh hoạt của người Việt Nam từ xưa đến nay. Từ những mối họa của thiên thiên, từ việc chống giặc ngoại xâm đã chứng minh khả năng thích nghi, chuyển trạng thái và hình thành trạng thái tâm lí mới trong cuộc sống của người Việt.

Sau hơn hai năm xuất hiện đại dịch COVID- 19, Chính phủ và ngành Y tế đã có những chiến thuật chủ động, phòng thủ có chiều sâu. Bản thân nhiều người dân giờ đây cũng đã quá thuần thục kĩ năng chống dịch dựa trên nền tảng của 5K.

Tuyên truyền phòng chống dịch bệnh covid-19 cho người dân là một ứng xử văn hóa mới.

Cho đến thời điểm này thì dịch COVID -19 vẫn được xác định là do "thiên tai" nhưng nếu nhìn rộng hơn, chúng ta vẫn thấy sự xuất hiện của những bệnh dịch do "nhân tai" như chiêu trò lừa đảo kiếm tiền trên mạng, hiện tượng thổi giá lan, giá đất, các chiêu trò lừa đảo về tâm linh… cũng đang trở thành các loại "bệnh dịch" mà không có một loại khẩu trang, nước sát khuẩn hay vaccine nào có thể thay thế cho thái độ ứng xử rõ ràng của mỗi người.

Xét ở góc độ nào đó, ứng xử cũng chính là cách đối diện với những khó khăn và khéo léo tạo ra những lợi ích cho mình. Trong quá khứ, việc ông cha ta đóng một chiếc thuyền ra đánh cá ngoài biên khơi, làm ruộng bậc thang, giữ rừng và suy tôn mãnh thú làm totem… đều nói lên sự tỉnh táo, mềm dẻo và cũng quyết liệt ấy. Ứng xử hợp lý sẽ đem về lợi ích chung của cộng đồng, để nhiều thế hệ mai sau vẫn được thụ hưởng.

Trong thời đại toàn cầu hóa, cuộc sống của con người ở các nơi trên thế giới đang được đặt trong mối quan hệ tương tác. Ví như, bạn có một căn nhà truyền thống với những sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc cổ truyền như điệu múa, bài hát, các món ăn dân tộc… bạn sẽ không phải mang chúng đi đâu xa vì sẽ có những vị khách từ các nền văn hóa khác đến thưởng lãm và trải nghiệm. Khi ấy, bạn không chỉ giữ được bản sắc mà còn có thu nhập để duy trì cuộc sống như thế.

Nhưng toàn cầu hóa cũng là một bầu không khí chung về sức khỏe, tâm lý mà nếu như từng cá thể không có một ý thức ứng xử thì quốc gia, cộng đồng của bạn cũng sẽ vất vả để bảo đảm cho cuộc sống của bạn. Ví như khi internet phát triển ở Việt Nam, xuất hiện các mạng xã hội, nhiều "anh hùng bàn phím" dửng dưng trước những nỗi đau trong cộng đồng nhưng lại săm soi phán xét người làm việc thiện. Điều đó có nguy hại không? Đương nhiên là có, bởi nó sẽ làm ảnh hưởng đến sự lan tỏa của những hành động tốt đẹp, gây một tâm lý e ngại cho nhiều người.

Giờ đây, với chiếc smartphone trên tay, chúng ta chủ động nắm bắt thông tin, góp phần tạo ra nguồn thông tin chung cũng như chia sẻ nó đến người khác. Nhưng cũng chính từ chiếc điện thoại thông minh ấy, những cạm bẫy tinh quái cũng được giăng sẵn chờ đón chúng ta, thậm chí nó còn khiến chúng ta bán rẻ bạn bè, người thân mà không hề hay biết. Đó là một thứ virus vô hình núp bóng trong những cái lợi.

Câu chuyện mất tiền vì app Coolcat gây xôn xao trên báo chí những ngày qua cũng đâu có gì mới mẻ. Bản chất của nó vẫn là cách sinh lời không dựa trên quy luật kinh tế mà chỉ là một biến thể của đa cấp. Phải chăng, cũng như những người cam tâm lén nhận tiền đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép, việc chỉ cần lợi cho mình không chỉ nói lên thói ích kỉ, sự sai phạm mà còn cho thấy sự liều lĩnh của một giới hạn nhận thức vừa ngây thơ vừa thiếu lương tâm.

Đa cấp tâm linh, một chiêu trò của CLB Tình người.

Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta nhìn nhận lại các hiện tượng tiêu cực từ lây nhiễm bệnh dịch, đến lừa đảo dựa trên nền tảng kết nối mạng xã hội như một nguy cơ thường trực thay vì chỉ là hiện tượng tiêu cực nhất thời. Xây dựng một cách ứng xử văn hóa trong hoàn cảnh mới, dựa trên những gì đã được đúc rút qua nhiều thế hệ: "Văn hóa ứng xử là hệ thống các khuôn mẫu ứng xử được thể hiện ở thái độ, kỹ năng ứng xử của cá nhân và cộng đồng người trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên, xã hội và bản thân, trên cơ sở những chuẩn mực văn hóa - xã hội nhất định, để bảo tồn, phát triển cuộc sống cá nhân và cộng đồng nhằm làm cho cuộc sống của cá nhân và cộng đồng giàu tính người hơn". Vậy, để có một ứng xử văn hóa đúng đắn nhất, cần có những điều gì? Từ cách tiếp cận này, người viết xin có những gợi mở:

1. Ứng xử văn hóa phải xuất phát từ suy nghĩ của mỗi người đối với bất kì nguy cơ nào. Trước hết chúng ta thừa nhận những tác động của nó để chủ động ứng phó. Cái lợi về tiền bạc là thực tế rõ ràng nhất. Nếu đóng cửa hàng để phòng dịch, bạn sẽ là người thiệt hại về thu nhập, nhưng sẽ giảm thiểu được tác hại xấu đến xã hội trong mùa dịch.

2. Cùng với hệ thống pháp luật, ứng xử văn hóa sẽ trở thành một cảnh giới đối với con người nếu như nó được tất cả chúng ta chung tay xây dựng. Một công dân tốt trước hết là một cá nhân có danh dự. Bản thân anh ta sợ bị mất đi hình ảnh của mình trước số đông, lo sợ vi phạm chuẩn mực của cộng đồng bên cạnh việc vi phạm pháp luật. Thượng tôn pháp luật không chỉ là trách nhiệm của mỗi người mà còn là nét đẹp văn hóa, là đáp án của ứng xử văn hóa trong xã hội. Bởi vì khi đó, quyền công dân, quyền tự do của con người cũng đồng nghĩa với quyền tự định đoạt danh dự và phẩm cách của mình.

3. Cách ứng xử của Chính phủ và nhân dân ta trong đại dịch COVID - 19 đối với người nước ngoài, với kiều bào ta ở nước ngoài khi trở về nước không chỉ nói lên tính nhân văn mà còn thể hiện sự tự tin, sáng suốt đem lại niềm tin cho người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Cách ứng xử văn hóa nói lên sức mạnh của dân tộc cũng như của mỗi cá nhân.

Chúng ta sẵn sàng tạm lùi bước, tạm chấp nhận tiến độ phát triển kinh tế để chống dịch khi phải dừng các lễ hội và một số dịch vụ giải trí, các hoạt động tụ tập đông người khác, nhưng chúng ta cũng biết tranh thủ các thời điểm an toàn, sáng tạo ra những hình thức mới trong hoạt động kinh doanh, trong giáo dục, y tế…

Việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng đáp ứng tình huống dịch bùng phát khi có 30.000 người nhiễm bệnh; việc ngành Giáo dục đã chuẩn bị sẵn sàng phương án thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch bệnh… cho thấy sự tự tin rất lớn của chúng ta bằng các giải pháp giành thế chủ động.

Dịch bệnh có thể được kiểm soát bằng các biện pháp y tế nhưng còn đó những bệnh dịch đánh vào tâm lý con người với tốc độ lây lan nhanh không kém và gây ra sự thiệt hại trên nhiều mặt. Tâm lý trục lợi làm giàu theo kiểu "bán lúa non" của lan đột biến, đầu cơ đất hay tâm lý lo âu về "nghiệp", "hạn" để rồi trở thành nạn nhân của "Câu lạc bộ Tình người" không chỉ nói lên sự nhẹ dạ, u mê mà còn là điều đáng buồn.

Bởi lẽ, sau rất nhiều bài học nhãn tiền, nhiều người trong chúng ta vẫn chưa có được một ứng xử văn hóa đúng nghĩa. Nó cho thấy tâm lý đối phó, thiển cận vẫn còn đeo đẳng khi chưa có một sự dũng cảm thay đổi. Bởi chỉ khi dũng cảm nhìn vào những sự thật của cuộc sống tìm ra cách ứng xử mới giúp chúng ta hoàn thiện mình và nâng cao hiệu quả của cuộc sống…

Lâm Việt