Úc xích lại gần Ấn Ðộ, rời xa Trung Quốc

Thủ tướng Modi (trái) và cựu lãnh đạo Úc Abbott. Ảnh: AP

Đảm nhiệm vai trò đặc phái viên thương mại của Úc tại Ấn Ðộ, ông Abbott tuần rồi có chuyến thăm New Delhi và gặp gỡ Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi để xúc tiến ký kết Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện (CECA). Ðàm phán CECA khởi động vào năm 2011 nhưng bị đình chỉ trong năm 2015, do bất đồng về các vấn đề như tiếp cận thị trường. Ðến tháng 6 vừa rồi, Ðại sứ Úc tại Ấn Ðộ Barry O’Farrell cho biết giới chức hai bên bắt đầu thảo luận nối lại các vòng đàm phán. Và trong cuộc gặp hôm 5-8, cựu lãnh đạo Úc đã cùng Thủ tướng Modi thảo luận nhiều giải pháp tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư nhằm khai thác tiềm năng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Úc - Ấn. Hai bên nhất trí coi đây là cơ hội hiện thực hóa tầm nhìn chung về khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương ổn định, an ninh và thịnh vượng.

Trong bài viết đăng trên tờ The Australian, ông Abbott khẳng định hiệp định thương mại song phương không chỉ ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn liên quan chính trị, thúc đẩy sự thịnh vượng lâu dài của hai quốc gia. Quan trọng hơn, cựu lãnh đạo Úc khẳng định đây là tín hiệu cho thấy các nền dân chủ thế giới đang dần rời xa Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Theo bài viết, chiến dịch “tẩy chay” của Bắc Kinh nhắm vào mặt hàng xuất khẩu của Úc là bằng chứng cho thấy họ sử dụng thương mại như một loại “vũ khí chiến lược”. Trên quan điểm của ông Abbott, đây là “sai lầm” từ việc thế giới tự do cho phép Bắc Kinh gia nhập mạng lưới thương mại toàn cầu. Thay vì tuân thủ luật theo cam kết, Trung Quốc đã “lợi dụng” phương Tây thông qua các hành vi vi phạm bằng sáng chế, đánh cắp công nghệ, việc làm…và trở thành đối thủ cạnh tranh lớn hơn nhiều so với Liên Xô cũ khi xét đến sức mạnh kinh tế cùng hiện diện quân sự mở rộng trên toàn cầu.

Ðối với việc siêu cường mới nổi ngày càng hung hăng, cựu Thủ tướng Úc khẳng định Canberra cần phát triển mối quan hệ “đối tác tự nhiên” với nền dân chủ cùng chí hướng như Ấn Ðộ. “Ðáp án cho hầu hết mọi câu hỏi về Trung Quốc chính là Ấn Ðộ, các nước nên sớm nhìn nhận đúng vị trí của New Delhi” - ông Abbott nhấn mạnh. Theo chính trị gia này, quan hệ Úc - Ấn chưa được khai thác hết tiềm năng cho tới những năm gần đây. Năm ngoái, Thủ tướng Úc Scott Morrison và người đồng cấp Ấn Ðộ Modi nhất trí nâng cấp quan hệ song phương với một loạt thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và thương mại. New Delhi còn mời Úc tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar 2020 bên cạnh Mỹ, Nhật Bản. Ðây là lần đầu tiên các quốc gia thành viên nhóm “Bộ Tứ” tương tác ở cấp độ quân sự. Ðầu tháng này, Ấn Ðộ thông báo triển khai nhóm tàu tác chiến tới Biển Ðông trong khuôn khổ tham gia các cuộc tập trận với Mỹ, Nhật, Úc. Dự kiến vào tháng 9, lãnh đạo các nước “Bộ Tứ” sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh dưới hình thức gặp mặt trực tiếp, đánh dấu quyết tâm của các quốc gia nhằm tìm cách chống lại yêu sách ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Theo phân tích mới đây của Viện Lowy (Úc), Trung Quốc đang mở rộng sức mạnh phòng thủ và vũ khí chiến lược với tốc độ chóng mặt. Dựa trên phạm vi, quy mô và năng lực, mục đích của Bắc Kinh là đẩy Mỹ khỏi Tây Thái Bình Dương, sau đó giành quyền kiểm soát Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, thách thức quyền bá chủ quân sự toàn cầu của Washington. Trong một đánh giá, báo cáo cho rằng miễn là Mỹ còn hiện diện và duy trì khả năng triển khai sức mạnh quân sự ở khu vực, quân đội Trung Quốc sẽ khó gây ra các đe dọa nghiêm trọng tới môi trường an ninh và chủ quyền các quốc gia lân cận, bao gồm đồng minh Úc và Nhật Bản.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 9-8, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ quan ngại về hành vi dọa dẫm và bắt nạt các nước khác ở Biển Đông. Đáp lại, Phó Đại sứ Trung Quốc Đới Binh cáo buộc Mỹ là “mối đe dọa lớn nhất” ở vùng biển này.

MAI QUYÊN (Theo AP)