Tuyên truyền bình đẳng giới góp phần xây dựng văn hóa, con người

Một trong những mục tiêu về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An đến năm 2030 và những năm tiếp theo chính là “xây dựng và thực hiện tốt các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Long An phù hợp với truyền thống của dân tộc và của quê hương Long An; tạo môi trường thuận lợi để mỗi cá nhân phát triển về nhân cách, đạo đức, lối sống, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật”.

Những cá nhân sinh ra trong gia đình văn hóa, hạnh phúc, bình đẳng sẽ có điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện. Thông qua hoạt động tuyên truyền, các cấp, các ngành từng bước nâng cao nhận thức của mỗi người dân về BĐG, bảo vệ PN, trẻ em và xây dựng văn hóa, con người Long An toàn diện, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và xu thế của thời đại.

Việc giáo dục giới tính trong trường học được các ngành, địa phương quan tâm thực hiện (ảnh tư liệu: Thu Ngân)

Từ mỗi gia đình...

Gia đình chỉ có thể hạnh phúc và là nền tảng phát triển con người khi trong gia đình có sự tôn trọng, hòa hợp giữa các thành viên, các thế hệ. Vừa nhanh tay chuẩn bị bữa cơm trưa, chị Huỳnh Thị Thúy Hằng (ấp 4A, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước) vừa chia sẻ: “Hôm nay, ông xã tôi có việc đi TP.HCM nên ra đồng sớm. Tôi cũng nấu bữa trưa sớm hơn để anh về có ăn ngay rồi đi cho kịp. Cha chồng tôi muốn ăn canh chua nên tôi nấu cho cả nhà cùng ăn”.

Chị Hằng chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, không vì vậy mà anh Nguyễn Thành Đạt (chồng chị Hằng) giao hết việc nhà cho vợ. Ra đồng về, thấy vợ đã nấu ăn xong, anh lấy chén, đũa cùng vợ dọn cơm ra bàn ăn. Trước đó, anh đã cẩn thận để phần thức ăn cho cha mình.

Anh Đạt giải thích: “Vợ chồng tôi cưới nhau chỉ có hai bàn tay trắng. Nếu vợ chồng không đồng lòng sẽ không được như hôm nay. Bà xã tôi vừa chăm lo việc nhà, vừa hỗ trợ tôi làm kinh tế”.

Anh Đạt cũng luôn sẵn sàng “xắn tay” làm việc nhà. Việc lớn hay nhỏ trong nhà, vợ chồng anh đều cùng nhau bàn bạc, đôi lúc, anh chiều theo ý vợ vì “PN cần được nuông chiều hơn mà!”.

Anh Đạt, chị Hằng đều là thành viên các hội, đoàn thể của xã. Được chồng ủng hộ và tạo điều kiện, chị Hằng còn tham gia Ban Công tác Mặt trận ấp 4A, cùng ban ấp vận động người dân thực hiện nhiều công trình trên địa bàn như mở rộng, tráng bêtông đường giao thông nông thôn, trồng cây 2 bên đường,...

Chị Hằng bộc bạch: “Tham gia công tác của ấp, tôi có nhiều cơ hội tham gia các lớp tập huấn, tiếp cận kiến thức mới, có thêm kỹ năng về chăm sóc gia đình cũng như ứng xử với các thành viên trong nhà. Gia đình tôi luôn đặt sự yêu thương và tôn trọng giữa các thành viên lên hàng đầu”.

Yêu thương và tôn trọng là nguyên tắc xây dựng gia đình hạnh phúc của vợ chồng anh Nguyễn Thành Đạt, chị Huỳnh Thị Thúy Hằng

Việc thực hiện BĐG ngày nay đạt nhiều kết quả tích cực. Các cấp, các ngành vẫn đang nỗ lực trong công tác tuyên truyền bởi mỗi sự thay đổi đều là kết quả của một quá trình dài.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp PN tỉnh - Nguyễn Thụy Thắm, việc bất BĐG thể hiện ở nhiều mặt trong đời sống xã hội: Lựa chọn giới tính thai nhi, phân biệt trong cách chăm sóc và giáo dục trẻ, phân biệt trong việc định hướng lựa chọn nghề nghiệp của trẻ,... Để bảo vệ PN, trẻ em thì biện pháp hữu hiệu nhất chính là truyền thông, nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng cho tất cả đối tượng, thành viên trong gia đình.

Bà Nguyễn Thụy Thắm khẳng định: “Chỉ khi nào sự tôn trọng cảm xúc, tôn trọng cái riêng của mỗi người được nâng lên mới có thể giảm bớt tình trạng bất bình đẳng. PN, trẻ em cần được tôn trọng, đối xử công bằng. Điều đó yêu cầu từng cá nhân phải có kiến thức và kỹ năng”.

...đến toàn xã hội

Trong xã hội ngày nay, việc bạo hành trên cơ sở giới thường không thể hiện dưới hình thức bạo hành thể chất mà là bạo hành bằng lời nói, kiểm soát về kinh tế và bạo hành tình dục. Việc tuyên truyền về BĐG được các địa phương, hội, đoàn thể thực hiện thường xuyên nhằm giảm thiểu tình trạng bất BĐG trong gia đình.

Việc giáo dục giới tính trong trường học giúp trẻ em tự bảo vệ mình (ảnh tư liệu: Ngọc Thạch)

Các lớp tập huấn, tuyên truyền được Hội Liên hiệp PN tổ chức thường xuyên ở tất cả các cấp từ tỉnh đến xã. Bên cạnh đó, Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh cũng tổ chức nhiều buổi nói chuyện, tuyên truyền, giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh, tính đến nay, có khoảng 5.000 học sinh được tham gia. Các hội, đoàn thể và các địa phương cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trạch, huyện Cần Đước - Hà Anh Kiệt cho biết: “Xã luôn chú trọng thực hiện BĐG thông qua công tác tuyên truyền, đặc biệt là Hội Liên hiệp PN xã. Ngoài ra, xã còn cung cấp đến người dân các số điện thoại để được hỗ trợ, can thiệp kịp thời và ngăn chặn tình trạng bạo lực xảy ra”.

Cán bộ Hội là “cầu nối”thực hiện bình đẳng giới (Trong ảnh:chi hội trưởng chi hội Phụ nữ ấp Bình cang 1, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa - Trần Thị Mười (bên trái) trao đổi cùng Chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Thạnh)

Thông tin từ Hội Liên hiệp PN tỉnh, đến nay, hầu như 100% chi hội trưởng các chi hội PN trong tỉnh đều được tiếp cận, tập huấn kiến thức về bảo vệ PN, trẻ em. Họ là “cầu nối” quan trọng giữa PN, trẻ em tại địa phương với chính quyền, cơ quan chức năng khi có vấn đề bạo hành xảy ra.

Có hơn 10 năm làm Chi hội trưởng Chi hội PN ấp Bình Cang 1, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, bà Trần Thị Mười là “địa chỉ” tin cậy của hội viên, PN mỗi khi gặp vấn đề trong cuộc sống, hôn nhân. Bằng kinh nghiệm sống, kiến thức được tập huấn, bà giảng giải, giúp chị em có thêm kỹ năng trong ứng xử với các thành viên khác trong gia đình.

Bà Mười chia sẻ: “Dù lớn tuổi nhưng bất kỳ đợt tập huấn nào tôi cũng tham gia. Tôi học để có thêm kiến thức về hỗ trợ các chị em. Theo tôi, sự tự chủ về kinh tế quyết định một phần quan trọng trong việc thực hiện BĐG. Những năm gần đây, khi kinh tế phát triển, hội viên, PN có việc làm ổn định, những xích mích, cãi vã trong gia đình cũng ít dần. Tôi rất mừng vì từ đầu năm đến nay, không có chị em nào “cầu cứu” tới mình”./.

Luật chỉ mang sức mạnh “cứng”, còn muốn thay đổi được, thu hẹp được khoảng cách, phá bỏ định kiến giới để tiến tới BĐG, chúng ta phải kiên trì trên một sức mạnh “mềm”, thay đổi được tư tưởng đã ăn sâu vào gốc rễ truyền thống của rất nhiều gia đình Việt Nam.

Sức mạnh mềm ấy là gì? Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nhận thức, hình thành tư tưởng cho mỗi cá nhân. Trước tiên đó là giáo dục trong gia đình, xóa bỏ định kiến giới, con trai hay con gái cũng cần được đối xử như nhau (...).

Về phía xã hội, các đoàn thể tổ chức, cũng cần phải có những tiêu chí cụ thể, hạn chế ít nhất sự thiên vị mang tính bảo vệ PN (...). Khi mà cách ứng xử xã hội thay đổi đối với giới thì có thể góp phần phá bỏ được định kiến giới, mọi quy định bất thành văn trong lịch sử sẽ thay đổi theo chiều hướng phù hợp.

Trích bài viết Xóa bỏ định kiến giới để xây dựng bình đẳng giới thực chất (Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Quế Lâm