Tuchel thay đổi Chelsea

Lúc này, nhiều người sẽ so sánh những gì Tuchel đang làm được với những gì Chelsea đã trải qua dưới bàn tay Lampard ở mùa giải này. So sánh là thói quen mà chúng ta thực sự khó bỏ, dù tự mỗi người đều hiểu rằng so sánh nào cũng là khập khiễng.

Ở trường hợp của Chelsea, sự so sánh có thể làm tổn thương những ai yêu mến Lampard, một biểu tượng của CLB. Nhưng thực sự, chúng ta cũng cần tìm hiểu Tuchel đã làm khác Lampard như thế nào để có thể hồi sinh Chelsea như lúc này?

Phương pháp quản trị cứng rắn và mềm mỏng

Chúng ta hãy bắt đầu câu chuyện Chelsea bằng một vị trí tân binh, vị trí của Thiago Silva. Ký hợp đồng với Silva quả thật là một món hời thực sự với Chelsea, khi họ cần những người kinh nghiệm dày dặn, ở đẳng cấp thế giới để sát cánh và nâng đỡ lớp trẻ trưởng thành. Tuy nhiên, Lampard không phải là người đi tìm đến Silva. Ông chỉ là người chào đón Silva sau khi Granovskaia đạt được thỏa thuận với Silva mà thôi.

Người đại diện của Silva tìm đến Chelsea thì đúng hơn, sau khi Leonardo của PSG đã điện thoại cho người đội trưởng 8 năm gắn bó với CLB thủ đô nước Pháp để thông báo đại ý rằng CLB sẽ không gia hạn hợp đồng với Silva, nhưng muốn anh ký thêm 3 tháng để đi nốt chặng đường Champions League 2019/20.

Khi Leonardo gặp Silva sau trận chung kết Champions League để thể hiện PSG thay đổi quyết định và muốn Silva ở lại, anh đã nói đại ý, hứa về với Chelsea rồi và lời hứa ấy là không thể thay đổi.

Đó cũng là lúc Silva nhận được tin nhắn chào đón đến với Chelsea từ Lampard. Nội dung tin nhắn đó là gì? Một bức ảnh được chụp từ năm 2013. Trong bức ảnh đó, Lampard bắt tay Silva ở tư cách thủ quân đội tuyển quốc gia khi Brazil và Anh gặp nhau trong một trận giao hữu. Silva cảm thấy bất ngờ khi nhận được một tin nhắn như thế.

Với nhiều người, đó quả là một lời chào ấm cúng, gần gũi, thân thiện, nhưng sẽ có những HLV không làm như thế. Đơn giản, đối với họ, đó là một cách thể hiện không cần thiết ở cương vị người quản trị. Nó không xác lập được vị thế giữa HLV và cầu thủ của mình. Nó thể hiện sự ngang hàng nhiều hơn. Tất nhiên, điều may mắn với Lampard là Silva thuộc mẫu cầu thủ trách nhiệm cao nên không lấy đó làm “nhờn”.

Song, đó có thể là minh chứng cho sự mềm mỏng của Lampard, sự mềm mỏng quá mức và không cần thiết. Cách quản trị mềm mỏng này có thể sẽ không khiến các cầu thủ cảm thấy áp lực cần có trong việc chứng tỏ mình xứng đáng ra sân nhất trong mắt HLV. Nó cũng sẽ có thể làm Lampard vô tình phải tỏ ra thiếu quyết đoán hơn khi cầu thủ luôn được đặt ở vị thế khá bình đẳng với một HLV trước đó chưa lâu cũng lăn lê trên sân như họ.

Tuchel làm thay đổi tâm lý và khát vọng của cầu thủ Chelsea. Ảnh: Getty.

Còn Tuchel thì sao? Trận gặp Southampton, phút 46, Tuchel rút Tammy Abraham ra sân, đưa Hudson-Odoi vào. 30 phút sau, nhìn thấy Hudson-Odoi không làm được đúng ý mình, thể hiện không tốt, ông thay Hudson-Odoi bằng Ziyech. Đó là một thông điệp sắt đá và cụ thể: Không làm được thì nghỉ.

Tuy nhiên, Tuchel không cứng rắn đến lạnh lùng. Sau trận cầu đó, ông gặp riêng, chỉ rõ cho Hudson-Odoi hiểu tại sao cậu ta bị thay ra sau 30 phút trên sân và cho cậu hiểu ông đòi hỏi gì, yêu cầu gì. 4 ngày sau, Hudson-Odoi được đá chính ở Champions League và chơi rất tốt. Thông điệp lúc này càng cụ thể hơn: Tôi chỉ đánh giá trên năng lực.

Tuchel lợi thế hơn Lampard ở điểm tiếp cận quản trị này, bởi ông xa lạ với Chelsea. Ông chỉ đang trong quá trình tìm hiểu CLB, hòa nhập vào văn hóa CLB chứ không hiểu nó từ trong lòng một cách sâu sắc như Lampard. Chính sự hiểu quá mức Chelsea khiến Lampard nhiều khi phải chùn chân trước vài “vùng cấm” nào đó. Tuchel thì khác. Trước mắt tôi là hợp đồng, thành tích, kỳ vọng, mục tiêu chứ chẳng có thứ gọi là “vùng cấm” nào hết. Do đó, ông làm việc thoải mái hơn, “thẳng tưng” hơn và tất nhiên hiệu quả hơn.

Chúng ta quay trở lại thêm với chuyện Silva. Mới đá cho Chelsea được 2 trận, Silva đã được trao băng đội trưởng. Chính hậu vệ Brazil còn phải ngạc nhiên, bởi anh không nói được tiếng Anh, hiểu tiếng Anh. Là một thủ quân, việc trao đổi với phần còn lại của đội bóng rất quan trọng. Và Lampard đã có một quyết định quá vội và sai lầm. Nó có thể không chỉ khiến Silva ngỡ ngàng, mà còn làm phần còn lại của Chelsea cảm thấy khó hiểu.

Đó không phải là một cách tiếp cận đúng trong quản trị. Và nó là bài học lớn cho Lampard. Còn Tuchel thì sao? Ông và Silva quá gần gũi, quá hiểu nhau, cùng đi khỏi PSG một cách khá bẽ bàng bởi sự bạc bẽo của giới chủ, nhưng không có ưu đãi nào cho Silva cả. 11 trận của Tuchel đã trải qua, người được “ưng” hơn ở hàng thủ lại là Azpilicueta và Christensen mà đặc biệt là Christensen, với sự trở lại rất đáng thán phục.

Chelsea có bước nhảy vọt dưới thời Tuchel. Ảnh: Getty.

Chiến thuật ổn định và khoa học

Ở thời gian đầu của mùa giải, Lampard liên tục sử dụng Kante và kết cục dẫn tới Chelsea rất yếu ở hàng tiền vệ khi Kante có dấu hiệu quá tải. Đáng ngạc nhiên là trong tay Lampard vẫn còn Jorginho, còn Kovacic và không hiểu sao ông không cố gắng xoay tua họ để đảm bảo hàng tiền vệ của ông sung sức nhất. Và Chelsea bắt đầu gặp những khó khăn trên sân cỏ bắt đầu từ một tuyến tiền vệ hụt hơi so với đối thủ. Song, đó mới chỉ là một phần của câu chuyện sa sút mà thôi.

Rất nhiều trận, Chelsea để hổng không gian sau lưng 2 hậu vệ biên và lý do của nó không chỉ do 2 hậu vệ biên dâng cao đơn thuần. Họ thiếu sự bọc lót cần thiết của tiền vệ trung tâm. Trong bối cảnh Kante xuống sức như vậy, thật khó hiểu khi Lampard trung thành với 4-2-3-1, nhưng ông nhất quyết nói không với kết cấu tiền vệ 2 trụ.

Trong khi đó, Tuchel đến và thay đổi hoàn toàn hệ thống chiến thuật của Chelsea. Ông sử dụng hàng thủ 3 người, chơi với 2 trụ và luôn xoay tua luân phiên giữa Kovacic, Jorginho, Kante để chọn ra 2 tiền vệ trụ sung sức nhất, đạt phong độ nhất cho đội bóng.

Trong khi đó, ở tuyến trên, Tuchel cũng có những thay đổi rất đáng nể. Chọn 3-4-2-1, có lúc ông sử dụng một trong 2 hộ công thường lui về gần cặp tiền vệ trụ để tạo kết nối, có lúc ông lại sử dụng người đá cao nhất là người lùi lại kết nối. Cụ thể nhất là ở trận thắng Everton vừa rồi, Havertz là người xuất phát cao nhất trên hàng công Chelsea, nhưng anh luôn có xu hướng kéo về gần Jorginho và Kovacic.

Hình thế đội hình của Chelsea thời Tuchel cũng khoa học hơn dưới thời Lampard. Dưới thời Lampard, đội hình Chelsea chơi cao và giãn khá rộng. Điều đó dẫn tới các mối liên lạc giữa các cầu thủ, giữa các tuyến không được liền mạch và thuận tiện. Thêm nữa, Chelsea cũng không tạo thành được các khối phong tỏa khi đối phương có bóng, và họ dễ bị đối thủ khoét sâu vào các khoảng trống trước mặt thành Mendy.

Còn hiện tại, đội hình Chelsea chơi gần nhau hơn, với khoảng cách quân bình của người chơi thấp nhất và người chơi cao nhất luôn dao động ở khoảng 40-45 m. Về chiều ngang, hình thế đội hình của Chelsea lúc này cũng không mở rộng quá mức, luôn đảm bảo tính kết nối giữa các cầu thủ với nhau và khả năng chuyển hướng nhanh nhất khi cần thiết.

Thời Lampard, khi Werner mất động lực bởi hòa nhập chậm và áp lực kỳ vọng, Lampard không để ra các khoảng nghỉ cần thiết để Werner hồi phục tâm lý. Ông kiên nhẫn với Werner, nhưng cách kiên nhẫn ấy lại càng làm hại cầu thủ Đức hơn. Không những vậy, thành tích Chelsea cũng bị ảnh hưởng khi những người có thể chơi tốt như Pulisic lại “đóng băng” trên ghế dự bị.

Còn Tuchel thì khác. Ông nhận thấy xoay tua là thứ phải làm đối với một đội hình dồi dào cả 3 tuyến như Chelsea. Nhất là trong mùa giải có lịch thi đấu với mật độ bất thường như năm nay do dịch Covid-19, xoay tua lại càng cần thực hiện hơn. Nó vừa giúp đội bóng hồi phục nhanh, vừa duy trì động lực cạnh tranh cho chính các cầu thủ trong tay Tuchel.

11 trận của Tuchel, ông giữ rất ổn định hệ thống, bộ khung, lối vận hành, nhưng lại không cố định nhân sự ở cả 3 tuyến. Có thể nói, cả 3 tuyến của Chelsea, mỗi trận Tuchel đưa ra một phương án nhân sự khác nhau, nhưng vẫn đủ giữ được cái “lõi” của nó nhằm không bị ảnh hưởng bởi xáo trộn quá nhiều.

Tuchel thay đổi Chelsea rất tích cực, và ông đáng ngợi khen. Nhưng không vì thế mà chúng ta có thể nói Lampard kém cỏi hoặc không đủ trình độ để dẫn dắt một đội bóng lớn. Có thể Lampard chưa thể so sánh với Tuchel ở thời điểm này nhưng rõ ràng, Tuchel có lợi thế hơn Lampard ở bề dày kinh nghiệm.

Chelsea chia tay Lampard là việc phải làm bởi nếu không giành vé Champions League, họ sẽ gặp nhiều khó khăn lớn về tài chính ở mùa giải tới, có thể buộc phải bán bớt cầu thủ của mình. Và với Lampard, có lẽ ông hiểu. Không ai có thể thành công ngay từ ngày đầu bắt tay vào việc cả. Thất bại này, với ông, nhiều khi lại có lợi, bởi nó mang lại cho ông những bài học rất cụ thể cả về quản trị lẫn chiến thuật.

Biết đâu đó, ở tương lai, sau khi đi qua bài học lớn này, Lampard thành công ở đâu đó, để rồi ông được đón chào trở lại Chelsea, nơi với ông là nhà.

Phản ứng của Tuchel sau khi Havertz chơi ấn tượng Tiền vệ người Đức nhận lời khen từ HLV đồng hương sau khi ghi dấu ấn trong 2 bàn thắng của Chelsea trước Everton ở vòng 27 Premier League rạng sáng 9/3 (giờ Hà Nội).

Hà Quang Minh