Tư tưởng của Bác về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau

Bồi dưỡng thanh niên qua bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong bản Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một phần nói về vai trò của thanh niên và công tác thanh niên của Đảng. Điều này đã thể hiện tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Người đối với thanh niên và công tác thanh niên của Đảng. Người viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” . Đây chính là sự tổng kết, đúc rút vô cùng quý báu của Người từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên qua các thời kỳ cách mạng để tiếp tục định hướng việc giáo dục rèn luyện và phát huy mọi tiềm năng to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Bác Hồ với các cháu dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc (13-2-1969). Ảnh tư liệu.

“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Điều này cho thấy nhãn quan chính trị sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng của Người đối với vận mệnh của cả dân tộc.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn chăm lo đến việc bồi dưỡng, giáo dục thanh niên. Khi mới bắt đầu truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, Người đã chọn thanh niên là đối tượng đầu tiên. Tháng 11-1924, từ Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu, sáng lập ra Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, tổ chức các lớp huấn luyện chính trị đặc biệt, đào tạo bồi dưỡng những thành phần cách mạng cốt cán của thanh niên.

Từ cuối năm 1925 đến tháng 4-1927, dưới sự sắp xếp và lên kế hoạch cụ thể của Nguyễn Ái Quốc, 3 đoàn thanh niên gồm 75 người từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam đến Quảng Châu, tham gia vào lớp tập huấn chính trị, trong đó có hơn 20 người vào học quân sự tại Trường Hoàng Phố. Những thanh niên Việt Nam lần lượt đến Quảng Châu đã nhanh chóng trưởng thành trong học tập và thực tiễn đấu tranh, trở thành nòng cốt của cách mạng Việt Nam. Họ chính là những trái ngọt đầu mùa của chủ trương “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” của Người.

Ý nghĩa cho việc giáo dục thanh niên ngày nay

Hiện nay, trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, thế hệ trẻ Việt Nam luôn kiên định lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công vun trồng. Họ đã và đang chứng tỏ bản lĩnh, sức trẻ, sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm của mình. Họ đang ra sức tu dưỡng, học tập và rèn luyện về mọi phương diện, tích cực lao động sản xuất, tiến vào khoa học - công nghệ, để cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Rất nhiều phong trào thi đua được đông đảo đoàn viên, thanh niên, sinh viên và học sinh hưởng ứng, thực hiện.

Đảng, Nhà nước và xã hội đã có nhiều hình thức ghi nhận và tôn vinh những thanh niên, sinh viên và học sinh tiêu biểu, xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có thể nói, thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay vẫn xứng đáng với niềm tin yêu, sự khen ngợi và kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, một số bộ phận thanh niên còn chưa tốt về kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tham gia các hoạt động quốc tế. Để giúp thanh niên tự tin tham gia có hiệu quả vào hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, đòi hỏi Đoàn và Hội phải có các hoạt động hỗ trợ thanh niên có kỹ năng, kỷ luật, có tác phong lao động công nghiệp và nếp sống văn minh.

Thế hệ thanh niên ngày nay được sống, lao động, học tập trong môi trường hòa bình; được thừa hưởng những thành quả của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và công cuộc đổi mới đất nước; được cống hiến và trưởng thành trong sự ổn định về chính trị, sự phát triển vững chắc của kinh tế – xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; được gia đình và xã hội dành cho nhiều cơ hội học tập để có trình độ học vấn, chuyên môn cao hơn các lớp thanh niên đi trước. Những lợi thế đó là hành trang giúp thanh niên vững bước tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tư tưởng “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” là tinh thần xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên của Đảng. Quán triệt tư tưởng của Người, cầnđặc biệt chăm lo bồi dưỡng, giáo dục rèn luyện thanh niên có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức, có năng lực để xứng đáng với vai trò là người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên” như Bác đã căn dặn.

Tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bác nhắc nhở trách nhiệm của tuổi trẻ với phong trào thi đua yêu nước: “Thanh niên là công dân của nước Việt Nam độc lập, tự do, có Đảng, có Đoàn của mình, có chính quyền, có mặt trận, có quân đội của mình, là người chủ tương lai của nước nhà mình. Chính vì là người chủ tương lai, cho nên toàn thể thanh niên ta phải đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu anh dũng, vượt mọi khó khăn, thi đua giúp sức vào sự nghiệp xây dựng một nước nhà tốt đẹp - một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh...”

Anh Hùng