'Từ trong ký ức' - một cuộc thi độc đáo

Sáng 29-7, Báo Người Lao Động tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi viết "Từ trong ký ức" năm 2020-2021, dưới hình thức trực tuyến. Dự lễ trao giải, ngoài các thành viên Ban Biên tập và Ban Tổ chức (BTC) còn có 7 tác giả đoạt giải (đang cư trú tại nhiều tỉnh, thành khác nhau); các thành viên Ban Chung khảo và đại diện đơn vị tài trợ chính (Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM - HDBank), đơn vị đồng hành (FE Credit).

Giá trị của quá khứ kết nối hiện tại và tương lai

Tổng kết cuộc thi, nhà báo Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng BTC, Trưởng Ban Chung khảo cuộc thi "Từ trong ký ức" 2020-2021 - cho biết đây là cuộc thi nhận được số lượng bài dự thi nhiều nhất từ trước đến nay so với tất cả các cuộc thi viết Báo Người Lao Động từng tổ chức, gần 850 bài. Từ đó cho thấy sức hút của cuộc thi và nhu cầu được kể, được chia sẻ của bạn viết - bạn đọc rất nhiều.

Buổi tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Từ trong ký ức” năm 2020-2021 được tổ chức trực tuyến sáng 29-7 (ảnh chụp màn hình)

"Cuộc thi đã khơi gợi đúng vào một kho tàng chuyện kể đa dạng, phong phú, có giá trị trong xã hội, được dành cất ở những tầng vỉa sâu xa lâu nay. Nhờ cuộc thi "Từ trong ký ức" mà những câu chuyện ấy đã được đến với bạn đọc nhiều nơi. Ngoài khả năng dẫn dắt mạch chuyện, phân lớp tình tiết, chọn cao trào cho tác phẩm rất có nghề thì nội dung và thông điệp của những câu chuyện được kể cũng hết sức sâu sắc. Những bài được chọn đăng đều hay và có thể khẳng định những tác phẩm đoạt giải là vượt trội hơn cả. Dẫu là chuyện của quá khứ nhưng vẫn mang nhiều giá trị cho hiện tại, và cả tương lai" - nhà báo Tô Đình Tuân nhận xét.

Các bài viết tham dự "Từ trong ký ức" có nội dung chân thực, chính xác, có kịch tính, cao trào và được diễn đạt mạch lạc... đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc và hấp dẫn của bạn đọc gần xa suốt cả năm qua. Người viết là người trong cuộc hoặc là chứng nhân của câu chuyện; hoặc là người có liên quan trực tiếp đến sự việc được kể nên tạo sự lôi cuốn, thuyết phục rất tự nhiên.

Giám khảo đều là những gương mặt giàu kinh nghiệm, uy tín, đã làm việc cẩn trọng, công tâm, đầy tinh thần trách nhiệm để chọn ra những bài xứng đáng đoạt giải. Nhà báo Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM, thành viên Ban Chung khảo - tin rằng: "Đây là cuộc thi độc đáo, độc đáo ngay từ cái tên. Dù có nhiều cuộc thi viết song cuộc thi này có tính riêng biệt. Các bài viết về những bối cảnh khác nhau, từ thời chiến đến khi hòa bình, đều toát lên sự bi tráng, từ trong những hoàn cảnh đau khổ, ngặt nghèo thì nghị lực con người càng mãnh liệt. Những câu chuyện được kể cụ thể từ người trong cuộc đều là những hoàn cảnh không trọn vẹn, rất chân thực và cảm động, chạm vào trái tim của cộng đồng. Bạn đọc có thể bắt gặp hình ảnh của mình, hay của gia đình mình một thời"...

Buổi trao giải khó quên

Dự lễ trao giải trực tuyến sáng 29-7, tác giả Tú Nguyên (đoạt giải ba, với tác phẩm: "Châu An Thuận, thầy Quẹo và tôi") đã trải lòng bằng cách tóm tắt câu chuyện tái hiện hành trình bản thân vượt lên nghịch cảnh, từ cậu bé khuyết tật ở cánh tay bị bạn bè xa lánh đã phấn đấu học giỏi, đậu đại học và trở thành thầy giáo. Thông điệp tác giả gửi gắm là đừng bao giờ đầu hàng số phận và mọi người phải biết sống thương yêu nhau. Ông nhận xét: "Từ trong ký ức là sân chơi tương tác giữa người làm báo chuyên nghiệp và người làm báo nghiệp dư như chúng tôi. Đây là tư duy mới của Ban Biên tập…".

Tác giả Trần Cao Duyên (đoạt giải nhất, với tác phẩm "Bóng trăng ngày ấy") tâm sự rằng câu chuyện gia đình ông - bị chia cắt trong chiến tranh và xung đột trong ngày đoàn tụ lúc hòa bình lập lại - đã ám ảnh ông suốt mấy chục năm. Nhờ "Từ trong ký ức", ông đã giải tỏa được. "Cuộc thi đã kích hoạt được những vùng ký ức của đời người với tất cả cung bậc cảm xúc" - tác giả nhận xét.

Đáng chú ý, tác giả Trần Xuân Lên (đoạt giải khuyến khích, với tác phẩm "Nhớ mãi chiến trường K") dự trực tuyến từ khu cách ly Covid-19 ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, sau khi bày tỏ niềm xúc động khi đoạt giải đã xin trích 1 triệu đồng từ tiền giải thưởng để ủng hộ quỹ phòng chống dịch của TP HCM. Hai cô gái trẻ Hoàng Anh Linh (giải khuyến khích, với tác phẩm "Chuyến đi cuối cùng của nội"), Ngọc Trâm (giải ba, với tác phẩm "Phép mầu tình mẹ") cho biết cảm thấy bất ngờ và hạnh phúc khi được nhận giải thưởng vì "đọc thấy bài viết của ai cũng thật hay và cảm động", "buổi nhận giải hôm nay là sự kiện thật đặc biệt và sẽ ở lại mãi trong tôi". Tác giả Trâm Oanh (giải nhì, với tác phẩm "Tiếng đàn măng-đô-lin trên sóng") thì do quá xúc động với hồi ức của bản thân nên không nói thành lời, nhờ người dẫn chương trình đọc giúp phần tâm sự của mình.

Và, trong bộ blouse trắng ngành y, tác giả Huỳnh Thị Thanh Truyền sau khi nhận được sự khen ngợi của các thành viên Ban Chung khảo về bài viết dung dị mà sinh động, có nhiều chi tiết đắt và đấm tính nhân văn, giàu tính thời sự…, cũng đã bộc bạch về quãng thời gian công tác 13 năm tại Bệnh viện miễn phí Cần Giờ trước khi chuyển về Bệnh viện Từ Dũ cho đến nay. Những năm tháng ấy đã cho chị những chất liệu làm nên bài viết "Những ca đỡ đẻ nhớ đời trên đường Rừng Sác" xuất sắc đoạt giải cao nhất - giải đặc biệt.

Không có cảnh bắt tay, trao hoa và bằng chứng nhận trên sân khấu nhưng những tràng pháo tay vẫn vang lên rộn rã sau mỗi phần phát biểu. Chương trình khép lại với tấm ảnh lưu niệm "kỳ lạ" nhất chụp qua màn hình máy tính, hai bàn tay làm biểu tượng trái tim, như trao gửi những yêu thương và lời chúc an lành cùng vượt qua đại dịch Covid-19…

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ, ĐỒNG HÀNH

Hồ Xuân Huy