Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TPHCM: Chờ cơ chế để vận hành

Nơi hội tụ cộng đồng ởi nghiệp

Ngày 1-10-2020, khởi công xây dựng Trung tâm KNST tại số 123 đường Trương Định, quận 3 với vốn đầu tư 323 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Thời gian thi công có phần chậm trễ so với kế hoạch ban đầu do trúng đợt dịch Covid-19 bùng phát năm 2021-2022, song đến nay đã hoàn thiện hơn 90%.

Tòa nhà Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TPHCM tại số 123 đường Trương Định, quận 3. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo bà Phan Thị Quý Trúc, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (Sở KH-CN TPHCM), Trung tâm KNST là đơn vị sự nghiệp công lập do TPHCM quản lý; là đầu mối kết nối, tổ chức hoạt động, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; làm động lực hình thành mạng lưới hỗ trợ hoạt động KNST ở quận huyện, viện trường, doanh nghiệp... và các địa phương kết nối với TPHCM.

“Trung tâm KNST TPHCM là nơi triển khai các chính sách hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khi thực hiện Nghị quyết 98 như miễn giảm thuế, hỗ trợ không hoàn lại dự án khởi nghiệp từ 40-400 triệu đồng, thử nghiệm chính sách về sản phẩm dịch vụ mới, thu hút chuyên gia và nhà khoa học cho các trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế”, bà Phan Thị Quý Trúc nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Tổ chức Startup Genome (chuyên nghiên cứu và tư vấn chính sách hàng đầu thế giới), TPHCM nằm trong nhóm 81-90 thị trường startup mới nổi toàn cầu và hiện có hơn 2.000 startup, chiếm 0,5% số lượng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Còn báo cáo của Sở KH-CN TPHCM cho biết, năm 2023, TPHCM đã hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 2.586 doanh nghiệp; ươm tạo phát triển 308 dự án, trong đó có 27 đơn vị được đăng ký tài sản trí tuệ; hỗ trợ 40 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm.

Tuy nhiên, Sở KH-CN nhận định, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố năm 2023 vẫn còn hạn chế như chất lượng hỗ trợ của thành phố chưa cao; năng lực các cơ sở trung gian hỗ trợ doanh nghiệp còn thấp; một số trường đại học và tổ chức nghiên cứu công lập hoạt động chưa hiệu quả trong việc đóng góp kinh tế, chuyển giao công nghệ, hợp tác và phát triển các dự án phụ trợ… Chính vì vậy, việc sớm đưa Trung tâm KNST vào hoạt động phần nào khắc phục những hạn chế nói trên và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố.

Sớm có cơ chế để chính thức hoạt động

Khi đi vào vận hành, Trung tâm KNST TPHCM là đơn vị đầu tiên của cả nước ứng dụng nền tảng trực tuyến (H.O.I.P) tập trung hệ thống dữ liệu của hệ sinh thái để các doanh nghiệp, startup đăng ký và tham gia các chính sách hỗ trợ của thành phố. Hệ thống này đã vận hành, sẵn sàng kết nối với cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo đó, Trung tâm KNST có các khu vực: hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do nhà nước phụ trách (không gian làm việc chung, không gian kết nối mở, phòng đào tạo…); không gian thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư, thiết kế triển khai các chương trình ươm tạo và tăng tốc; không gian ưu tiên các lĩnh vực giải pháp công nghệ cho thành phố thông minh (Big data, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of thing (IoT), chính phủ điện tử…); thương mại điện tử (E-commerce); công nghệ tài chính (Fintech); công nghiệp sáng tạo (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh - triển lãm, quảng cáo và du lịch văn hóa, truyền thông…); khoa học sự sống - Life Science.

Ngoài ra, còn có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo theo phương thức kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa với cộng đồng khởi nghiệp. Hiện nay, nhiều đơn vị đã liên hệ với Sở KH-CN để được hoạt động tại đây, tuy nhiên thủ tục, điều kiện cho các đơn vị khởi nghiệp vẫn chưa được thông qua.

Bên cạnh đó, đề án của Trung tâm KNST cũng nêu phương án khai thác hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên các thủ tục thực hiện đấu thầu, tuyển chọn theo hình thức cung cấp không gian làm việc theo giá thị trường và có ưu đãi (do HĐND TPHCM quy định) với các đơn vị có năng lực và chức năng phù hợp với tiêu chí có đóng góp vào sự phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên của thành phố... chưa rõ ràng khiến chức năng hoạt động của trung tâm chưa thật rõ nét.

Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng đề nghị lãnh đạo thành phố, các sở, ngành liên quan sớm có ý kiến đóng góp về đề án, ban hành các quyết định liên quan đến hoạt động của Trung tâm KNST để trung tâm sớm đi vào hoạt động, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

BÁ TÂN