Trung Quốc trải qua thảm khốc nghìn năm, cảnh báo khẩn cấp

Ngày 21/7, mức độ ứng phó khẩn cấp cấp độ II đã được đưa ra tại tỉnh miền Trung Hà Nam của Trung Quốc sau khi khu vực này chứng kiến trận mưa lũ được cho là chưa từng ghi nhận trong nghìn năm qua.

Trận mưa lũ được ghi nhận là ở mức cao chưa từng thấy trong 1.000 năm qua. Ảnh: SHINE

Bộ Quản lý Khẩn cấp nước này đã điều động 1.800 lính cứu hỏa từ các tỉnh lân cận, được trang bị hơn 250 xuồng cao tốc để hỗ trợ sứ mệnh khắc phục thảm họa.

Trước đó, Quân đội Trung Quốc đã điều động hơn 3.000 binh sĩ hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn.

Mưa lớn sẽ tiếp tục đổ xuống Hà Nam trong 3 ngày tới do ảnh hưởng của bão In-fa, với một số khu vực có thể hứng chịu lượng mưa lên tới 280 mm mỗi ngày.

Từ ngày 17/7-20/7, thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, đã ghi nhận lượng mưa 617,1 mm, gần bằng lượng mưa trung bình 640,8 mm hàng năm của thành phố này. Các nhà khí tượng học địa phương đánh giá lượng mưa ở Trịnh Châu trong ba ngày qua là "nghìn năm có một".

Mưa lũ cuốn ô-tô cùng bùn đất đổ dạt vào một góc đường.

Giới chức Trung Quốc cho biết, ít nhất 25 người thiệt mạng và 1,24 triệu người dân tại tỉnh Hà Nam đã chịu ảnh hưởng do đợt mưa lớn do bão từ cuối tuần trước, khiến nhiều đoạn sông bị sạt lở và gây ngập lụt ở hàng chục thành phố, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người.

Theo tờ Channel News Asia, khoảng 100.000 người dân sinh sống tại thành phố Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã được sơ tán, trong khi các tuyến đường sắt và đường bộ tại nơi đây đều bị gián đoạn do mưa lũ.

Mực nước tại nhiều đập và hồ chứa nước trong tỉnh Hà Nam đã dâng cao tới mức báo động, buộc chính quyền trung ương phải điều động hàng chục nghìn binh sĩ tới tỉnh này để triển khai công tác phòng chống lũ lụt và cứu hộ người dân gặp nạn.

Tàu điện ngầm ngập trong nước.

Mưa lũ cũng khiến con đập Yihetan ở Thành phố này xuất hiện vết nứt dài 20 mét. Một lữ đoàn công binh thuộc biên chế quân đội Trung Quốc đã được điều đến hiện trường để cho nổ một đoạn kè gần con đập, nhằm giảm bớt áp lực của nước lũ cũng như hóa giải nguy cơ vỡ đập.

Tại thành phố Trịnh Châu bên bờ sông Hoàng Hà, lượng mưa hơn 200mm đã đổ xuống chỉ trong một giờ vào ngày 20/7, buộc thành phố phải dừng hệ thống tàu điện ngầm, đóng cửa đường cao tốc và hoãn các chuyến bay. Mưa lũ lớn khiến hàng trăm người mắc kẹt trong một chuyến tàu điện ngầm ngập nước ở thành phố Trịnh Châu.

Lực lượng cứu hộ hôm 20/7 khoét một lỗ trên nóc tàu và dùng dây thừng sơ tán từng hành khách đến nơi an toàn. Một số tài khoản mạng xã hội đưa tin có hành khách chết đuối trong toa tàu, song thông tin này không được kiểm chứng và giới chức Trịnh Châu cũng không xác nhận.

Nước sông dâng cao cũng đe dọa Hang đá Long Môn, gần thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Hang đá Long Môn là di sản thế giới của UNESCO, với những tượng Phật được khắc trên vách đá vôi có tuổi đời hàng thiên niên kỷ.

Hang đá Long Môn tại Trung Quốc ở thời điểm chưa bị nước lũ dâng.

Cũng như Hang đá Long Môn, chùa Thiếu Lâm ở thành phố Đăng Phong - nổi tiếng là cái nôi võ thuật - cũng tạm thời đóng cửa.

Cũng tại Đăng Phong, một nhà máy hợp kim nhôm đã phát nổ vào ngày 20/7 sau khi nước từ một con sông tràn vào nhà máy.

Ít nhất 31 hồ chứa vừa và lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã vượt mức cảnh báo.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay tuyên bố trận lũ chết người ở tỉnh Hà Nam "vô cùng nghiêm trọng". Loạt công ty và một ngân hàng nhà nước Trung Quốc cho biết đã quyên góp, hỗ trợ khẩn cấp cho chính quyền Hà Nam hơn 1,9 tỷ nhân dân tệ (khoảng 299 triệu USD).

Clip quân đội Trung Quốc cho nổ bờ kè cứu đập nước:

Kim Hoa