Trí tuệ nhân tạo thắng tuyệt đối tiêm kích F-16 do phi công điều khiển

Mỹ đã tiến hành thử nghiệm những cuộc không chiến tầm ngắn đầu tiên thông qua thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI), để tự động điều khiển máy bay X-62A VISTA chống lại tiêm kích F-16 do phi công điều khiển.

Cơ quan Dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến của Mỹ (DARPA) thông báo rằng chương trình Air Combat Evolution (ACE) đang được triển khai một cách tích cực nhằm đưa ra cái nhìn rõ hơn về một hình thức tác chiến tương lai.

X-62A VISTA là một chiếc F-16 được sửa đổi thuộc về Trường phi công thử nghiệm đặt tại căn cứ không quân Edwards, trước đây được sử dụng để kiểm tra các công nghệ hàng không vũ trụ tiên tiến và trong những năm gần đây là đánh giá khả năng của chuyến bay tự hành

Chương trình ACE - vốn là một cuộc "không chiến" giữa máy bay có người lái và phi cơ do AI điều khiển, đã hoạt động được 4 năm, nhằm mục đích khám phá cách trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ tác chiến trên không như thế nào.

Ngoài ra chương trình cũng để củng cố sự tự tin của phi công trong các cuộc không chiến như vậy, khi chứng minh công nghệ có thể hoạt động đáng tin cậy và an toàn.

Bởi vì nếu cho đến gần đây, Quân đội Mỹ đã sử dụng công nghệ tự hành cho nhiệm vụ đơn giản như hệ thống tránh va chạm, thì chiến đấu trên không là yêu cầu hoàn toàn mới, phức tạp và khó đoán hơn nhiều.

"Chính vì vậy, đây là là một bộ kỹ năng hoàn toàn khác phải được cung cấp cho trí tuệ nhân tạo", Đại tá James Valpiani của Trường phi công thử nghiệm cho biết trên tờ Defense News.

Chương trình ACE được triển khai với các trận không chiến mô phỏng trên máy tính, trong đó những chiếc X-62A dưới sự điều khiển của trí tuệ nhân tạo đã có thể đánh bại một nhóm phi công với tỷ số tuyệt đối 5 - 0.

Nhưng vấn đề chính ở đây lại là "dạy" các quy tắc an toàn cho máy móc, cũng như một số yêu cầu khác, chẳng hạn như vùng sát thương của một loại vũ khí cụ thể.

Vào tháng 12/2022, cũng như vào tháng 4/2023, Không quân Mỹ cùng với DARPA đã bắt đầu tiến hành các chuyến bay thử nghiệm thực sự của X-62A VISTA và tới tháng 9/2023, họ đã quyết định thực hiện bài đối kháng trong thực tế.

Tiêm kích F-16 và X-62A đã tham gia một số tình huống khác nhau, bao gồm cả trường hợp mà máy bay do AI điều khiển bắt đầu trận chiến ở vị trí bất lợi - cần lưu ý rằng chúng thường duy trì tốc độ cao.

Cần nhấn mạnh, vẫn còn hai phi công trong buồng lái của chiếc X-62A VISTA "tự hành" - nhưng họ không can thiệp vào việc điều khiển máy bay mà chỉ kiểm tra hệ thống và chuyển đổi giữa các tùy chọn khác nhau của trí tuệ nhân tạo.

Nhìn chung, X-62A VISTA dưới sự điều khiển của trí tuệ nhân tạo đã cho thấy kết quả tốt và nhiều khả năng đã được thử nghiệm. Đồng thời, dữ liệu về số lần VISTA đánh bại được chiếc F-16 có người lái vẫn còn là một ẩn số.

Tuy nhiên một trong những bài học rút ra từ cuộc thử nghiệm là phần mềm AI có thể được điều chỉnh và tải trực tiếp lên máy bay nhanh như thế nào trong suốt chuyến bay.

DARPA cũng từ chối cho biết liệu những nỗ lực của chương trình ACE có thể dẫn tới việc tạo ra một phi đội máy bay chiến đấu không người lái hay không - một tầm nhìn kế hoạch mà Không quân Mỹ cho rằng thuộc trách nhiệm của họ.

Ngoài ra kinh nghiệm của chương trình ACE có thể được sử dụng cho máy bay không người lái hợp tác (CCA) sẽ bay trên bầu trời cùng với F-35 và sau này là với tiêm kích NGF thế hệ thứ sáu trong tương lai, được tạo ra theo chương trình NGAD.