Trăn trở với cây cà phê xứ lạnh ở Kon Tum

Hiện chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao sản lượng và chất lượng hướng tới xây dựng được thương hiệu “Cà phê xứ lạnh Tum”.

Trong tổng diện tích 3.500ha cây cà phê xứ lạnh Arabica của tỉnh Kon Tum riêng địa bàn huyện Tu Mơ Rông hiện có 1.700ha.

Ông Dương Thái Khoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khẳng định, thực tế cho thấy cây cà phê xứ lạnh rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa bàn nhiều xã trong huyện. Quá trình phát triển mở rộng diện tích cây cà phê xứ lạnh của địa phương cũng khá luận lợi. Với thu nhập vượt trội so với cây mì, cây lúa, cây cà phê xứ lạnh đang giúp người dân với chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số Xơ Đăng có thêm thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo.

Quả cà phê xứ lạnh Arabica

Theo ông Khoa: “Dưới sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể mặt trận từ cấp huyện xuống xã, sự hưởng ứng đồng bộ của nhân dân, việc triển khai cây cà phê xứ lạnh đã mang lại hiệu quả, thu nhập cho nhân dân góp phần xóa đói giảm nghèo. Cây cà phê xứ lạnh này cũng là một cây tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Huyện tiếp tục tập trung phát triển cây cà phê này trên địa bàn huyện”.

Mặc dù cây cà phê xứ lạnh được trồng tại 3 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông của tỉnh Kon Tum đã chứng tỏ được hiệu quả bước đầu song cũng có nhiều hạn chế cần khắc phục. Nổi cộm là việc đa số các vườn cà phê có quy mô nhỏ lẻ, ít được đầu tư chăm sóc, năng suất thấp. Trong 2.800ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân chỉ đạt 13,4 tạ cà phê nhân/ha. Nhiều hộ dân còn thu hái quả xanh dẫn đến chất lượng chưa đảm bảo…

Ông Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kon Plông cho biết, giải pháp của huyện là hình thành các vùng trồng cà phê xứ lạnh tập trung với quy mô lớn; tuyển lựa các loại giống mới phù hợp; tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nắm vững, tuân thủ quy trình kỹ thuật từ khâu chăm sóc đến thu hoạch; đẩy mạnh mô hình liên kết giữa người dân với các Hợp tác xã, doanh nghiệp để phát triển cây cà phê xứ lạnh.

Chị Y Huy tuân thủ quy định của Hợp tác xã chỉ thu hoạch những quả cà phê đã chín

"Huyện đang triển khai các mô hình liên kết sản xuất, liên kết giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đối với người dân trong việc tổ chức sản xuất, liên kết bao tiêu chế biến sản phẩm cho người dân. Trước thực trạng về khâu chăm sóc, quy trình chăm sóc cây cà phê còn hạn chế của người dân qua việc liên kết doanh nghiệp đã hỗ trợ rất nhiều về khâu kỹ thuật, khâu hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cùng đồng hành với người dân để nâng cao chất lượng, giá trị cây cà phê” - ông Phạm Thanh Bình chia sẻ.

Tại huyện Kon Plông hiện đã có 4 Hợp tác xã thực hiện việc ký kết hợp đồng liên kết sản xuất cây cà phê xứ lạnh với người dân. Nhà có hơn 2ha cà phê, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất với Hợp tác xã cà phê sạch Măng Đen, vợ chồng anh chị Y Huy, Lê Văn Thận, nhà ở làng Tu Ma, xã Măng Cành nhận thấy rõ lợi ích của mô hình liên kết này.

Theo anh Thuận: “Trước đây gia đình tôi làm chưa liên kết với Hợp tác xã thì giá chỉ được tầm 9.000 đồng/kg. Năm nay liên kết với Hợp tác xã thì giá được hơn là 15.600 đồng. Gia đình tôi cũng tính là nhân rộng thêm 2ha.

Khi liên kết với Hợp tác xã là cán bộ vào hướng dẫn tận vườn. Đến bây giờ gia đình tôi hiểu biết về chăm sóc cây cà phê Arabica. Hợp tác xã hỗ trợ từ cây giống rồi đến phân bón. Sâu bệnh họ đến chỉ dẫn tại vườn. Chưa liên kết với Hợp tác xã thì chưa có kỹ thuật cây cà phê chỉ được khoảng độ 4 tấn đổ về nhưng khi chúng tôi liên kết cây cà phê đã lên 1ha đạt tới 6 đến 7 tấn”.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Vũ, Phó giám đốc Hợp tác xã cà phê sạch Măng Đen hướng dẫn người dân xã Măng Cành, huyện Kon Plông chăm sóc cà phê

Tiến sỹ Nguyễn Văn Vũ, Phó giám đốc Hợp tác xã cà phê sạch Măng Đen, đơn vị đã ký hợp đồng với 87 hộ dân có tổng diện tích cà phê xứ lạnh khoảng 100 ha ở xã Hiếu, Măng Cành và Đăk Tăng để xây dựng thương hiệu Cfé de Măng Đen, cho biết: “Về phía Hợp tác xã chúng tôi làm việc tận tâm để hỗ trợ bà con. Hợp tác xã chúng tôi cũng cam kết thanh toán cho bà con mỗi kg quả tươi mà trên 90% quả chín hái trên cây mua với giá cao hơn 20% so với giá thị trường.

Khi bà con thấy được lợi ích về kinh tế thì bà con dần dần thay đổi tập tục canh tác. Một ha cà phê Arabica nếu như canh tác cho đúng kỹ thuật mà theo hướng hữu cơ Oganic nữa thì giá trị rất là cao phải gấp 3, 4 lần so với canh tác truyền thống bây giờ”.

Tham gia mô hình liên kết người trồng cà phê xứ lạnh được hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra

Để đạt mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm của cà phê xứ lạnh, mới đây Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Kết luận số 1228 về chủ trương khôi phục và phát triển cây cà phê xứ lạnh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xác định mục tiêu phát triển cây cà phê xứ lạnh theo hướng hiện đại, bền vững, hình thành chuỗi giá trị, gắn với thương hiệu "Cà phê xứ lạnh Kon Tum". Mục tiêu cụ thể mà tỉnh Kon Tum đặt ra là đến năm 2025 mở rộng diện tích cây trồng này lên 5.000 ha; đến năm 2030, phấn đấu có 7.000 ha, trong đó khoảng 2.000 ha liên kết sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác.

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên