TP.HCM: Thực trạng khu đất số 52 đường Kênh 19/5

Khu đất số 52 đường Kênh 19/5, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM có vị trí đắc địa, nằm ngay khu vực sầm uất nhất nhì quận Tân Phú. Tuy nhiên suốt nhiều năm nay, khu đất bị bỏ hoang.

Theo ghi nhận thực tế mới đây của PV, bên trong khu đất cỏ dại mọc um tùm, bên ngoài là tường quây bằng tôn cũ kỹ, dán đầy các thông tin quảng cáo rao vặt. Một số người dân quanh đây cho biết, hàng ngày có một số đối tượng nghiện hút lui tới khu đất này vì rậm rạp, vắng người.

Cổng vào khu đất vẫn còn tấm biển quảng cáo cũ, qua thời gian nay đã bạc màu. Tấm biển có với nội dung “Khu ẩm thực sinh thái – Câu cá giải trí Tân Thắng”.

Cổng vào khu đất số 52 đường Kênh 19/5

Theo tìm hiểu Khu đất số 52 đường Kênh 19/5, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM nằm trong quy hoạch dự án Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tây Sài Gòn. Đây là dự án nằm trong Khu liên hợp Văn hóa thể thao và dân cư Tân Thắng do Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín làm chủ đầu tư.

Do dự án chưa triển khai nên chủ đầu tư đã cho Công ty Ngọc Bích Thành thuê lại để quản lý khai thác sử dụng. Sau đó, Công ty Ngọc Bích Thành tiếp tục cho Doanh nghiệp tư nhân Tiêu Điểm Kim Loan ((Doanh nghiệp Kim Loan, do bà Phạm Thị Kim Loan làm chủ, tại TP.HCM) thuê lại để kinh doanh dịch vụ câu cá giải trí và 2 sân bóng đá.

Việc Doanh nghiệp Kim Loan kinh doanh tại khu đất trên cũng được cơ quan chức năng TP.HCM ủng hộ. Cụ thể là tháng 3/2016, Thanh tra TP.HCM đã có kiến nghị Chấp thuận cho Doanh nghiệp Kim Loan được tiếp tục tạm thuê mặt bằng theo hiện trạng và yêu cầu doanh nghiệp cam kết chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh, an ninh trật tự và bàn giao mặt bằng khi dự án triển khai thi công. Doanh nghiệp Kim Loan cũng đã cam kết sẽ tháo dỡ, bàn giao mặt bằng khi dự án triển khai xây dựng.

Bà Kim Loan trao đổi vụ việc với PV trước khu đất số 52 đường Kênh 19/5

Theo bà Kim Loan, đến nay, dự án Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tây Sài Gòn vẫn đang trong quá trình kêu gọi đầu tư, chưa triển khai xây dựng. Tuy nhiên, ngày 3/6/2016 UBND quận Tân Phú đã huy động lực lượng tới cưỡng chế khu đất mà không có quyết định cưỡng chế, không có thông báo thi hành cưỡng chế.

Việc cưỡng chế khiến nhiều tài sản của Doanh nghiệp Kim Loan bị mất mát, hư hỏng và xuống cấp không còn giá trị sử dụng, cùng một số thiệt hại khác…Với tổng số tiền thiệt hại khoảng gần 8 tỷ đồng.

Cũng vì thế mà suốt 5 năm qua, bà Kim Loan đã nhiều lần liên hệ với UBND quận Tân Phú yêu cầu giải quyết bồi thường. Đồng thời bà Kim Loan cũng nhiều lần gửi đơn tới các cơ quan chức năng của TP.HCM, thậm chí gửi đơn cho cả Đại biểu Quốc hội, Chính phủ để kêu cứu.

Bên trong khu đất cỏ dại mọc quá đầu người

Liên quan tới vụ việc này Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã 2 lần có văn bản chỉ đạo giải quyết, các cơ quan chức năng TP.HCM cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng tới nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Bà Kim Loan cho rằng: “Việc cưỡng chế của UBND Quận Tân Phú đã được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và UBND TP.HCM xác định là không đúng quy định pháp luật và yêu cầu xử lý kỷ luật với tổ chức cá nhân vi phạm. Do đó, UBND Quận Tân Phú phải có trách nhiệm giải quyết khiếu nại và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Công ty Kim Loan theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà Nước”.

Liên quan tới vụ việc này, trong văn bản phúc đáp phản ánh của Doanh nghiệp Kim Loan, UBND quận Tân Phú cho biết: UBND quận đã nhiều lần tổ chức làm việc theo chỉ đạo của UBND TP.HCM nhưng Doanh nghiệp Kim Loan không đồng ý nhận lại tài sản mà đề nghị bồi thường toàn bộ tài sản với số tiền gần 8 tỷ đồng.

Cũng theo UBND quận Tân Phú, hiện vụ việc "Tranh chấp hợp đồng thuê đất" đã được TAND quận Tân Phú thụ lý.

PV đã liên hệ với lãnh đạo UBND quận Tân Phú để trao đổi thêm về vụ việc nhưng nhiều ngày trôi qua vẫn chưa nhận được phản hồi.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã 2 lần chỉ đạo giải quyết vụ việc

Trao đổi với PV về các quy định pháp luật về cưỡng chế, các quy trình thủ tục cần thực hiện khi tiến hành cưỡng chế đối với doanh nghiệp, Luật sư Lê Quốc Sơn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: Đối với việc cưỡng chế thu hồi đất như vụ việc của Doanh nghiệp Kim Loan cần thực hiện theo theo quy định tại Điều 71, Luật Đất đai năm 2013.

Về trình tự thủ tục thực hiện cưỡng chế, Luật sư Lê Quốc Sơn cho biết: Khi có Quyết định thu hồi đất, UBND quận phải ra thông báo việc thu hồi đất, thời gian và bàn giao đất.

Khi doanh nghiệp không tự nguyện giao đất thì UBND quận ra Quyết định cưỡng chế gửi cho doanhnghiệp. Khi hết thời hạn được ghi trong Quyết định cưỡng chế mà doanh nghiệp không thực hiện, thì UBND quận ra Quyết định thành lập ban thực hiện cưỡng chế.

Ban thực hiện cưỡng chế phải vận động, thuyết phục, đối thoại với doanh nghiệp, nếu doanh nghiệpkhông hợp tác, ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản kết quả vận động.

Khi tiến hành cưỡng chế, ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản cưỡng chế, phải tổ chức bảo quản tài sản, phải thông báo cho doanh nghiệp bằng văn bản để nhận lại tài sản. Việc cưỡng chế phải công khai, dân chủ, khách quan, đảm bảo trật tự, an toàn và đúng quy định của pháp luật.

“Theo quy định của pháp luật về trình tự thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức bảo quản tài sản, cụ thể là ban thực hiện cưỡng chế phải ra văn bản bàn giao tài sản cho cơ quan có chức năng bảo quản tài sản cho doanh nghiệp. Nếu thiếu trách nhiệm làm hư hỏng mất mát gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì phải bồi thường”, Luật sư Lê Quốc Sơn cho biết.

Theo Luật sư Lê Quốc Sơn, UBND quận Tân Phú cần tổ chức một cuộc đối thoại với doanh nghiệp và giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh để khiếu nại kéo dài.

Quang Tuấn - Đình Tuyên