TP Hồ Chí Minh quyết tâm khống chế dịch Covid-19

TP Hồ Chí Minh triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho công nhân Công ty FPT Software tại Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức.

Lãnh đạo thành phố đã quyết định nâng cao mức độ các biện pháp phòng, chống dịch, chấp nhận phát triển kinh tế chậm lại, nhằm kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường.

Xuất hiện nhiều ổ dịch mới

Tính đến 6 giờ ngày 20-6, TP Hồ Chí Minh đã có 1.796 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố; trong đó 1.549 trường hợp nhiễm trong cộng đồng. Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định: Ðặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus (vi-rút) Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm và nơi làm việc. Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan rất nhanh và rộng tại thành phố. Các chuỗi dịch lớn ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận, huyện. Ðáng chú ý, thành phố đã ghi nhận nhiều ca bệnh là công nhân ở các công ty, KCN, nhân viên y tế và nhân viên văn phòng...

Việc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh để "thủng lưới" với hơn 60 nhân viên và các trường hợp liên quan là bài học sâu sắc đối với ngành y tế thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Nguyễn Văn Vĩnh Châu, sự tấn công của Covid-19 vào BV là điều "không thể ngờ" khi mầm bệnh xâm nhập vào văn phòng, bộ phận hậu cần của BV chứ không phải là các khoa điều trị. Tuy nhân viên y tế đã duy trì việc mang khẩu trang, phương tiện phòng hộ mỗi khi tiếp xúc người bệnh, nhưng nhân viên văn phòng vẫn chưa có được thói quen này. Ðây chính là kẽ hở để mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào BV.

Bên cạnh đó, các chuỗi lây nhiễm mới trong cộng đồng được phát hiện trong thời gian gần đây vẫn chưa rõ nguồn lây, như: Xưởng cơ khí ở Hóc Môn, chung cư Ehome 3, chuỗi Hnam Mobile, chuỗi vựa ve chai quận 1, chuỗi Công ty Kim Minh quận 5, Công ty thực phẩm Trung Sơn... Gần đây, thành phố còn phát hiện một số ca bệnh là người bán hàng rong, tài xế xe công nghệ... Qua đó cho thấy, những ca bệnh bất ngờ vẫn xuất hiện ngày càng nhiều trong cộng đồng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Ðức cho biết: Bên cạnh sự nỗ lực, quyết liệt, chấp hành nghiêm của các tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống Covid-19, thì vẫn còn một vài đơn vị, cá nhân lơ là trong thực hiện giãn cách xã hội. Chính vì thế, dù thành phố đã kiểm soát được các chuỗi lây nhiễm lớn như nhóm truyền giáo Phục hưng nhưng vẫn để nhiều ổ dịch khác tiếp tục xuất hiện, chưa được khống chế một cách triệt để. Trước tình hình đó, TP Hồ Chí Minh đã quyết định triển khai các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm khống chế dịch Covid-19, không để mất kiểm soát tình hình.

Siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch

Sau khi xem xét tình hình thực tế diễn biến dịch Covid-19, ngoài tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, tối 19-6,
UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 10 về "Siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh". Ðây được xem là hành động quyết liệt của thành phố để sớm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 trong cộng đồng. Ngoài việc tiếp tục thực hiện các biện pháp trước đây, Chỉ thị số 10 đã bổ sung nhiều nội dung nhằm nâng mức độ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, như: Dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; dừng hoạt động các chợ tự phát; tạm dừng hoạt động đối với xe buýt, ta-xi, xe vận tải khách theo tuyến cố định liên tỉnh và xe trung chuyển...

Chị Cao Nguyễn Dương Ðông, khu phố 14, phường 12, quận Gò Vấp chia sẻ, sáng nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra các điểm chợ tự phát trên địa bàn phường. Hầu hết người buôn bán tại các chợ tự phát đều chấp hành tốt và nhanh chóng dọn dẹp hàng hóa. Người dân đã quen mua hàng ở các chợ tự phát vì gần nhà, nay chợ dừng hoạt động cũng có chút bất tiện khi phải đi chợ xa hơn. Tuy nhiên, đây là quyết định cần thiết để thành phố ngăn chặn nguồn lây của dịch.

Ðồng chí Dương Anh Ðức cho biết: Trong tình hình hiện nay, thành phố sẽ linh hoạt hơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Những nơi nào kiểm soát tốt dịch sẽ nới lỏng giãn cách, những nơi nào vẫn còn diễn biến phức tạp thì có thể áp dụng biện pháp mạnh hơn. Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã thiết lập phong tỏa các khu phố 2, 3, 4, phường An Lạc (quận Bình Tân) và ấp Tân Thới 2, Tân Thới 3, một phần ấp Thới Tây 1 thuộc xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) trong 14 ngày, do tình hình dịch ở những nơi này còn mức nguy cơ cao.

Ngay từ rạng sáng 20-6, huyện Hóc Môn đã lập các chốt chặn tại ấp Thới Tây 1, Tân Thới 2 và Tân Thới 3. Người dân trong khu vực phong tỏa tuyệt đối không ra ngoài và được nhận thức ăn, nhu yếu phẩm ở bên ngoài gửi vào. Các chợ được kiểm soát chặt chẽ khi ra, vào trong khi các gian hàng tự phát chung quanh chợ được thông báo dừng hoạt động. Ðường phố và các khu vực thường tập trung đông người tại huyện Hóc Môn cũng được lập các cổng rào hạn chế đi lại, hàng quán tạm dừng hoạt động. Mặc dù đời sống có nhiều ảnh hưởng và bất tiện, nhưng người dân vẫn hợp tác và nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của các đơn vị chức năng.

Bên cạnh đó, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc lây nhiễm chéo trong BV và nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ ngoài vào BV, Sở Y tế thành phố tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát lây nhiễm trong BV, siết chặt công tác phân luồng, sàng lọc người bệnh đến khám, đặc biệt lưu ý yếu tố dịch tễ. Sở Y tế thành phố đã yêu cầu sau giờ làm việc ở BV, nhân viên y tế chỉ nghỉ ngơi và làm việc tại nhà, hạn chế tiếp xúc với những người chung quanh để tránh lây dịch bệnh. Ngành Y tế thành phố tiếp tục tăng cường giám sát, phòng, chống dịch trong KCN qua việc lấy mẫu tầm soát có trọng tâm ở KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn; xét nghiệm toàn bộ người lao động trong KCN có người nhiễm, nghi nhiễm và mở rộng xét nghiệm trong tất cả các KCN. Sở Y tế sẽ tăng cường năng lực xét nghiệm, trong đó tổ chức tầm soát lấy mẫu trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao, có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời phối hợp với các cơ quan y tế của thành phố và đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tổ chức xét nghiệm bằng nhiều biện pháp, phấn đấu thực hiện 500.000 mẫu/ngày.

Trước diễn biến vô cùng phức tạp của dịch bệnh, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng: Toàn thành phố đã nỗ lực, thực hiện nhiều biện pháp nghiêm và về cơ bản đã kiểm soát được một số chuỗi lây nhiễm, nhưng vẫn chưa khống chế được dịch bệnh. Vì vậy, cần phải thực hiện các biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn, đây là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Về lâu dài, biện pháp căn cơ nhất vẫn là tiêm vắc-xin. Chính vì thế, bên cạnh tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thành phố chú trọng đến công tác tiêm vắc-xin cho người dân trên địa bàn. Lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm để tạo nền nếp, kỷ cương trong quá trình phòng, chống dịch, với quyết tâm sớm khống chế được dịch Covid-19. "Chúng ta chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn để duy trì lợi ích lâu dài, bảo đảm sức khỏe cho mọi người và sự an toàn, phát triển bền vững của thành phố" - đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Bài và ảnh: VÕ MẠNH HẢO