Tình trạng tự tử bất thường nổi lên ở Nhật

Giữa đại dịch Covid-19, con số tăng vọt trong báo cáo về các vụ tự tử ở Nhật Bản đã phản ánh một mối lo ngại đối với toàn thế giới. Chỉ trong tháng 10/2020, tỷ lệ nữ giới tự tử đã tăng mạnh hơn 70% so với cùng tháng năm ngoái. Câu hỏi được đặt ra: Tại sao đại dịch Covid-19 lại tác động đến nữ giới nghiêm trọng hơn so với nam giới?

Bà Jun Tachibana, người sáng lập tổ chức từ thiện ngăn ngừa nạn tự tử với tên gọi Bond Project, cho biết đại dịch Covid-19 đang đẩy những người dễ bị tổn thương trong xã hội đến gần bờ vực tuyệt vọng.

Trong vài tháng gần đây, nhân viên tổ chức đã nhận được nhiều cuộc gọi đau lòng. “Chúng tôi nghe thấy rất nhiều câu như tôi muốn chết và tôi không còn nơi nào để đi".

Bà Tachibana hy vọng Dự án Bond Project sẽ mang lại cho phụ nữ sự giúp đỡ mà họ cần. Ảnh: BBC.

Đối với những người bị lạm dụng thể chất hoặc tình dục, Covid-19 khiến cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Bà Tachibana kể lại: "Cô gái gọi cho tôi hôm trước đã chia sẻ rằng mình đang bị cha quấy rối tình dục. Nhưng vì Covid-19 mà thời gian cha cô ấy ở nhà nhiều hơn và cô không có cách nào để trốn thoát khỏi ông ấy".

Mô hình tự tử "rất bất thường"

Phần lớn nam giới là đối tượng bị tác động chính trong các khủng hoảng trước đây ở Nhật Bản, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hay sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và bong bóng bất động sản vào đầu những năm 1990.

Tuy nhiên trong bối cảnh Covid-19, mọi thứ đều thay đổi. Tỷ lệ trẻ em và nữ giới tự tử tăng cao.

Số lượng người nhật tự sát từ trong khoảng thời gian 2008-2020. Ảnh: BBC.

Nhật Bản từ lâu đã nằm trong các những nước phát triển phải đối mặt với tình trạng người dân tự tử nhiều nhất thế giới. Trong thập kỷ qua, đất nước này đã thành công lớn trong việc giảm gần một phần ba tỷ lệ người tự sát.

Vì vậy, giáo sư Michiko Ueda, một trong những chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản về vấn đề tự tử, đã bị sốc khi chứng kiến sự đảo ngược mạnh mẽ trong vài tháng qua.

Bà cho rằng tỷ lệ nữ giới tự tử đang tăng khác thường. Nếu tháng 10/2020 ghi nhận 879 phụ nữ tự sát thì con số này đã nâng lên hơn 70% so với cùng tháng năm 2019.

"Trong thời gian làm việc với tư cách là nhà nghiên cứu, tôi chưa bao giờ thấy sự gia tăng như vậy. Phần lớn ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đại dịch Covid-19 đều có tỷ lệ lao động nữ giới cao, chẳng hạn như du lịch và bán lẻ và các ngành công nghiệp thực phẩm", bà Ueda nói.

Thời gian gần đây, Nhật Bản chứng kiến nhiều phụ nữ lựa chọn lối sống độc thân. Họ thường phải làm những công việc "bấp bênh". Bà Michiko Ueda chia sẻ: "Họ phải tự trang trải cuộc sống và không có việc làm ổn định. Vì vậy, khi có chuyện xảy ra, họ bị ảnh hưởng rất nhiều. Số lượng người lao động không cố định mất việc trong tám tháng qua là rất lớn".

Giáo sư Ueda gọi mô hình tự tử của phụ nữ là "rất bất thường". Ảnh: BBC.

Nhiều tờ báo đã làm so sánh giữa tổng số người tự sát trong tháng 10 (2.199 người) với tổng số ca tử vong ở Nhật Bản do Covid-19 cho đến thời điểm đó (2.087 người).

Hiện tượng người nổi tiếng

Các chuyên gia đồng ý rằng có một mối liên hệ chặt chẽ giữa các vụ tự tử của những người nổi tiếng với sự gia tăng tỷ lệ tự sát theo sau đó.

Vào ngày 27/9/2020, nữ diễn viên nổi tiếng Yuko Takeuchi được phát hiện đã chết tại nhà riêng. Sau đó, có thông tin cho rằng cô đã tự kết liễu đời mình.

Yasuyuki Shimizu là một cựu nhà báo, đang điều hành một tổ chức phi lợi nhuận (NPO) phòng chống nạn tự tử của Nhật Bản cho biết vụ tự tử của nữ diễn viên này dẫn đến thêm 207 phụ nữ tự tử trong 10 ngày tiếp theo.

Diễn viên Nhật Bản Yuko Takeuchi được phát hiện chết tại nhà riêng ở tuổi 40. Ảnh: Getty.

Ông Shimizu chia sẻ phụ nữ ở độ tuổi 40 bị ảnh hưởng nhiều nhất trong tất cả nhóm tuổi, với tỷ lệ tự tử tăng hơn gấp đôi.

Đây không chỉ là một hiện tượng phổ biến ở Nhật Bản mà còn tại nhiều quốc gia khác. Ngay sau vụ tự tử của người nổi tiếng, các cuộc thảo luận xuất hiện càng nhiều trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, gây ra tác động càng lớn đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác.

Mai Suganuma, nhà nghiên cứu của tổ chức NPO cũng từng là nạn nhân của tự tử. Khi cô còn niên thiếu, cha cô đã tự kết liễu cuộc đời mình. Hiện nay, cô hoạt động để giúp đỡ những gia đình có người thân tự sát. Cô chia sẻ: “Khi tôi nói chuyện với các thành viên trong gia đình, họ thường tự trách bản thân vì đã không thể cứu được người thân của mình".

Làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 3 đã khiến đường phố Nhật Bản trở nên vắng vẻ. Ảnh: Getty.

Covid-19 đang khiến cho mọi người không thể bày tỏ tiếc thương với những người thân nhiễm bệnh không qua khỏi, đại dịch cũng đang khiến cuộc sống của các gia đình nạn nhân tự tử trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Trước tỷ lệ tử vong tăng cao tại Nhật Bản, giáo sư Ueda bày tỏ nhiều lo ngại. Nếu như điều này còn tiếp diễn ở Nhật Bản, nơi các chính sách phong tỏa không quá nghiêm ngặt và có ít ca tử vong vì Covid-19, thì ở các quốc gia có tình hình dịch bệnh tồi tệ hơn, mọi chuyện sẽ ra sao?

Minh An