Tinh hoa nghề truyền thống làm mâm dồn ở Phú Thọ

Nghề làm mâm dồn có từ lâu đời ở xã Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba, tuy nhiên qua thời gian hiện chỉ có duy nhất gia đình ông Đỗ Quang Trung ở khu 7 còn giữ nghề. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, bàn tay khéo léo của thợ thủ công lành nghề không những giúp ông gìn giữ phát triển tinh hoa nghề truyền thống của ông cha mà còn mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình.

Để làm ra chiếc mâm dồn phải qua nhiều khâu, công đoạn tỉ mỉ. Đầu tiên là chọn nguyên liệu nứa rồi đến pha, vót, băm nan, cuốn, ghép, dồn thanh nứa vào với nhau để đem phơi, bào nhẵn, thảo sơn và tiến hành sơn 5 lần để hoàn thiện sản phẩm.

Công đoạn nào cũng cần sự khéo léo của người làm, nhưng khâu dồn nứa, mài nhẵn bề mặt là quan trọng nhất, đòi hỏi kỹ thuật cao.

Mâm dồn độc đáo không chỉ bởi nguyên liệu làm nên nó là những nan nứa ghép, chắp, nén chặt vào nhau mà còn do sự kỳ công của con người. Để nghề truyền thống của cha ông không bị mai một, ông Trung dành nhiều thời gian, công sức hướng dẫn, truyền nghề cho con cháu.

Mâm dồn thường hoàn thành khoảng 15 ngày, trong thời gian đó không phải làm liên tục mà cần có thời gian chờ phơi cho khô nước, khô sơn.

Để làm ra chiếc mâm dồn với màu sơn, họa tiết trên mặt bắt mắt gần như hoàn toàn là thủ công với đôi bàn tay khéo léo, linh hoạt của người thợ.

Đối với ông Trung chiếc mâm dồn khi hoàn thành cần phải đảm bảo độ chắc chắn và tính thẩm mỹ cao vì vậy mọi công đoạn đều phải thật chính xác từng chi tiết.

Với những nét đẹp mang đặc thù riêng nên sản phẩm mâm dồn của gia đình ông Trung thường xuyên được mang đi triển lãm trong nhiều hội trại văn hóa được người dân đánh giá cao bởi tính thẩm mỹ và độc đáo.

Thu Giang