Tín hiệu lạc quan từ tăng trưởng kinh tế

Kết thúc quý I, nền kinh tế của tỉnh đón nhận nhiều tín hiệu vui khi hầu hết các chỉ tiêu quan trọng đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Những con số lạc quan có thể kể đến như, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 624 tỷ đồng, tăng 64,61% so với cùng kỳ, đạt 30,3% kế hoạch T.Ư và 25,4% kế hoạch tỉnh giao. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 6%. Lượng khách du lịch đến tỉnh đạt trên 848.000 lượt người, tăng 20,1% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 3.884 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông 2023-2024 đạt trên 13.308 ha, tăng 3,53%… Những con số ấn tượng trên ngoài phản ánh bức tranh kinh tế những tháng đầu năm đầy gam màu tươi sáng, cũng khẳng định sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị tỉnh ta với hàng loạt các chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu chính quyền tỉnh, sự linh hoạt trong thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế 2024 của tỉnh.

Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua thôn Khiềm, xã Quang Minh (Bắc Quang) đang được thi công. Ảnh: Chí Cường

Còn nhớ, tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế quý I được UBND tỉnh tổ chức trung tuần tháng 3, bên cạnh tín hiệu lạc quan, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành chuyên môn cũng chỉ ra những yếu tố bất lợi khiến mức tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng, đó là: Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ; giá cả nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào vào phục vụ sản xuất vẫn biến động tăng, sản lượng hàng tồn kho nhiều; nhiều lao động không có việc làm… Trên cơ sở phân tích, làm rõ nguyên nhân, dự báo tình hình, người đứng đầu chính quyền tỉnh yêu cầu, các chủ đầu tư và UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo lộ trình giải ngân chung toàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, ứng dụng công nghệ số thu hút khách du lịch; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước; đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá quyền sử dụng đất. Sự vào cuộc chủ động, quyết liệt, chỉ đạo kịp thời này đã góp phần quan trọng đưa tăng trưởng kinh tế của tỉnh thêm nhiều khởi sắc, vượt qua những lực cản để vươn lên mạnh mẽ.

Một trong những yếu tố minh chứng sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành, tạo môi trường công bằng, minh bạch đó là chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh năm 2023 có bước tiến vượt bậc, từ nhóm trung bình thấp vươn lên nhóm trung bình cao của cả nước và xếp thứ 4 trong 14 tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc. Nếu như năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh đạt 41,147 điểm, xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố thì năm 2023 tăng 3,1 điểm và 29 bậc, vươn lên vị trí 11 trong bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố. Kết quả này cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở trong nỗ lực cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI ở cả 8 nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Những tín hiệu tích cực trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã hòa cùng đà tăng chung nền kinh tế của cả nước. Kết thúc quý I, tăng trưởng GDP nước ta đạt 5,66%, cao hơn kịch bản đề ra. Cả 3 khu vực đều phát triển tốt: Nông nghiệp tăng 2,98%, công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, dịch vụ tăng 6,12%. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 5,2% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,67% kế hoạch năm, cao hơn cùng kỳ 10,35%, số tuyệt đối cao hơn 16.500 tỷ đồng.

Dù nền kinh tế của tỉnh ta và cả nước đạt được những kết quả bước đầu rất khả quan, nhưng sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát, lãi suất, tỷ giá còn cao do giá dầu thô, giá lương thực, lãi suất, tỷ giá trên thị trường thế giới biến động mạnh; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới; xu hướng bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội tiếp tục gia tăng. Một số ngành sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, giải trí chưa phục hồi rõ nét. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn. Mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay giảm, nhưng lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện tại còn cao; tiếp cận vốn còn khó khăn. Khó khăn, vướng mắc trên thị trường bất động sản từng bước được xử lý nhưng giao dịch phục hồi chậm.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo của T.Ư, Bộ Chính trị và lãnh đạo chủ chốt, Chiến lược phát triển KT-XH 2021 - 2030, các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, giữ vững bản lĩnh, kiên định mục tiêu đề ra với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn. Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, coi khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu vươn lên. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Tăng cường đoàn kết, thống nhất; giữ gìn kỷ luật, kỷ cương hành chính; khắc phục kịp thời các hạn chế trong phản ứng chính sách của một số cơ quan, đơn vị; giữ đúng nguyên tắc hành động, đồng thời căn cứ diễn biến thực tiễn để chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc; chủ động giải quyết theo thẩm quyền, không trông chờ ỷ lại và kịp thời đề xuất, kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền.

Căn cứ tình hình thực tế, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển của ngành, lĩnh vực; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn quý II ước đạt 8%, giá trị sản xuất đạt 13.232 tỷ đồng.

THIÊN THANH