Tiếp tục điều chỉnh đồ án quy hoạch Khu Hòa Bình – Đà Lạt để sớm triển khai

>> Xem tuyến bài: Quy hoạch Đà Lạt gây tranh cãi

Người dân Đà Lạt xem nội dung quyết định quy hoạch khu trung tâm Đà Lạt ngày 15.3.2019. Ảnh: Nguyễn Vinh

Nguồn tin từ Báo Lâm Đồng cho biết, chiều ngày 9.4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có buổi họp bàn về việc triển khai dự án Khu Hòa Bình – Đà Lạt. Buổi làm việc có Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Quận; Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đình Văn; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng; lãnh đạo thành phố Đà Lạt; các sở, ngành và đại diện Công ty CP Địa ốc Đại Quang Minh…

Tại buổi làm việc, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo tổng thể quy hoạch sau khi đã rà soát, tổng hợp ý kiến về tình hình triển khai quy hoạch và dự kiến phương án đầu tư khu vực trung tâm Hòa Bình – thành phố Đà Lạt.

Theo đó, tổng thể quy hoạch bao gồm các công trình, hạng mục đề xuất sử dụng vốn đầu tư công như: Cải tạo, mở rộng 8 tuyến đường, xây dựng mới 10 tuyến đường giao thông, 6 tuyến đường đi bộ, xây dựng khu quảng trường đi bộ, hầm để xe…

Đến thời điểm này, cơ bản tổng thể quy hoạch đã tạo được dấu ấn khá rõ, hiện đại nhưng vẫn thể hiện được tính thống nhất về kiến trúc và bảo tồn những giá trị có sẵn của Đà Lạt, đặc biệt là bảo đảm sự phát triển của địa bàn trung tâm thành phố.

Các ý kiến trao đổi, góp ý của các ngành, địa phương và Công ty Cổ phần địa ốc Đại Quang Minh tập trung làm rõ một số vấn đề trong tổng thể quy hoạch, với mục tiêu chính là chỉnh trang đô thị, đầu tư kết cấu hạ tầng công cộng phục vụ thiết yếu cho người dân.

Về phương thức đầu tư, nhiều ý kiến phân tích, đưa ra phương án gắn với quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý tài sản công…; có thể chia thành các dự án để đầu tư theo hình thức khác nhau.

Cuộc họp ngày 9.4 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc triển khai dự án Khu Hòa Bình – Đà Lạt. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cho biết, dự án quy hoạch trung tâm Hòa Bình – thành phố Đà Lạt là chủ trương đã được Tỉnh ủy xác định từ năm 2009. Tỉnh đã tổ chức thi tuyển quy hoạch và thiết kế, đến ngày 16.3.2019 đồ án này đã tổ chức thông tin công khai. Đặc biệt, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI đã xác định đây là một trong 8 công trình trọng điểm của tỉnh.

Vì vậy, những ý kiến của các ngành, địa phương và Công ty Cổ phần Địa ốc Đại Quang Minh tại buổi làm việc là hết sức quan trọng. Các cơ quan chuyên môn tiếp tục tổng hợp, tiếp thu, trên cơ sở đó thực hiện điều chỉnh để hoàn thiện đồ án quy hoạch và sớm đưa vào triển khai dự án.

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận khẳng định việc hoàn thành dự án trung tâm Hòa Bình – thành phố Đà Lạt sẽ tạo diện mạo mới cho thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và đáp ứng lòng mong đợi, kỳ vọng của nhân dân.

Tọa đàm "Từ tranh luận về đồi dinh nghĩ đến tương lai Đà Lạt" do Người Đô Thị và Save Heritage Vietnam đồng tổ chức ngày 1.9.2020, với sự tham dự của các chuyên gia là nhà quy hoạch, kiến trúc sư, luật sư, nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện tổ chức/dự án về bảo tồn văn hóa, kiến trúc, di sản đô thị... Ảnh: Trung Dũng

Như Người Đô Thị đã liên tục thông tin, ngày 15.3.2019 Đà Lạt chính thức công bố bản “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng”. Bản đồ án “khu thương mại phức hợp” cao tầng thay cho một khu Hòa Bình đầy dấu ấn lịch sử, ký ức đô thị, không những tạo ra sự bất an nơi những cư dân trong khu vực bị chi phối, cư dân quan tâm đến lịch sử văn hóa Đà Lạt mà còn gây tranh cãi trong giới chuyên môn nghiên cứu, quy hoạch, kiến trúc đô thị.

Trong cuộc trao đổi với cây bút biên khảo văn hóa Đà Lạt Nguyễn Vĩnh Nguyên, TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: “Nhìn ở góc độ đa ngành, có thể thấy sau một thế kỷ phát triển đô thị, không gian khu Hòa Bình đã đạt đến một tỉ lệ bão hòa, nên chỉnh trang để trả lại không gian xanh, thay vì cao tầng hóa.

Việc cao tầng hóa tại đây chỉ nghĩ đến số mét vuông đạt được, nhưng sẽ gây hại cho cảnh quan tổng thể và tạo áp lực lớn lên hạ tầng, gây thiệt hại cho đời sống người dân trong khu vực. Các nhà lãnh đạo Đà Lạt từ nhiều thời kỳ luôn nêu khẩu hiệu về một thành phố trong rừng, thành phố bên hồ, nhưng cách làm hiện nay cho thấy thực tế trái ngược hoàn toàn”.

Theo PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục chính quyền đang hiểu sai về “phát triển” đô thị ở Đà Lạt: “Chính quyền Đà Lạt hiện nay đang nóng ruột phát triển thành phố bằng mọi giá, nhưng cái giá phải trả cho phát triển nóng là biến một thành phố “Tiểu Paris” của Đông Dương, được định dạng là "thành phố trong cây cỏ và cỏ cây trong thành phố" mê hoặc lòng người, trở thành một thành phố phi danh tính – không thể nhận dạng.

Đồ án xóa sổ khu vực rạp Hòa Bình, một trong những Trung tâm bản địa đầu tiên của Đà Lạt, một cấu trúc quan trọng vào bậc nhất trong chuỗi xương sống của hệ thống trung tâm lịch sử, để thay vào đó một cái tên ngô nghê (khu cao tầng thương mại phức hợp) và những phối cảnh cũng ngô nghê không kém - là một kiểu bức tử thành phố một cách thô bạo…”, PGS. Thục thẳng thắn bày tỏ.

Tại văn bản kiến nghị ngày 19.3.2019 gửi Bộ Xây dựng, HĐND tỉnh Lâm Đồng, Hội Quy hoạch Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam… 77 kiến trúc sư đã yêu cầu xem xét, làm rõ Quyết định phê duyệt đồ án “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị – tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt” có tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định pháp luật? Tiếp nối kiến nghị này, một Thư kiến nghị khác cũng đã gửi Thủ tướng Chính phủ và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Ngày 15.4.2019, Hội Kiến trúc sư Việt Nam có văn bản gửi Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng bày tỏ ý kiến về Đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà lạt. Văn bản cho biết: Khu vực rạp Hòa Bình có giá trị như một di sản ký ức của cộng đồng dân cư Đà Lạt, do đó cần nghiên cứu để khai thác giá trị ký ức của không gian di sản này trong công trình mới. Giải pháp xây dựng khách sạn lớn tại khu đồi Dinh Tỉnh trưởng là không phù hợp. Không nên xây dựng thêm công trình chắn tầm nhìn từ khu phố Hòa Bình ra Hồ Xuân Hương. Để đảm bảo tính pháp quy của đồ án, cần kiểm tra các cơ sở pháp lý và quy trình thực hiện…

Trong văn bản của Bộ Xây dựng phản hồi kiến nghị của gần 80 kiến trúc sư liên quan đến quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình – TP Đà Lạt, Bộ Xây dựng cho rằng: UBND tỉnh Lâm Đồng cần tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia, đại diện các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí để giải trình, tiếp thu các ý kiến liên quan đến quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình – Đà Lạt.

Chỉnh trang trung tâm Đà Lạt là cần thiết nhưng "vẫn đảm bảo giữ gìn các giá trị văn hóa, di sản gắn liền với lịch sử hình thành đô thị Đà Lạt, phù hợp với không gian, kiến trúc, cảnh quan đặc trưng riêng của thành phố...” - Văn bản của Bộ Xây dựng lưu ý.

Khu Hòa Bình với những công trình Dinh Tỉnh trưởng, Chợ Đà Lạt, rạp Hòa Bình... không chỉ là di sản riêng của Đà Lạt, mà còn là một phần di sản quan trọng của kiến trúc đô thị Việt Nam. Ảnh: CTV

Trong bài viết gửi đến Người Đô Thị bày tỏ quan điểm chuyên môn liên quan đến những ồn ào xung quanh đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt và sự kiện từ ngày 14.8 - 14.9.2020 Đà Lạt tổ chức trưng bày, lấy ý kiến phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng, GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính cho rằng cần thiết phải lập thêm, lập lại một quy hoạch mới đáp ứng đòi hỏi bảo tồn và phát triển tiếp nối bền vững đô thị - di sản.

“Phải giữ cho được trung tâm – hạt nhân vô cùng đặc sắc của thành phố Đà Lạt là Hồ Xuân Hương và vùng đất bao quanh khỏi những công trình mới, như trung tâm thương mại (việc đã rồi), như dự án xây dựng khách sạn đồ sộ ở vị trí Dinh Tỉnh trưởng…”, GS. Kính đề nghị.

Nhiều kiến trúc sư từng cho rằng 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng sẽ phá vỡ hoàn toàn kiến trúc Đà Lạt, phá hủy mảng xanh vô giá của thành phố này.

PGS-TS-KTS. Phạm Thúy Loan trong bài viết: “Quy hoạch Khu Hòa Bình - Đà Lạt: Không lẽ chỉ là “thằng Bờm đổi cái quạt mo”?” cho rằng sự bất hợp lý, hay có thể nói là sự thô bạo nằm ngay từ khâu quy hoạch khi cho phép những kiến trúc đồ sộ, cao tầng với chức năng sinh lợi nhuận và chỉ phục vụ những đối tượng có tiền đã được đặt thành đầu bài cho các phương án kiến trúc.

“Đà Lạt nên xem xét kỹ lại lợi ích và nguy hại của các điều luật liên quan đến việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch. Kinh phí để lập quy hoạch là rất nhỏ so với giá trị của đất đai, giá trị của môi trường sống và tương lai của đô thị. Nên lắng nghe một cách thấu đáo các ý kiến của các hội nghề nghiệp, các nhà chuyên môn và của cộng đồng xã hội…”, PGS. Loan nói.

Tại cuộc tọa đàm "Từ tranh luận về đồi dinh nghĩ đến tương lai Đà Lạt" do Người Đô ThịSave Heritage Vietnam đồng tổ chức ngày 1.9.2020, các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư, luật sư, nhà nghiên cứu lịch sử đô thị, đại diện tổ chức/dự án về bảo tồn văn hóa, kiến trúc, di sản đô thị... đã cùng lên tiếng: Chặn 'làn sóng' bê tông hóa để cứu tương lai đô thị di sản Đà Lạt.

>> Xem tuyến bài: Quy hoạch Đà Lạt gây tranh cãi

Song Nguyễn