Tiền trong ngân hàng vẫn dồi dào

Theo số liệu mới nhất được Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (thuộc Ngân hàng Nhà nước) đưa ra, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến hết ngày 31/3 đã đạt 2,93%. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng 1,3% của cùng kỳ năm trước.

Ở chiều huy động vốn, dù không nêu chi tiết tỷ lệ huy động của các ngân hàng trong quý I, nhưng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết nguồn vốn huy động vẫn trong trạng thái dồi dào.

Trước đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy chênh lệch huy động – cho vay đã được nới rộng trong những tháng đầu năm khi tỷ lệ huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 0,54% tính đến 19/3, trong khi tăng trưởng tín dụng cùng thời điểm đạt 1,47%.

Tuy nhiên, các chuyên gia tại SSI Research cho rằng xu hướng này không đáng ngại và thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn trong trạng thái dồi dào. Nguyên nhân chính đến từ việc lãi suất huy động trên thị trường vẫn ở vùng thấp nhất lịch sử.

SSI Research cho rằng việc tăng trưởng huy động vốn thấp hơn tín dụng trong quý I/2021 ngoài chịu ảnh hưởng một phần từ sự dịch chuyển của dòng tiền sang các kênh đầu tư khác (chủ yếu là chứng khoán), thì các ngân hàng có thể đã chủ động giảm huy động để thu hẹp chênh lệch với dư nợ cho vay. Đằng sau động thái này là để đảm bảo mức sinh lời của nhà băng.

Diễn biến thị trường tiền tệ tuần gần nhất (5-9/4) cũng cho thấy xu hướng tương tự. Cụ thể, trong tuần, NHNN tiếp tục không phát sinh giao dịch trên thị trường mở, lãi suất trên thị trường liên ngân cũng chỉ tăng nhẹ 0,04 điểm %, chốt tuần ở mức 0,39%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,5%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Dữ liệu cho thấy tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại khá tốt trong tháng 3 đã giúp tăng trưởng tín dụng quý I/2021 ở mức cao hơn tăng trưởng huy động. Tuy thanh khoản hệ thống ngân hàng đã bớt dồi dào hơn so với quý IV/2020 nhưng vẫn ở mức rất tốt.

Các chuyên gia tại đây cũng khẳng định lãi suất liên ngân hàng sẽ duy trì ở vùng thấp hiện tại do thanh khoản các ngân hàng vẫn tích cực. Tuần qua, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay cũng không ghi nhận thay đổi.

Báo cáo của VCBS ghi nhận từ đầu năm tới nay cũng cho biết lãi suất huy động vẫn giữ xu hướng giảm và thấp hơn 0,1 điểm % tại hầu hết kỳ hạn.

Tháng vừa qua, nhiều ngân hàng thương mại đã đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất cho vay mới, đồng hành với doanh nghiệp, người dân, qua đó giúp tín dụng tăng trưởng tốt trong tháng.

Các chuyên gia tại đây cho rằng với trạng thái dồi dào của thanh khoản ngân hàng, áp lực tăng lãi suất huy động nếu có, nhiều khả năng chỉ mang tính chất cục bộ ngắn hạn và ở các kỳ hạn ngắn khi đây là giai đoạn chuyển tiếp đối với phương thức giao dịch ngoại tệ là giao dịch kỳ hạn 6 tháng áp dụng đầu năm nay.

Theo đó, các ngân hàng sẽ phải chuẩn bị và tính toán một cách kỹ càng và hợp lý các nguồn lực nội tại.

VCBS đánh giá hiện nay, ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên thế giới vẫn là ứng phó với dịch Covid. Vì vậy, các chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ vẫn được duy trì ít nhất cho tới năm 2022 khi mục tiêu ưu tiên của nhiều ngân hàng trung ương lớn giai đoạn này vẫn là hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau dịch bệnh.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục dồi dào và mặt bằng lãi suất huy động, cho vay vẫn còn dư địa để giảm thêm đến cuối năm.

Quang Thắng