Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho tất cả đại biểu Quốc hội

Nội dung chuẩn bị kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp chiều 14/6.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết dự kiến tổng thời gian của kỳ họp thứ nhất là 11,5 ngày làm việc. Trong đó, Quốc hội sẽ dành 5 ngày cho công tác nhân sự; 4,5 ngày để xem xét các báo cáo và một số nội dung khác; 1 ngày cho phiên khai mạc, bế mạc và 0,5 ngày dự phòng.

Phiên họp trù bị diễn ra chiều 19/7, phiên khai mạc vào 20/7 và dự kiến bế mạc vào 3/8.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV diễn ra trong 11,5 ngày. Ảnh: Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết tại kỳ họp lần này, Quốc hội không tiến hành công tác tổ chức, nhân sự liền mạch từ đầu đến cuối mà bố trí xen kẽ với các nội dung khác để vừa thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục, vừa tiết kiệm thời gian.

Đây là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ nên Thủ tướng sẽ trình bày báo cáo kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc.

Để phòng chống dịch, ông Cường cho biết sẽ xây dựng các phương án cụ thể và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tùy thuộc vào tình hình thực tế như: Giới hạn số lượng người ra vào Nhà Quốc hội; tổ chức xét nghiệm, tiêm vaccine, phun khử khuẩn, thực hiện 5k. Đặc biệt, tất cả đại biểu Quốc hội sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Góp ý nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: “Trong phiên họp lãnh đạo chủ chốt tôi đã đề xuất, Thường trực Ban Bí thư đã thống nhất và có văn bản gửi Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế cùng các tỉnh, thành phố tổ chức xét nghiệm và tiêm vaccine cho tất cả đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp”.

Ngoài ra, thành viên văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, các cán bộ phục vụ tòa nhà, phóng viên đưa tin kỳ họp Quốc hội cũng cần xét nghiệm và tiêm phòng.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, các báo cáo tại kỳ họp lần này cần giảm bớt, không nên quá dài. Đặc biệt, cần quyết tâm đổi mới công tác thư ký và thảo luận tại tổ phải làm chuyên nghiệp hơn.

“Đại biểu Quốc hội nói gì thì thư ký phải tổng hợp được ngay. Sau khi có ý kiến tại các đoàn, tổ thì tổng hợp cái gì thống nhất cao, cái gì còn khác nhau để biết còn tranh luận thêm. Tránh việc ở tổ nói nhiều, ở hội trường lại nói lại”, Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.

Theo ông Vương Đình Huệ, để tập trung vào vấn đề còn ý kiến khác nhau, các phiên họp tại hội trường, tại đoàn và tổ cần chuyên nghiệp hóa, không để mất thời gian mà hiệu quả không cao.

Hoài Thu